Thông tin về vụ 35 học sinh Trường tiểu học Hòa Khương (huyện Hòa Vang) nhập viện cấp cứu tại Trung tâm Y tế huyện Hòa Vang, Sở Giáo dục và Đào tạo TP Đà Nẵng cho hay nguyên nhân ban đầu được xác định là các em bị ngộ độc do chơi slime nước mua tại quán trên đường vào trường.

Biểu hiện chung của các học sinh là khó thở, ngứa, kiểm tra phổi và thần kinh không có ảnh hưởng gì. Chiều ngày 16/4, Trường tiểu học Hòa Khương cho tất cả học sinh nghỉ học để cán bộ y tế tiếp tục kiểm tra, xử lý. Sở Giáo dục và Đào tạo TP Đà Nẵng đang phối hợp với địa phương để kiểm tra, giải quyết sự việc.

Trong 35 học sinh nhập viện cấp cứu ban đầu tại Trung tâm Y tế huyện Hòa Vang, đến chiều cùng ngày, 14 em  ra viện, 15 em sức khỏe đã ổn định. 6 em còn lại hiện điều trị tại Bệnh viện Phụ sản Nhi Đà Nẵng, trong đó 5 em đã ổn định, 1 em còn cấp cứu do có bệnh nền tim bẩm sinh.

Sở đang phối hợp với địa phương để kiểm tra, giải quyết sự việc này. Riêng vấn đề hàng quán trước cổng trường, Sở đã thường xuyên có văn bản nhắc nhở. Đối với slime (chất nhờn ma quái - một loại đồ chơi xuất phát từ Mỹ) thì báo chí và ngành cũng đã cảnh báo nhiều lần.

leftcenterrightdel
35 học sinh bị ngộ độc là do các em chơi slime nước mua tại quán trên đường vào trường. (ảnh: BV)
 

Được biết, Slime là đồ chơi có xuất xứ từ nước ngoài, còn được gọi là "chất nhờn ma quái". Slime thường được làm từ chất tẩy rửa cùng với hồ nước tạo thành khối sệt, mềm dẻo, không dính.

Slime có thể dễ dàng biến đổi thành bất cứ hình dạng nào mà người chơi muốn. Người chơi có thể cho sẵn vào khuôn hình hoặc tự nặn bằng tay bất cứ hình nào. Slime khá giống với đất sét nặn nhưng có đặc tính vừa mềm vừa dẻo và đặc biệt là không dính tay.

Trước đây, trẻ em Âu - Mỹ sử dụng phổ biến, sau đó slime du nhập nhiều nơi. Trên thị trường đồ chơi trẻ em, nhiều loại slime được bán có nguồn gốc từ Mỹ, Nhật, Trung Quốc.

Ông Nguyễn Nhơn - Hiệu trưởng Trường tiểu học Hòa Khương 1 cho biết, đồ chơi này được học sinh các lớp 3-4-5 rất thích. Khi chơi, học sinh ngâm trong nước rồi tạo thành một chất dẻo có thể tạo hình được.

"Có nhiều clip trên youtube hướng dẫn các em chơi trò chơi này. Đồ chơi được các em mua ở những hàng tạp hóa ngoài đường lộ" - ông Nhơn thông tin.

Chiều ngày 16/4, UBND TP Đà Nẵng cũng đã có chỉ đạo khẩn về việc thực hiện quyết liệt các biện pháp đảm bảo an ninh, an toàn trước cổng trường học. Theo đó, UBND TP Đà Nẵng chỉ đạo  Sở Giáo dục và Đào tạo tăng cường tuyên tuyền, khuyến cáo phụ huynh khi lựa chọn đồ chơi cho con trẻ nên mua ở các địa chỉ có uy tín, hàng hóa phải có tem rõ ràng, có công bố hợp chuẩn, hợp quy. Không nên mua các loại đồ chơi trôi nổi, không được kiểm soát trên thị trường.

Sở Y tế, Ban Quản lý An toàn thực phẩm TP tăng cường kiểm tra, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm các quy định về an toàn thực phẩm đối với các hàng quán trước cổng trường. 

Sở Công thương, Cục Quản lý thị trường TP tăng cường kiểm tra các kho hàng, nguồn gốc xuất xứ các mặt hàng, đặc biệt là các mặt hàng thường được bán cho học sinh trước cổng trường.

Ngoài ra, phối hợp với các lực lượng chức năng tăng cường kiểm tra, xử lý vi phạm đối với tổ chức, cá nhân kinh doanh mặt hàng đồ chơi trẻ em, đồ chơi thông minh, tích hợp nhiều chức năng, đồ chơi trẻ em độc hại, kích động bạo lực… nhập lậu.

Kiểm tra về nguồn gốc, xuất xứ, hóa đơn chứng từ, ghi nhãn hàng hóa, chứng nhận hợp quy và các quy định khác của pháp luật trong quản lý mặt hàng đồ chơi trẻ em.

 

Lê Tâm