Tội phạm cho vay nặng lãi gia tăng

Quá trình thực hiện chức năng thực hành quyền công tố, kiểm sát điều tra các vụ án hình sự trên địa bàn từ ngày 1/6/2023 đến ngày 20/5/2024, VKSND thị xã Buôn Hồ nhận thấy, tình hình tội phạm có chiều hướng giảm.

leftcenterrightdel
 Cơ quan CSĐT Công an thị xã Buôn Hồ tiến hành lấy lời khai một bị can cho vay lãi nặng trong giao dịch dân sự. (Ảnh VKS).

Tuy nhiên, một số loại tội có chiều hướng gia tăng như: Tội phạm về ma túy, trộm cắp tài sản,... Đặc biệt, nổi lên là tội cho vay lãi nặng trong giao dịch dân sự. Theo VKSND thị xã Buôn Hồ, từ năm 2022 trở về trước tội phạm cho vay lãi nặng trong giao dịch dân sự không phát sinh vụ, việc nào. Thế nhưng, từ năm 2023 đến nay đã phát sinh một số vụ, việc.

Theo đó, Cơ quan CSĐT Công an thị xã Buôn Hồ đã thụ lý giải quyết 4 tin báo tố giác tội phạm. Trong đó, đã quyết định khởi tố 3 vụ - 3 bị can, chiếm tỷ lệ 4,28% trên tổng số vụ án và 2,4% số bị can đã thụ lý. So với cùng kỳ năm 2022, tăng 3 vụ - 3 bị can.

Số tiền gốc các đối tượng cho vay lên đến hơn 9 tỉ đồng, số tiền thu lợi bất chính khoảng hơn 346 triệu đồng. Thời hạn cho vay ít nhất là 2 ngày và lâu nhất là 240 ngày; lãi suất cho vay được tính theo ngày, từ  3.000 – 5.000 đồng/triệu đồng/ngày, tương ứng với lãi suất từ 109,5-292%/năm, gấp từ 5,475 lần đến 14,6 lần so với mức lãi suất cao nhất, quy định tại khoản 1 Điều 468 BLDS là không vượt quá 20%/năm.

Theo VKSND thị xã Buôn Hồ, nguyên nhân phát sinh tội phạm cho vay lãi nặng trong giao dịch dân sự chủ yếu là do một số người vì động cơ hám lợi, lợi dụng một số bộ phận nhân dân cần vốn sản xuất, kinh doanh, buôn bán, đặc biệt cần vốn đáo hạn ngân hàng nhưng không có vốn, hoặc không có tài sản thế chấp để vay vốn của các tổ chức tín dụng. Ngoài ra, còn có một số đối tượng tham gia các tệ nạn xã hội như cờ bạc, cá độ bóng đá… hoặc các nhu cầu bất hợp pháp khác, nên tìm đến các đối tượng cho vay lãi nặng, để vay tiền.

VKSND thị xã Buôn Hồ nhấn mạnh, hậu quả của loại tội phạm cho vay lãi nặng trong giao dịch dân sự là rất lớn không chỉ đối với người vay mà cả người cho vay. Có trường hợp người cho vay vỡ nợ, vỡ hụi, gây thiệt hại nghiêm trọng đến đời sống kinh tế của một số hộ dân, gây mất trật tự trị an tại địa phương. Đồng thời, tiềm ẩn nhiều yếu tố phức tạp, gây hoang mang, trong quần chúng nhân dân, làm ảnh hưởng đến an ninh trật tự, an toàn xã hội và sự phát triển kinh tế, xã hội của địa phương.

Viện kiểm sát kiến nghị tăng cường các giải pháp phòng, ngừa

Trước tình hình trên, trong thời gian qua, trên cơ sở chức năng, nhiệm vụ, Cơ quan CSĐT Công an thị xã Buôn Hồ đã đưa ra nhiều biện pháp, giải pháp để đấu tranh phòng, chống tội phạm nói chung và tội phạm về tín dụng đen nói riêng, qua đó kịp thời phát hiện khởi tố, điều tra xử lý theo quy định của pháp luật. Tuy nhiên, xuất phát từ tình hình thực tiễn xã hội, loại tội phạm này đang còn tiềm ẩn và có nguy cơ gia tăng nếu không được ngăn chặn kịp thời.

Do đó, để góp phần đấu tranh có hiệu quả tội phạm cho vay lãi nặng trong giao dịch dân sự, VKSND thị xã Buôn Hồ kiến nghị Chủ tịch UBND thị xã tiếp tục chỉ đạo UBND các xã, phường, các cơ quan đơn vị trên địa bàn thị xã tiếp tục quán triệt, triển khai thực hiện có hiệu quả các văn bản chỉ đạo của trung ương về công tác đấu tranh phòng chống tội phạm nói chung và tội phạm về công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm, đặc biệt là các vi phạm và tội phạm trong lĩnh vực cho vay lãi nặng trong giao dịch dân sự.

Mặt khác, tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về hoạt động cho vay trong các giao dịch dân sự, để người dân chấp hành quy định của pháp luật; cập nhật, thông báo những phương thức, thủ đoạn về cho vay lãi nặng thông qua huy động vốn tự phát với lãi suất cao bất thường, các hành vi đòi nợ trái pháp luật, hậu quả của “tín dụng đen”…

Chính quyền địa phương và các cơ quan tổ chức cần có các kênh thông tin tuyên truyền, vận động người dân chấp hành về chính sách, quy định của pháp luật về giao dịch vay tài sản, chính sách pháp luật hình sự về về tội phạm cho vay lãi nặng trong giao dịch dân sự ở địa phương, cơ quan, tổ chức mình.

VKSND thị xã Buôn Hồ cũng kiến nghị Chủ tịch UBND thị xã phối hợp với các tổ chức tín dụng trên địa bàn thị xã về cơ chế, chính sách tín dụng ngân hàng, các gói, khoản cho vay ưu đãi đến mọi tầng lớp nhân dân, điển hình các khoản cho vay đối với hộ nghèo, khó khăn về vốn sản xuất, kinh doanh. Đồng thời, cần có các chính sách mở rộng, đa dạng các loại hình cho vay, các sản phẩm dịch vụ ngân hàng phủ khắp các xã, phường, với thủ tục nhanh gọn và thuận tiện, đáp ứng nhu cầu vay vốn chính đáng, hợp pháp phục vụ đời sống, tiêu dùng của nhân dân để góp phần ngăn chặn "tín dụng đen".

Ngoài ra, chỉ đạo Công an thị xã Buôn Hồ thường xuyên triển khai các đợt tuyên truyền tại công cộng hoặc các khu dân cư trên địa bàn về hành vi, thủ đoạn cho vay lãi nặng. Bên cạnh đó, xây dựng phương án kiểm tra liên ngành đối với các địa bàn tập trung các cơ sở kinh doanh cầm đồ, hỗ trợ tài chính, kinh doanh tài chính trái phép. Đẩy mạnh việc chủ động nắm chắc tình hình, địa bàn, lĩnh vực trọng điểm về hoạt động “Tín dụng đen”; vận động toàn dân tham gia phòng ngừa, phát hiện, tố giác tội phạm..../.

Hoàng Văn Toàn