Hôm 2/12, giờ Washington, Bộ trưởng Bộ Y tế và Dịch vụ Nhân sinh Mỹ (HHS) Xavier Becerra ra tuyên bố cho  biết, Bộ sẽ không gia hạn tình trạng khẩn cấp tạm thời đối với bệnh mpox.

“Vào đầu tháng 8, Bộ Y tế đã tuyên bố tình trạng khẩn cấp về sức khỏe cộng đồng nhằm tăng cường và đẩy nhanh quá trình ứng phó để mang lại kết quả khống chế dịch. Với số lượng ca bệnh thấp như hiện nay, HHS không cho rằng cần phải gia hạn tuyên bố tình trạng khẩn cấp khi nó kết thúc vào ngày 31/1/2023”, tuyên bố viết, lưu ý, hoạt động phòng chống dịch sẽ không chùng xuống.

HHS sẽ tiếp tục theo dõi sát sao diễn tiến của ca bệnh và khuyến khích tất cả những người có nguy cơ mắc bệnh được tiêm vắc xin miễn phí. 

Khi chuyển sang giai đoạn chống dịch tiếp theo, HHS nói, chính quyền tiếp tục hợp tác chặt chẽ với khu vực trách nhiệm và các đối tác để theo dõi các xu hướng, đặc biệt là trong các cộng đồng bị ảnh hưởng nặng nề.

Vào tháng 11, WHO cho biết căn bệnh này tiếp tục là một trường hợp khẩn cấp về sức khỏe toàn cầu, nhưng cũng thừa nhận những tiến bộ đạt được trong phản ứng toàn cầu đối với đợt bùng phát.

leftcenterrightdel
 Mỹ sẽ duy trì tiêm vắc xin miễn phí cho các đối tượng dễ mắc. Ảnh: Reuters/Gavino Garay

Bệnh đậu mùa khỉ là một bệnh truyền nhiễm gây ra bởi một loại vi rút hiếm từ động vật mà vật chủ chính là khỉ. Trường hợp bệnh lây truyền từ khỉ sang người lần đầu tiên được phát hiện vào năm 1970 tại Congo, Nam Phi. 

Một người có thể bị lây bệnh đậu mùa khỉ từ một con vật bị nhiễm bệnh trong trường hợp bị cắn hoặc chạm vào máu, dịch cơ thể, mụn nước của nó; hay do ăn thịt của động vật bị nhiễm bệnh chưa được nấu chín kĩ, hoặc do chạm vào các sản phẩm khác từ động vật bị nhiễm bệnh.

Các triệu chứng của bệnh này thường tương tự như bệnh đậu mùa, bao gồm sốt và phát ban trên da.

Bệnh đã được xoá sổ vào năm 1979.

Vào năm 2003, 47 trường hợp ở Mỹ đã bị nhiễm vi rút đậu mùa khỉ trong một đợt bùng phát liên quan đến một lô hàng động vật có vú nhỏ từ Ghana được bán làm vật nuôi, trong khi có một đợt bùng phát nhỏ hơn ở Anh vào năm 2018.

leftcenterrightdel
 Mụn mủ, một trong những triệu chứng điển hình của bệnh đậu mùa khỉ ở người. Nguồn: newsfet.com

Trong đợt dịch hiện nay, ca bệnh đậu mùa khỉ đầu tiên được phát hiện ở Anh vào ngày 7/5, từ một người trước đó trở về từ Nigeria. Dịch mpox mau chóng lan rộng sang nhiều quốc gia.

Ngày 23/7, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) tuyên bố bệnh đậu mùa khỉ là tình trạng khẩn cấp y tế toàn cầu, mức báo động cao nhất nhằm kích hoạt phản ứng quốc tế phối hợp và mở khóa tài trợ để hợp tác về vắc xin và phương pháp điều trị. 

Chính quyền của Tổng thống Joe Biden đã tuyên bố mpox là tình trạng khẩn cấp về sức khỏe cộng đồng vào ngày 4/8, sau khi cả nước ghi nhận hơn 6.600 trường hợp mắc bệnh.

Dịch bệnh bùng phát “nóng” nhất vào tháng tháng 8 với số ca phát sinh có khi vượt quá 400 ca/ngày, sau đó giảm dần cho đến nay.

Báo cáo đến 14h ngày 2/12, giờ Washington, tổng số ca bệnh ở Mỹ là 29.630 trường hợp (trong số 82.021 ca trên toàn cầu) với 19 trường hợp đã tử vong. Người đồng tính nam, song tính chiếm phần lớn các trường hợp trong đợt bùng phát bệnh.

Ngày 28/11, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) thông báo đổi tên bệnh đậu khỉ thành mpox, thuật ngữ được nói sẽ không gây ra sự kỳ thị và sẽ hỗ trợ các nỗ lực tiếp cận các cộng đồng bị ảnh hưởng nhiều nhất.

Văn Phong/HHS, Reuters