Đơn cử như vụ án thứ nhất, giữa nguyên đơn là Công ty (Cty) TNHH xây dựng và Thương mại HP. và bị đơn là Cty TNHH xuất nhập khẩu tổng hợp HĐ. về “Tranh chấp hợp đồng dịch vụ”. Nguyên đơn khởi kiện yêu cầu Tòa án (TA) buộc bị đơn phải trả cho nguyên đơn số tiền tổng gần 4,6 tỉ đồng. Tại Bản án kinh doanh thương mại sơ thẩm số 03/2022/KDTM-ST ngày 9/5/2022, TAND thị xã A., tỉnh Đ. đã quyết định, chấp nhận toàn bộ yêu cầu khởi kiện nguyên đơn. Sau xét xử sơ thẩm, bị đơn kháng cáo, yêu cầu cấp phúc thẩm hủy bản án sơ thẩm.

Tại Quyết định đình chỉ xét xử phúc thẩm số 11/2022/QĐ-PT ngày 18/8/2022, TAND tỉnh Đ. đã quyết định đình chỉ xét xử phúc thẩm vụ án trên bởi đại diện hợp pháp của người kháng cáo được TA triệu tập hợp lệ lần thứ hai nhưng vẫn vắng mặt tại phiên tòa phúc thẩm và không thuộc trường hợp bất khả kháng hoặc trở ngại khách quan.

leftcenterrightdel
 Đồng chí Phạm Văn Cần – Viện trưởng VKSND cấp cao tại Đà Nẵng phát biểu tại hội nghị giao ban trực tuyến 6 tháng cuối năm 2023 giữa VKSND cấp cao tại Đà Nẵng và các VKSND khu vực miền Trung - Tây Nguyên.

Viện trưởng VKSND cấp cao tại Đà Nẵng đã ban hành Quyết định kháng nghị giám đốc thẩm số 48/QĐ-VKS-KDTM ngày 22/6/2023 đề nghị Ủy ban Thẩm phán TAND cấp cao tại Đà Nẵng căn cứ Điều 331, khoản 3 Điều 343 Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015 xét xử theo hướng hủy toàn bộ Quyết định đình chỉ xét xử phúc thẩm và bản án sơ thẩm để xét xử lại theo thủ tục sơ thẩm.

Vi phạm của TAND tỉnh Đ. được chỉ ra: Tại Quyết định hoãn phiên tòa phúc thẩm số 142/2022/QĐ-PT ngày 29/7/2022, ấn định thời gian mở lại phiên tòa vào lúc 7 giờ 30 phút ngày 18/8/2022. Ngày 18/8/2022, HĐXX không mở phiên tòa nên không có biên bản phiên tòa, không có biên bản thỏa thuận của HĐXX nhưng Thẩm phán chủ tọa phiên tòa lại ban hành quyết định đình chỉ xét xử phúc thẩm vụ án là không đúng quy định tại khoản 2 Điều 235 Bộ luật Tố tụng dân sự, vi phạm nghiêm trọng về thủ tục ban hành quyết định.

Ngoài ra, TA cấp sơ thẩm chấp nhận toàn bộ yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn nhưng do không chấp nhận các lời khai, các tài liệu, chứng cứ của bị đơn tại phiên tòa nên không nhận định, đánh giá đối với những lời khai, tài liệu này nên HĐXX giám đốc thẩm không có cơ sở để đánh giá. Tại Quyết định giám đốc thẩm số 09/2023/KDTM-GĐT ngày 9/8/2023 Hội đồng Thẩm phán TAND cấp cao tại Đà Nẵng đã chấp nhận toàn bộ kháng nghị của Viện trưởng VKSND cấp cao tại Đà Nẵng.

Vụ án thứ 2, giữa nguyên đơn là Cty CP dịch vụ và kỹ thuật Cơ điện lạnh R. và bị đơn là Cty CP đầu tư Phát triển và xây dựng T. về “Tranh chấp hợp đồng thi công”. Nguyên đơn khởi kiện yêu cầu bị đơn thanh toán một lần toàn bộ số tiền còn nợ và tiền lãi phát sinh cũng như các khoản phạt do vi phạm các điều khoản đã được thỏa thuận trong hợp đồng với tổng số tiền là 179,5 tỉ đồng .

Tại bản án kinh doanh thương mại sơ thẩm của TAND quận N., thành phố Đ. tuyên buộc bị đơn phải trả cho nguyên đơn số tiền 179,5 tỉ đồng. Trong đó số tiền nợ gốc 131,2 tỉ đồng; tiền lãi 42,5 tỉ đồng và phạt vi phạm Hợp đồng là 5,8 tỉ đồng. Sau xét xử sơ thẩm bị đơn có đơn kháng cáo. Tại bản án kinh doanh thương mại phúc thẩm của TAND thành phố Đ. quyết định, chấp nhận một phần kháng cáo của bị đơn. Chấp nhận một phần yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn đối với bị đơn về số tiền nợ gốc và lãi phát sinh của 2 Hợp đồng. Không chấp nhận yêu cầu khởi kiện đối với khoản tiền phạt vi phạm của 2 Hợp đồng với số tiền là 5,8 tỉ đồng của nguyên đơn đối với bị đơn.

Sửa một phần bản án, buộc bị đơn có nghĩa vụ thanh toán cho nguyên đơn số tiền là 157,7 tỉ đồng. Trong đó số tiền nợ gốc là 129,6 tỉ đồng và tiền lãi là: 28,1 tỉ đồng. Đình chỉ xét xử phúc thẩm đối với số tiền lãi là 11 tỉ đồng do nguyên đơn rút yêu cầu.

leftcenterrightdel
 VKSND cấp cao tại Đà Nẵng đã phát hiện các vi phạm của TAND hai cấp và ban hành kháng nghị. 

Ngày 18/4/2023, bị đơn có đơn đề nghị xem xét theo thủ tục giám đốc thẩm đối với bản án sơ thẩm và phúc thẩm nêu trên. Viện trưởng VKSND cấp cao tại Đà Nẵng ban hành Quyết định kháng nghị giám đốc thẩm số 59/QĐKN-VKS-KDTM đối với bản án phúc thẩm. Tại Quyết định giám đốc thẩm số 13/2023/KDTM-GĐT ngày 23/9/2023, Ủy ban Thẩm phán TAND cấp cao tại Đà Nẵng đã chấp nhận một phần Quyết định kháng nghị giám đốc thẩm của Viện trưởng VKSND cấp cao tại Đà Nẵng về phần án phí. Sửa bản án kinh doanh thương mại phúc thẩm và buộc nguyên đơn phải chịu số tiền án phí sơ thẩm là 118,7 tỉ đồng.

Vi phạm của TA: Nguyên đơn yêu cầu bị đơn phải trả cho nguyên đơn số tiền 179,5 tỉ đồng (đã bao gồm số tiền 11 tỉ đồng yêu cầu bổ sung); yêu cầu của nguyên đơn được TA cấp phúc thẩm chấp nhận số tiền 157,7 tỉ đồng và số tiền lãi vượt quá yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn 11 tỉ đồng. Như vậy, yêu cầu của nguyên đơn không được chấp nhận số tiền 10,7 tỉ đồng là không đúng theo danh mục án phí lệ phí TA.

Vụ án thứ 3, giữa nguyên đơn là Cty TNHH Xây dựng TL. và bị đơn là Cty TNHH Chăn nuôi TP. về việc “Tranh chấp hợp đồng đấu nối đường dây điện”. Nguyên đơn khởi kiện và người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan là Cty BL. có yêu cầu TA buộc bị đơn chấm dứt việc cho bên thứ ba đấu nối vào đường dây của bị đơn vì đã vi phạm hợp đồng mà bị đơn đã ký với nguyên đơn.

Tại Bản án kinh doanh thương mại sơ thẩm số 01/2022/KDTM-ST ngày 19/1/2022, TAND huyện B., tỉnh Đ. tuyên: Chấp nhận yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn và yêu cầu độc lập của người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan. Tại Bản án kinh doanh thương mại phúc thẩm số 10/2022/KDTM-PT ngày 19/5/2022, TAND tỉnh Đ., tuyên xử: Chấp nhận kháng cáo của bị đơn, sửa án sơ thẩm; không chấp nhận yêu cầu khởi kiện nguyên đơn và người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan có yêu cầu độc lập.

Sau khi xét xử phúc thẩm, nguyên đơn có đơn đề nghị giám đốc thẩm. Quyết định giám đốc thẩm số 06/2023/KDTM-GĐT ngày 10/4/2023 của Ủy ban Thẩm phán TAND cấp cao tại Đà Nẵng chấp nhận Quyết định kháng nghị giám đốc thẩm số 04/QĐ-VC2-KDTM ngày 12/12/2022 của Viện trưởng VKSND cấp cao tại Đà Nẵng, huỷ bản án kinh doanh thương mại phúc thẩm của TAND tỉnh Đ. và giữ nguyên bản án kinh doanh thương mại sơ thẩm của TAND huyện BĐ., tỉnh Đ.

Vi phạm của TA cấp phúc thẩm: Theo hợp đồng hợp tác kinh doanh thì đường dây trung áp và Trạm biến áp được đấu nối từ trạm điện lưới Quốc gia đến trạm hạ thế của Cty BL. là sở hữu chung của bị đơn – Cty TP. và Cty BL., là đường dây giữa hai bên góp vốn chung hình thành, do vậy không bên nào có quyền cho phép bên thứ 3 đấu nối đường dây này khi không có sự đồng ý của hai bên.

Hợp đồng không ràng buộc việc chuyển nhượng phần quyền sở hữu của mỗi bên đối với đường dây Trung áp và Trạm biến áp này nên Cty TP. có quyền chuyển nhượng phần quyền sở hữu của mình cho Cty TL. và Cty TL. có quyền sở hữu đường dây trung áp và trạm biến áp cùng với Cty BL. theo hợp đồng mà hai bên ký kết theo quy định tại Điều 223 Bộ luật dân sự.

Hợp đồng còn thỏa thuận: Đường dây từ trạm điện hạ thế của Cty BL. đến trạm hạ thế của Cty TP. là thuộc quyền sở hữu riêng của Cty TP. và không được quyền cho bên thứ ba đấu nối vào đường dây này khi không có sự đồng ý của Cty TL. Do đó, kể từ ngày 9/6/2019 đường dây của Cty TP. kéo từ trạm hạ thế của Cty BL. đến trang trại của Cty TP. khi đấu nối của bên thứ ba phải được sự chấp thuận của nguyên đơn.

leftcenterrightdel
 Tháng 6/2023, Viện 3 và Viện 4 thuộc VKSND cấp cao tại Đà Nẵng phối hợp tổ chức Cuộc thi “Xây dựng báo cáo đề xuất giải quyết đơn đề nghị kháng nghị giám đốc thẩm, tái thẩm lĩnh vực kinh doanh thương mại”.

Mặt khác, theo hợp đồng thỏa thuận thì ông Nguyễn Như Q. - đại diện cho Cty TP. (bị đơn) đã chuyển nhượng toàn bộ vốn góp của Cty TP. cho bà Nguyễn Thị H. - Giám đốc Cty TP. Sau khi tiếp nhận Cty TP., bà Nguyễn Thị H. đã cho Cty Z. đấu nối vào đường dây của Cty TP. Việc bà Nguyễn Thị H. cho Cty Z. đấu nối vào đường dây của Cty TP. sau khi tiếp nhận Cty TP. (ngày 4/11/2019) là không đúng theo thỏa thuận giữa Cty TP. (trước đây) với Cty TL. theo Hợp đồng số 01/HĐMB ngày 09/6/2019. Cho nên, bản án sơ thẩm của TAND huyện B., tỉnh ĐL. xử: Chấp nhận yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn Cty TL. và yêu cầu độc lập của Cty BL. là đúng quy định của pháp luật.

TA cấp phúc thẩm căn cứ vào Văn bản đề nghị được đấu nối của Cty Z, Văn bản cho phép đấu nối của Điện lực B ngày 22/9/2021 và Cty TL. không có trụ sở, không hoạt động trên địa bàn xã E. để quyết định không chấp nhận yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn là Cty TL. và yêu cầu độc lập của Cty BL. mà không xem xét đến hiệu lực của Hợp đồng số 01/HĐMB ngày 9/6/2019 là trái quy định của Điều 158, Điều 159, Điều 169 Bộ luật dân sự và làm ảnh hưởng đến quyền, lợi ích hợp pháp của Cty TL.

Thông qua các vụ án kinh doanh thương mại bị cấp giám đốc thẩm hủy, sửa do lỗi của TA hai cấp, VKSND cấp cao tại Đà Nẵng tổng hợp các dạng vi phạm thường gặp trong quá trình giải quyết vụ án để tham khảo, rút kinh nghiệm trong quá trình kiểm sát các vụ án tương tự.

Xuân Nha