Ngày 20/9, Bộ Y tế có Quyết định số 4485/QĐ-BYT ban hành Kế hoạch triển khai thực hiện Quyết định số 1929/QĐ-TTg ngày 25/11/2020 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Chương trình trợ giúp xã hội và phục hồi chức năng cho người tâm thần, trẻ em tự kỷ và người rối nhiễu tâm trí dựa vào cộng đồng giai đoạn 2021 - 2030. 

Kế hoạch có mục tiêu chung nhằm tăng cường trợ giúp, chăm sóc, phục hồi chức năng cho người tâm thần, trẻ em tự kỷ và người rối nhiễu tâm trí hòa nhập cộng đồng, ổn định cuộc sống; sàng lọc, phát hiện và hỗ trợ can thiệp, phòng ngừa người rối nhiễu tâm trí đặc biệt là trẻ tự kỷ bị tâm thần nặng, góp phần bảo đảm an sinh xã hội và nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh và phục hồi chức năng đối với người tâm thần và người rối nhiễu tâm trí.

Về mục tiêu cụ thể, giai đoạn 2021 -2025, hàng năm ít nhất 80% người tâm thần, 80% trẻ em tự kỷ và người rối nhiễu tâm trí ở các vùng/địa phương tổ chức triển khai chương trình tiếp cận các dịch vụ y tế dưới các hình thức khác nhau; 70% trẻ em từ sơ sinh đến 6 tuổi ở các vùng/địa phương tổ chức triển khai chương trình/dự án được sàng lọc phát hiện sớm dạng khuyết tật phổ tự kỷ và được can thiệp sớm; ít nhất 10.000 trẻ em tự kỷ ở các vùng/địa phương tổ chức triển khai kế hoạch/dự án được điều trị, phục hồi chức năng và trợ giúp phù hợp ở các cơ sở khám chữa bệnh, phục hồi chức năng và tại cộng đồng

Ít nhất 60% số người trầm cảm, trẻ em tự kỷ và người bị rối nhiễu tâm trí khác có nguy cơ cao bị tâm thần và người tâm thần ở các vùng/địa phương tổ chức triển khai chương trình/dự án được tư vấn, trị liệu tâm lý, phục hồi chức năng tại cơ sở khám chữa bệnh, phục hồi chức năng và tại cộng đồng.

Ít nhất 30% gia đình có người tâm thần, 30% gia đình có trẻ em tự kỷ và người rối nhiễu tâm trí có nguy cơ cao bị tâm thần ở các vùng/địa phương tổ chức triển khai chương trình/dự án được tập huấn nâng cao nhận thức, kỹ năng về chăm sóc, trợ giúp và phục hồi chức năng dựa vào cộng đồng cho người tâm thần, trẻ em tự kỷ và người rối nhiễu tâm trí.

leftcenterrightdel
 Gia đình và cơ sở y tế cùng tham gia vào quá trình can thiệp cho trẻ tự kỷ. (Ảnh minh hoạ - TTXVN)

Ít nhất 60% cán bộ, nhân viên y tế các tuyến, cộng tác viên trong lĩnh vực chăm sóc sức khỏe tâm thần tại cơ sở và cộng đồng ở các vùng/địa phương tổ chức triển khai chương trình/dự án được nâng cao năng lực thông qua tập huấn, đào tạo, đào tạo lại bồi dưỡng về chuyên môn, nghiệp vụ.

Giai đoạn 2026 - 2030: Hàng năm khoảng 90% người tâm thần, trẻ em tự kỷ và người rối nhiễu tâm trí ở các vùng/địa phương tổ chức triển khai chương trình/dự án tiếp cận các dịch vụ y tế dưới các hình thức khác nhau; 80% trẻ em từ sơ sinh đến 6 tuổi ở các vùng/địa phương tổ chức triển khai kế hoạch/dự án được sàng lọc phát hiện sớm dạng khuyết tật phổ tự kỷ và được can thiệp sớm; khoảng 20.000 trẻ em tự kỷ ở các vùng/địa phương tổ chức triển khai kế hoạch/dự án được điều trị, phục hồi chức năng ở các cơ sở khám chữa bệnh, phục hồi chức năng và tại cộng đồng

Ít nhất 70% số người trầm cảm, trẻ em tự kỷ và người bị rối nhiễu tâm trí khác có nguy cơ cao bị tâm thần và người tâm thần ở các vùng/địa phương tổ chức triển khai chương trình/dự án được tư vấn, trị liệu tâm lý phục hồi chức năng các cơ sở khám chữa bệnh, phục hồi chức năng và tại cộng đồng.

Ít nhất 60% gia đình có người tâm thần, 60% gia đình có trẻ em tự kỷ và người rối nhiễu tâm trí có nguy cơ cao bị tâm thần ở các vùng/địa phương tổ chức triển khai chương trình/dự án được nâng cao nhận thức, kỹ năng về chăm sóc, trợ giúp và phục hồi chức năng cho người tâm thần, trẻ em tự kỷ và người rối nhiễu tâm trí dựa vào cộng đồng.

Ít nhất 70 % cán bộ, nhân viên y tế các tuyến, cộng tác viên trong lĩnh vực chăm sóc sức khỏe tâm thần tại cơ sở và cộng đồng ở các vùng/địa phương tổ chức triển khai chương trình/dự án được nâng cao năng lực thông qua tập huấn, đào tạo, đào tạo lại bồi dưỡng về chuyên môn, nghiệp vụ.

Kế hoạch được thực hiện trong phạm vi toàn quốc, ưu tiên hỗ trợ các địa phương có số người tâm thần, trẻ em tự kỷ và người rối nhiễu tâm trí, người có nguy cơ tâm thần cao so với dân số.

Ngoài ra, Kế hoạch cũng nêu rõ các nội dung thực hiện gồm: Hoàn thiện hệ thống chính sách, pháp luật về phục hồi chức năng đối với người tâm thần, trẻ em tự kỷ và người rối nhiễu tâm trí; chính sách bảo hiểm y tế cho người tâm thần, trẻ em tự kỷ và người rối nhiễu tâm trí.

Thực hiện dịch vụ phát hiện sớm trẻ em tự kỷ, người rối nhiễu tâm trí; tuyên truyền, tư vấn về phục hồi chức năng đối với người tâm thần, trẻ em tự kỷ và người rối nhiễu tâm trí.

Phát triển mạng lưới cung cấp dịch vụ phát hiện sớm, điều trị, trị liệu và phục hồi chức năng đối với trẻ em tự kỷ và người bị rối nhiễu tâm trí theo quy định của pháp luật.

Đồng thời, triển khai phục hồi chức năng cho người tâm thần, trẻ em tự kỷ và người rối nhiễu tâm trí dựa vào cộng đồng.

P.V