Ngày 5/12, VKSND thị xã Buôn Hồ, tỉnh Đắk Lắk cho biết, đơn vị đã ban hành kiến nghị phòng ngừa các tranh chấp hôn nhân và gia đình xảy ra trên địa bàn thị xã.
Trước đó, qua công tác kiểm sát các vụ việc dân sự, VKSND thị xã Buôn Hồ nhận thấy, thời gian qua, các vụ án tranh chấp hôn nhân và gia đình trên địa bàn thị xã Buôn Hồ (chủ yếu là ly hôn) xảy ra nhiều và chiếm tỷ lệ cao so với các loại tranh chấp dân sự khác.
Cụ thể, trong 6 tháng đầu năm 2022 (tính từ ngày 1/12 đến ngày 31/5), TAND thị xã Buôn Hồ đã thụ lý và Viện kiểm sát thực hiện chức năng kiểm sát việc giải quyết của Tòa án là 325 vụ, việc các loại. Trong đó, dân sự: 166 vụ, việc; hôn nhân gia đình 153 vụ, việc, chiếm tỷ lệ 47% trên tổng số các vụ việc...
So với cùng kỳ 6 tháng đầu năm 2021, số vụ án hôn nhân gia đình xảy ra tại thị xã Buôn Hồ tăng 18 vụ. Đa số là các vụ ly hôn, các cặp vợ chồng ly hôn chủ yếu ở độ tuổi 18 đến 35 tuổi chiếm tỷ lệ 80%. Qua đó, cho thấy các vụ tranh chấp về hôn nhân gia đình (ly hôn) xảy ra ngày càng trẻ hóa.
Theo VKSND thị xã Buôn Hồ, có nhiều nguyên nhân dẫn đến các tranh chấp về hôn nhân và gia đình xảy ra. Trong đó, đại đa số các cặp vợ chồng ly hôn đều thiếu hiểu biết và nhận thức pháp luật về hôn nhân gia đình, Luật bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em... Sự phát triển về tâm lý, giới tính và tác động của môi trường xã hội cũng đã ảnh hưởng đến tâm lý của lớp trẻ thường có biểu hiện yêu nhanh, cưới vội, chưa tìm hiểu kỹ về nhau, chưa chuẩn bị cho mình kỹ năng đầy đủ về cuộc sống hôn nhân, quan hệ vợ chồng.
Vì vậy, khi xảy ra mâu thuẫn quan hệ vợ chồng thường không có biện pháp giải quyết phù hợp, dẫn đến xung đột và mâu thuẫn quan hệ vợ chồng phát sinh gay gắt và đi đến ly hôn.
Bên cạnh đó, do tư tưởng lạc hậu, trình độ phát triển của các dân tộc không đồng đều, mức hưởng thụ văn hóa và các tiến bộ xã hội của đồng bào dân tộc thiểu số ở một số nơi còn thấp, nặng về phong tục tập quán; trình độ học vấn thấp.
Không chỉ vậy, sự tác động của nền kinh tế thị trường, nhiều cặp vợ chồng chưa có việc làm, hoặc việc làm không ổn định nên thu nhập thấp, không đảm bảo nhu cầu cuộc sống tối thiểu của gia đình dẫn đến khó khăn về kinh tế nên phát sinh mâu thuẫn quan hệ vợ chồng.
Mặt khác, tình trạng bạo lực gia đình, phân biệt đối xử trong quan hệ vợ chồng, con cái không được bình đẳng, tiến bộ, đôi khi còn nặng về tư tưởng phong kiến lạc hậu...
Trước tình hình trên, để hạn chế các tranh chấp về dân sự nói chung và tranh chấp trong hôn nhân và gia đình nói riêng, VKSND thị xã Buôn Hồ đã ban hành kiến nghị Chủ tịch UBND thị xã tiếp tục tăng cường và làm tốt hơn nữa công tác tuyên truyền phổ biến pháp luật sâu rộng trong người dân.
Đặc biệt là tuyên truyền các văn bản pháp luật liên quan đến quan hệ hôn nhân và gia đình, như: Luật hôn nhân và gia đình; Luật bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em, Luật phòng chống bạo lực gia đình, Luật bình đẳng giới...
Bên cạnh đó, tiếp tục thực hiện tốt Luật Hòa giải ở cơ sở, chủ trì và phối hợp với Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam thị xã hướng dẫn, tổ chức thực hiện văn bản pháp luật về hòa giải ở cơ sở cho các xã, phường và cơ quan tổ chức có liên quan. Tổ chức tập huấn, bồi dưỡng, hướng dẫn nghiệp vụ, thực hiện công tác quản lý nhà nước về hòa giải ở cơ sở cho cấp xã, phường.
Chỉ đạo UBND các xã, phường phối hợp với Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam xã, phường hướng dẫn, tổ chức thực hiện các văn bản pháp luật về hòa giải ở cơ sở, xây dựng và thực hiện các hương ước, quy ước của thôn, buôn, tổ dân phố… Đồng thời, phối hợp với trưởng thôn, tổ trưởng tổ dân phố thành lập, kiện toàn tổ hòa giải đảm bảo có chất lượng và hoạt động có hiệu quả.
Ngoài ra, hằng năm, chủ trì, phối hợp tổ chức kiểm tra, sơ kết, tổng kết để rút kinh nghiệm và kịp thời biểu dương, khen thưởng những hòa giải viên, tổ hòa giải, UBND các xã, phường... có thành tích trong việc thực hiện Luật hòa giải ở cơ sở. Qua đó, động viên khích lệ, nhân rộng điển hình và coi đây là một tiêu chí để xét thi đua hằng năm đối với UBND các xã, phường và các cơ quan tổ chức thuộc thẩm quyền./.