leftcenterrightdel
 Kiểm sát viên VKSND tỉnh Long An tại một phiên tòa dân sự.

Vừa qua, TAND tỉnh Long An đã đưa ra xét xử phúc thẩm vụ án dân sự "Tranh chấp hợp đồng đặt cọc" giữa nguyên đơn bà Nguyễn Thị N.; bị đơn ông Trần Minh G., bà Dương Thị H.; người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan  ông Nguyễn Tấn L..

Theo nội dung vụ án, Bà N. làm nghề mua bán lúa có quen biết và nhiều lần làm ăn mua bán lúa chung với ông G., từ ngày 14/1/2020 đến ngày 26/1/2021 bà N. đã 4 lần giao tiền cho ông G. tổng cộng 1.350.000.000đ. Hai bên thỏa thuận miệng sau khi ông G. nhận tiền cọc thì trong vòng 3 tháng sẽ giao lúa nhưng ông G. đã không giao.

Đến ngày 14/2/2022, ông G. có làm giấy xác nhận đã nhận tiền cọc của bà N. vào các ngày 14/1/2020 là 230.000.000đ, ngày 11/1/2021 là 120.000.000đ, ngày 26/1/2021 là 250.000.000đ và cùng ngày 26/1/2021 là 750.000.000đ. Nay bà N. khởi kiện yêu cầu ông G. và vợ là bà H. liên đới trả số tiền đặt cọc lúa còn nợ là 1.350.000.000đ và yêu cầu tính lãi theo mức lãi suất 0,83%/tháng từ ngày 26/4/2021 đến ngày xét xử sơ thẩm là 178.533.000đ nhưng chỉ yêu cầu tiền lãi 150.000.000đ.

Ông G. thừa nhận có làm ăn chung với bà N. và giới thiệu ông Huỳnh Văn T. để bà N. mua lúa. Ông G. không có nhận tiền trực tiếp từ bà N. mà chỉ chứng kiến bà N. đưa tiền cho ông T. Giấy xác nhận ngày 14/2/2022 ông G. có ký tên nhưng là do chồng bà N. là ông L. kêu ông G. ký để làm thủ tục khởi kiện ông T. Bà N. không có làm hợp đồng đặt cọc với ông T. mà do ông G. làm hợp đồng với ông T., còn việc ông T. có giao lúa cho bà N. hay không thì ông G. không biết. Khi Tòa án hòa giải ông G. thừa nhận còn nợ bà N. 1.350.000.000đ nhưng xin được trả dần.

Quá trình tố tụng sau đó ông G. vắng mặt. Bà H.(vợ ông G.) cũng vắng mặt suốt quá trình tố tụng, không có lời trình bày.

Bản án sơ thẩm số 24/2022/DS-ST ngày 24/8/2022 của TAND huyện Mộc Hóa tuyên chấp nhận yêu cầu khởi kiện của bà N. đối với ông G. và bà H. Buộc ông G. và bà H. phải liên đới trả cho bà N. số tiền đặt cọc mua lúa 1.350.000.000đ và tiền lãi 150.000.000đ, tổng cộng 1.500.000.000đ.

Qua kiểm sát bản án, VKSND tỉnh Long An đã ban hành quyết định kháng nghị phúc thẩm số 131/QĐKNPT-VKS-DS ngày 23/9/2022, theo đó đề nghị tòa án cấp phúc thẩm hủy án sơ thẩm, với lý do chưa thu thập đầy đủ chứng cứ và chưa đưa đủ người có quyền lợi nghĩa vụ liên quan tham gia tố tụng, gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến quyền lợi của các đương sự.

Tại phiên tòa phúc thẩm, người đại diện theo ủy quyền của ông G. yêu cầu Tòa án thu thập thêm chứng cứ từ ông Huỳnh Văn T.

Kiểm sát viên VKSND tỉnh Long Anh tham gia phiên phúc thẩm đánh giá, theo như ông G. trình bày thì ông G. không có nhận tiền trực tiếp từ bà N. mà chỉ chứng kiến bà N. đưa tiền cho ông T., sau đó ông T. có giao lúa cho bà N. hay không thì ông G. không biết. Theo nội dung "Giấy xác nhận" ngày 14/2/2022 do bà N. cung cấp thể hiện:  Bên B (ông G.) có nhận tiền của Bên A (bà N.) để đưa tiền cho ông (Huỳnh Văn T.) ... (Để đặt cọc bao tiêu lúa Đông Xuân niên vụ 2020-2021, đồng thời ông G. có cung cấp 4 hợp đồng mua bán (bao tiêu) nếp (lúa) tươi với ông T. có chữ ký của ông T.

Trong quá trình giải quyết vụ án, những chứng cứ mà tòa án cấp phúc thẩm thu thập cho thấy ông T. thừa nhận mình có giao dịch mua bán lúa với bà N., và ông T. có nhận tiền cọc các lần như nêu ở phần trên, ông T. đã đưa tiền cọc mua bán lúa cho các hộ dân là 930.000.000đ còn lại 420.000.000đ ông T. đồng ý trả lại cho bà N.

Tại 4 hợp đồng mua bán (bao tiêu) nếp (lúa) tươi niên vụ 2020-2021 thể hiện đại diện bên mua, bên bán là ông G. và ông T., như vậy ông G. và ông T. chỉ là người đại diện của bên mua và bên bán hay chính là bên mua và bên bán. Trong khi giữa bà N. và ông G. không có thỏa thuận về quyền và nghĩa vụ của các bên trong việc đặt cọc mua bán lúa nên chưa đủ cơ sở cho rằng ông G. vi phạm nghĩa vụ đặt cọc.

Lẽ ra, Tòa án cấp sơ thẩm phải đưa ông T. vào tham gia tố tụng với tư cách là người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan để xác định ông T. có phải là người giao kết hợp đồng đặt cọc, hợp đồng mua bán và nhận tiền cọc từ ông G. hay bà N., quyền và nghĩa vụ của ba bên là như thế nào, ai vi phạm hợp đồng đặt cọc, hợp đồng mua bán lúa, từ đó mới xác định được trách nhiệm của các bên.

Tuy nhiên, khi chưa đưa ông T. vào tham gia tố tụng, chưa làm rõ trách nhiệm các bên nhưng cấp sơ thẩm buộc ông G. trả tiền cọc và tiền lãi là không khách quan, không đúng nội dung vụ việc.

Với quan điểm trình bày nói trên của Kiểm sát viên, Hội đồng xét xử phúc thẩm -  Tòa án nhân dân tỉnh Long An đã tuyên chấp nhận kháng nghị của Viện kiểm sát, hủy bản án dân sự sơ thẩm, chuyển hồ sơ vụ án cho Tòa án nhân dân huyện Mộc Hóa giải quyết lại từ đầu.

Qua vụ án cho thấy rằng, để đảm bảo chất lượng kiểm sát việc giải quyết những vụ án dân sự, vai trò của Viện kiểm sát khi kiểm sát việc tuân theo pháp luật tố tụng là rất quan trọng, có đưa đầy đủ người có quyền lợi nghĩa vụ liên quan vào tham gia tố tụng, thu thập đầy đủ chứng cứ mới nhận định đánh giá đúng bản chất vụ việc từ các mối quan hệ có liên quan giao dịch, giúp đảm bảo triệt để quyền và nghĩa vụ của các đương sự.

Cẩm Hồng - Ngọc Liên