Hôm 4/8, Mỹ đã tuyên bố bệnh đậu mùa khỉ là tình trạng khẩn cấp về sức khỏe cộng đồng, Bộ trưởng Y tế Mỹ Xavier Becerra cho biết trong một cuộc họp báo, cơ chế sẽ cho phép giải phóng kinh phí bổ sung và phương tiện để chống lại căn bệnh này.

Đã có 6.600 ca mắc bệnh đầu mùa khỉ được ghi nhận trên toàn nước Mỹ, tính đến ngày 3/8, hầu như đều thuộc các trường hợp quan hệ tình dục đồng giới nam.

"Chúng tôi đã sẵn sàng các biện pháp ứng phó ở cấp độ cao hơn trong việc giải quyết loại virus này và chúng tôi kêu gọi người dân Mỹ hãy nhìn nhận nghiêm túc với bệnh đậu mùa ở khỉ.", người đứng đầu ngành Y tế Mỹ nói.

leftcenterrightdel
 Mụn mủ, một trong những triệu chứng điển hình của bệnh đậu mùa khỉ ở người. Nguồn: newsfet.com

Bệnh đầu mùa khỉ lây lan mạnh ở châu Âu trước khi lan sang Mỹ, quốc gia hiện có số ca bệnh vào hàng lớn nhất trên thế giới. 

Ngày 23/7, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) tuyên bố bệnh đậu mùa khỉ là tình trạng khẩn cấp y tế toàn cầu, mức báo động cao nhất nhằm kích hoạt phản ứng quốc tế phối hợp và mở khóa tài trợ để hợp tác về vắc xin và phương pháp điều trị. 

Các quan chức cho biết, chính phủ Mỹ đã phân phối 600.000 liều vắc xin Jynneos của Bavarian Nordic và 14.000 liều điều trị TPOXX của Siga Technologies.

leftcenterrightdel
 Tiêm phòng vắc xin ngừa bệnh đậu mùa ở California, Mỹ. Ảnh: saudigazette.com

Giám đốc Trung tâm Dự phòng và Kiểm soát bệnh tật (CDC) Mỹ, Rochelle Walensky, cho biết, Chính phủ đặt mục tiêu tiêm chủng cho hơn 1,6 triệu người có nguy cơ cao.

Tổng thống Mỹ Joe Biden mới đây đã bổ nhiệm hai quan chức liên bang để điều phối các hoạt động ứng phó của chính quyền đối với bệnh đậu mùa ở khỉ, sau khi California, Illinois và New York tuyên bố tình trạng khẩn cấp. 

Lần đầu tiên được xác định trên khỉ vào năm 1958, căn bệnh này có các triệu chứng nhẹ bao gồm sốt, đau nhức và tổn thương da với những mụn mủ. Bệnh có xu hướng khỏi trong vòng hai đến bốn tuần, WHO cho biết. Nó lây lan qua tiếp xúc cơ thể gần và hiếm khi gây tử vong.

Văn Phong/Reuters