Tại diễn đàn, có 8 báo cáo khoa học đã được trình bày nhằm chia sẻ kinh nghiệm, trao đổi chuyên môn cũng như đưa ra các đề xuất, kiến nghị nhằm phát triển mạnh mẽ hơn nữa lĩnh vực phục hồi chức năng trong chăm sóc sức khỏe toàn dân.
Thầy thuốc Nhân dân Trần Trọng Hải - Chủ tịch Hội Phục hồi chức năng Việt Nam cho biết, chuyên ngành phục hồi chức năng trên thế giới hiện tại đang tiến triển vượt bậc thông qua tích hợp, ứng dụng những tiến bộ mới trong khoa học kỹ thuật - nghiên cứu, nhằm mục đích nâng cao hiệu quả phục hồi, rút ngắn thời gian điều trị, cá nhân hóa chương trình điều trị và đảm bảo tiếp cận rộng rãi cho người bệnh.
|
|
Thầy thuốc Nhân dân, PGS.TS. bác sĩ cao cấp Trần Trọng Hải - Chủ tịch Hội Phục hồi chức năng Việt Nam nêu ý kiến tại Hội thảo. |
Trong tương lai, thực tế ảo được nghiên cứu kết hợp trí tuệ nhân tạo để tạo ra những thành tựu nổi bật và ứng dụng rộng rãi trong lĩnh vực y học. Còn lĩnh vực phục hồi chức năng đang là chiến lược phát triển lâu dài của Chính phủ. Việc ứng dụng thực tế ảo trong phục hồi chức năng nói chung, phục hồi chức năng từ xa nói riêng sẽ giúp cải thiện quá trình phục hồi, tạo môi trường học tập an toàn, thú vị hơn và tiết kiệm chi phí hơn. Từ đó, hỗ trợ tích cực cho người bệnh trong việc khôi phục chức năng, chất lượng cuộc sống sau khi gặp sự cố hoặc chấn thương.
Cụ thể, ông Trần Trọng Hải dẫn chứng, việc ứng dụng trí tuệ nhân tạo (AI) giúp cho chuyên ngành phục hồi chức năng có thêm những công cụ hỗ trợ hiệu quả như tạo lập chương trình phục hồi cá nhân hóa; giám sát tiến trình phục hồi; dự đoán kết quả phục hồi.
|
|
Người dân trải nghiệm liệu pháp phục hồi chức năng bằng công nghệ thực tế ảo. |
"Việt Nam và cả thế giới vừa trải qua dịch bệnh COVID-19, hiện có nhiều bệnh nhân gặp khó khăn trong việc phục hồi chức năng như khôi phục sức khỏe đường hô hấp, nâng cao sức bền và khả năng vận động, loại bỏ các triệu chứng khó chịu cơ năng, cải thiện tinh thần.
Điều này đòi hỏi ngành phục hồi chức năng phải đáp ứng nhiều hơn nữa những nhu cầu của người bệnh, mà trong đó ứng dụng công nghệ cao thực tế ảo sẽ giúp đạt hiệu quả điều trị cao hơn", ông Trần Trọng Hải nhấn mạnh.
Ông Trần Ngọc Nghị – Trưởng phòng Phục hồi chức năng và giám định – Cục Quản lý khám chữa bệnh – Bộ Y tế cho biết, cập nhật những phương pháp phục hồi chức năng của thế giới và nâng cao hiệu quả phục hồi chức năng cho người bệnh, Bộ Y tế hiện đã đưa các quy trình mô phỏng thực tế ảo trong điều trị bệnh vào danh mục các kỹ thuật và đang xây dựng bảng giá. Bằng cách tham khảo, lấy ý kiến của các bệnh viện, khoa, bộ phận phục hồi chức năng, trong tương lai, Bộ Y tế sẽ sớm công bố bảng giá để các cơ sở y tế có thể triển khai đồng loạt, mang lại hiệu quả điều trị cho người bệnh.
Nhiều chuyên gia cũng đề cập đến ứng dụng trí tuệ nhân tạo (AI) trong điều trị đã có một bước tiến nổi bật. AI là một sản phẩm công nghệ mới nhất, được ứng dụng rộng rãi trong tất cả các lĩnh vực của xã hội và nó cũng giúp cho chuyên ngành có thêm những công cụ hỗ trợ hiệu quả như tạo lập chương trình phục hồi cá nhân hóa, giám sát tiến trình phục hồi, dự đoán kết quả phục hồi,…
|
|
Ứng dụng công nghệ cao vào điều trị phục hồi chức năng giúp người bệnh có cơ hội phục hồi tốt hơn. |
Đồng thời, các chuyên gia cũng quan tâm đến ứng dụng phát triển các robot trong điều trị. Từ lâu, robot đã được xem như là một công cụ hỗ trợ hữu hiệu trong quá trình lưu trữ thông tin, thiết kế bài tập và hỗ trợ bệnh nhân thực hiện các bài tập. Với sự phát triển của công nghệ hiện tại, robot ngày càng thực hiện được nhiều vai trò hơn trong chương trình điều trị phục hồi chức năng như: can thiệp vận động, can thiệp tâm lý, thực hiện đào tạo và giáo dục bệnh nhân. Mới nhất là việc ứng dụng thực tế ảo trong điều trị, qua đó mô phỏng môi trường tập thể dục, tạo kịch bản phục hồi tương tác, phục hồi tâm lý...