Đây là lần thứ 2 Bộ Y tế tổ chức gặp gỡ, trực tiếp chia sẻ thông tin và trả lời các nội dung xung quanh việc phòng chống dịch bệnh liên quan đến chủng corona virus mới, sau cuộc họp báo lần đầu hôm 31/1 tại trụ sở Bộ Y tế.

leftcenterrightdel
Các lãnh đạo Bộ Y tế chủ trì buổi cung cấp thông tin. 

Theo Bộ Y tế, tính đến 12h ngày 5/2, dịch bệnh đã lan ra nhiều thành phố của Trung Quốc và 27 quốc gia/ vùng lãnh thổ. Thế giới đã ghi nhận 24.553 người nhiễm nCoV, 492 người tử vong, trong đó lục địa Trung Quốc: 490 người tử vong; Phillippines: 1 người tử vong và Hồng Kông (Trung Quốc): 1 người tử vong.

Tại Việt Nam, đã có 10 người mắc nCoV gồm 2 cha con người Trung Quốc (1 người đã khỏi và xuất viện); 5 công dân Việt Nam đều trở về từ Vũ Hán, Trung Quốc (1 người đã khỏi và xuất viện); 1 công dân Việt Nam là lễ tân có tiếp xúc gần với 2 cha con người Trung Quốc (đã khỏi và xuất viện); 1 công dân Mỹ (Việt kiều) đến Việt Nam, trước đó có quá cảnh tại Vũ Hán (Trung Quốc) và 1 người tiếp xúc gần với bệnh nhân dương tính với nCoV trước đó.

Chưa rõ đặc điểm virus và cơ chế lây truyền

Nói về cơ chế lây truyền, PGS-TS Trần Đắc Phu, nguyên Cục trưởng Cục Y tế dự phòng, Cố vấn Trung tâm đáp ứng khẩn cấp sự kiện y tế công cộng Việt Nam cho biết đến thời điểm này dịch bệnh đã lây lan rất nhanh, hiện đặc điểm di truyền chưa rõ ràng. Trong 1-2 tuần tới, Trung Quốc mới cho các chuyên gia quốc tế vào nguyên cứu; về đặc điểm virus và cơ chế lây truyền hiện chưa thật sáng tỏ. Tại thời điểm này việc phòng bệnh là vô cùng quan trọng.

Virus corona dễ lây hơn SARS

Chủ trì cuộc họp báo, GS Nguyễn Thanh Long, Thứ trưởng Bộ Y tế cho biết bản thân virus corona có cấu trúc khá đơn giản nhưng khả năng lây lan rất nhanh và cần triển khai các biện pháp để khống chế.

Có 3 phương thức lây truyền chủ yếu: Thứ nhất, tiếp xúc với giọt nước bọt qua ho, hắt hơi, sổ mũi...; thứ 2, qua tiếp xúc với người bệnh kể cả bắt tay, nếu không rửa tay có thể lây và thứ 3 là lây truyền từ bề mặt (gỗ, đá, sắt,thép, vải) có thời gian tồn tại khá lâu, khi sờ đồ vật và đưa lên mắt mũi thì dễ lây lan. Đường lây thứ 4 là lây lan qua đường phân nhưng về mặt này chưa có kiểm chứng rõ.

Tại sao virus corona lại lây nhanh? Khác với SARS, trong thời gian ủ bệnh, corona đã lây. Virus corona lây bệnh khi chưa có triệu chứng hoặc những cá thể có triệu chứng rất nhẹ (đau mỏi cơ, sốt nhẹ thoáng qua, đau mỏi) nhưng đã mắc bệnh nên rất dễ bỏ qua.

Nguyên tắc điều trị bệnh nhân nhiễm nCoV

Nói về quy trình điều trị đối với 10 bệnh nhân nhiễm nCoV, PGS-TS Lương Ngọc Khuê - Cục trưởng cục Quản lý khám chữa bệnh, Bộ Y tế - cho biết trong số này có 3 bệnh nhân đã được xuất viện. Để điều trị cho bệnh nhân, các chuyên khoa phải phối hợp cùng nhau điều trị các triệu chứng của bệnh nhân.

Nguyên tắc điều trị vẫn là mở thông thoáng phòng bệnh, không mở điều hoà. Kinh nghiệm điều trị ở Trung Quốc là trên 70% người bệnh trên 60 tuổi có bệnh nền tử vong. Kết quả điều trị của Việt Nam rất khả quan là nhờ việc phối hợp giữa các chuyên khoa.

leftcenterrightdel
 Các phóng viên tham dự buổi cung cấp thông tin.

Tỉ lệ tử vong của nCoV chỉ là 1,8%

Tỷ lệ tử vong của bệnh nhân mắc Hội chứng Hô hấp Trung đông (MERS-CoV) năm 2012 là hơn 34%; Hội chứng Hô hấp cấp tính nặng (SARS-CoV) năm 2002 là 10%, tỉ lệ tử vong của bệnh nhân mắc dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp do chủng mới của virus Corona (nCoV) chỉ là 1,8%... Ở Việt Nam, 10 ca bị nhiễm đang tiến triển rất tốt, đó cũng là thành công của ngành y tế và các cấp ngành.

Việt Nam chưa có bệnh nhân nào phải dùng máy thở.

Trả lời câu hỏi của phóng viên về khả năng đáp ứng điều trị, Thứ trưởng Long cho biết đối với các cơ sở về điều trị, Việt Nam đã chuẩn bị tất cả các tình huống, đặc biệt là sẵn sàng cho những tình huống xấu nhất.

Với tuyến trung ương, có 22 bệnh viện tuyến cuối. Giường bệnh dành cho điều trị lên tối đa 3.000 trường hợp. Thậm chí bệnh viện Bạch Mai sẵn sàng trưng dụng toà nhà mới xây 500 giường để điều trị và chuẩn bị 1.000 máy thở. Nhưng bệnh này không phải ai cũng dùng máy thở, 10 bệnh nhân Việt Nam đã và đang điều trị, chưa ai phải dùng máy thở.

Phác đồ điều trị của Việt Nam tiệm cận phác đồ của thế giới

Về điều trị bệnh nhân nhiễm virus corona đầu tiên là điều trị triệu chứng sốt, ho, cần đảm bảo dinh dưỡng: Ăn uống đầy đủ; theo dõi thật sát khả năng hô hấp của bệnh nhân. Nếu có suy hô hấp thì can thiệp, nhẹ thì chỉ cần cho thở oxy, mức nặng hơn mới có hỗ trợ, mức 3 mới cần thở máy.

Khi tổng kết 10 trường hợp nhiễm virus corona của Việt Nam hiện nay: Đa phần bệnh nhân điều trị triệu chứng (ho, sốt), chỉ có bệnh nhân Trung Quốc nhiều bệnh lý nền mới cho thở oxy.

Bộ Y tế thận trọng đưa ra phác đồ điều trị rất đầy đủ. Yên tâm phác đồ điều trị của Việt Nam tiệm cận phác đồ của thế giới, chúng ta điều trị thành công 10 ca bệnh.

Liên tục cập nhật phác đồ điều trị

Thứ trưởng Nguyễn Thanh Long cho biết về phương pháp điều trị, trong thời gian tới, Bộ Y tế sẽ liên tục cập nhật phác đồ điều trị và kinh nghiệm điều trị của Thái Lan, Trung Quốc để có những phác đồ điều trị tốt nhất. Hiện nay, Trung Quốc đã có phác đồ điều trị 2 dùng thuốc điều trị HIV để điều trị cho bệnh nhân này đã rất hiệu quả, chúng tôi cũng đưa vào chương trình sẵn sàng điều tra phương pháp này.

Đã chuẩn bị cho các tình huống xấu nhất

Thứ trưởng Bộ Y tế cho biết chúng ta cũng đã chuẩn bị cho các tình huống xấu nhất đó là dịch lan rộng. "Hiện chúng tôi đã dự trữ gần 3.000 giường bệnh và riêng Hà Nội đã có gần 2.000 giường bệnh"- Thứ trưởng Long nói.

Khánh Hoà cũng đã có phương án khi có nhiều bệnh nhân sẽ điều trị như thế nào. Chúng ta không nên quá hoang mang khi thấy Trung Quốc xây bệnh viện mà chúng ta đã sẵn sàng các cơ sở y tế tiếp nhận bệnh nhân.

Quan điểm của Chính phủ và Bộ Y tế không che giấu bất cứ thông tin gì, thậm chí có thông tin báo chí đưa trước. Đến thời điểm này có 10 ca nhiễm và khi có bất cứ ca bệnh nào Bộ Y tế đều minh bạch thông tin.

Văn Sử - MK