Ngày 18/7/2022, VKSND TP Hải Dương đã ban hành Quyết định kháng nghị đối với Bản án dân sự sơ thẩm số 11/2022/DS-ST ngày 4/7/2022 của TAND TP Hải Dương. Đây là vụ án dân sự tranh chấp nghĩa vụ giao tài sản bảo đảm của khoản nợ xấu và tranh chấp Hợp đồng tín dụng giữa nguyên đơn là bà Tiêu Phạm Ngọc Linh và bị đơn là Ngân hàng thương mại Cổ phần Sài Gòn.
|
|
Tài sản đảm bảo thế chấp. |
VKSND TP Hải Dương nhận thấy, Bản án dân sự sơ thẩm của Tòa án đã vi phạm trong việc đánh giá lỗi, vi phạm đánh giá chứng cứ và áp dụng pháp luật, vi phạm Điều 108 của Bộ luật tố tụng dân sự, ảnh hưởng đến quyền, lợi ích hợp pháp của các đương sự. Cụ thể: Hợp đồng cho vay vốn ngắn hạn số 113/HĐTD-SCB-CNHĐ.16 và Hợp đồng thế chấp quyền sử dụng đất và tài sản gắn liền với đất số 111/HĐTC-SCB-CNHD.16 cùng ngày 16/10/2016 được ký kết trên cơ sở tự nguyện giữa bà Linh, ông Hùng và Ngân hàng TMCP Sài Gòn. Hợp đồng thế chấp được công chứng tại Văn phòng công chứng Thanh Hà và được đăng ký giao dịch bảo đảm đúng theo quy định của pháp luật. Các bên thỏa thuận, bên bảo đảm đồng ý cho ngân hàng có quyền thu giữ tài sản bảo đảm khi xảy ra trường hợp xử lý tài sản bảo đảm.
Thời điểm Ngân hàng TMCP Sài Gòn tiến hành thu giữ tài sản bảo đảm ngày 16/11/2018 thì Nghị quyết số 42/QH ngày 21/6/2017 của Quốc hội về thí điểm xử lý nợ xấu của các tổ chức tín dụng có hiệu lực pháp luật. Ngày 27/10/2016, Ngân hàng TMCP Sài Gòn giải ngân cho bà Linh, ông Hùng với số tiền 2 tỉ đồng. Đến hạn trả lãi ngày 15/7/2017 và hạn trả góc 27/10/2017, bà Linh, ông Hùng không trả đúng hạn. Khoản vay chuyển nợ quá hạn và chuyển nợ xấu theo quy định tại khoản 1 Điều 4 Nghị quyết số 42/2017 của Quốc hội. Ngân hàng TMCP Sài Gòn đã thông báo cho bà Linh, ông Hùng biết về khoản nợ quá hạn và việc thu giữ tài sản bảo đảm để xử lý thu hồi nợ.
|
|
Lãnh đạo và nhân viên Ngân hàng TMCP Sài Gòn – Chi nhánh Hải Dương tại buổi cưỡng chế niêm phong tài sản thế chấp ngày 16/7/2018. |
Căn cứ khoản 1 Điều 7 Nghị quyết 42/QH ngày 21/6/2017 của Quốc hội thì Ngân hàng TMCP Sài Gòn tiến hành thu giữ tài sản bảo đảm để xử lý thu hồi nợ là đúng quy định pháp luật. Tuy nhiên, Bản án căn cứ Điều 301 của Bộ luật dân sự nhận định: “Khi chị Tiêu Phạm Ngọc Linh không đồng ý giao tài sản bảo đảm SCB không khởi kiện đến Tòa án mà tự thu giữ, niêm phong tài sản là trái pháp luật” là áp dụng pháp luật không đầy đủ, không áp dụng Nghị quyết 42/QH ngày 21/6/2017 của Quốc hội để giải quyết đối với khoản nợ xấu là thiếu sót.
Từ việc nhận định ngân hàng TMCP Sài Gòn thu giữ tài sản bảo đảm trái pháp luật không đúng, dẫn tới việc Tòa án buộc ngân hàng TMCP Sài Gòn phải chịu toàn bộ các chi phí xử lý tài sản thế chấp, sau đó tính số tiền ngân hàng TMCP Sài Gòn thu được từ bán đấu giá tài sản thế chấp vào ngày 16/10/2020 trừ vào dư nợ gốc của bà Linh, ông Hùng, số dư còn lại trừ vào số tiền lãi trong hạn, sau đó, căn cứ kết quả định giá ngày 9/6/2022 (đã bóc tách các hạng mục mà vợ chồng bà Linh, ông Hùng sửa chữa, cải tạo thêm năm 2021) đối trừ để buộc ngân hàng có trách nhiệm bồi hoàn cho bà Linh, ông Hùng là không đúng. Từ đó, dẫn đến việc tính án phí không đúng. Ngoài ra, Bản án chỉ xác định Ngân hàng TMCP Sài Gòn có lỗi mà không xem xét đến lỗi của chị Linh không tự nguyện bàn giao để xử lý tài sản bảo đảm là đánh giá lỗi không khách quan, toàn diện, ảnh hưởng đến quyền lợi của Ngân hàng TMCP Sài Gòn.
VKSND TP Hải Dương đã kháng nghị đối với bản án dân sự của TAND TP Hải Dương đề nghị TAND tỉnh Hải Dương đưa vụ án ra xét xử phúc thẩm, áp dụng khoản 2 Điều 308, Điều 309 Bộ luật tố tụng dân sự 2015, sửa Bản án dân sự sơ thẩm số 11/2022/DS-ST ngày 4/7/2022 của TAND TP Hải Dương theo hướng phân tích trên.