Ngày 23/7, Tổng Giám đốc Tổ chức Y tế thế giới (WHO), Tedros Adhanom Ghebreyesus, tuyên bố đợt bùng phát bệnh đậu mùa khỉ hiện nay là tình trạng khẩn cấp về sức khỏe cộng đồng cần quan tâm trên toàn cầu (PHEIC), mức cảnh báo cao nhất của WHO.

Quyết định được đưa ra trên cơ sở xem xét tình hình bùng phát bệnh đậu mùa khỉ hiện đã phát triển với hơn 16.000 trường hợp được báo cáo từ 75 quốc gia và vùng lãnh thổ với 5 trường hợp tử vong ở châu Phi.

Trước đó, ngày 21/7, WHO đã triệu tập cuộc họp lần thứ hai Ủy ban khẩn cấp Điều lệ Y tế quốc tế (IHR) để thảo luận, mổ xẻ các vấn đề liên quan đến hiện trạng tình hình bệnh đậu mùa khỉ trên thế giới.

“Dựa trên các tiêu chí các quy định y tế quốc tế, tôi đã quyết định tuyên bố đợt bùng phát đậu mùa khỉ toàn cầu là tình trạng khẩn cấp y tế cộng cộng mà quốc tế lo ngại.”, Tổng Giám đốc WHO, Tedros Adhanom Ghebreyesus nói.

leftcenterrightdel
 Tổng Giám đốc WHO Tedros Adhanom Ghebreyesus. Ảnh: Reuters / Johanna Geron / Pool.

Tình trạng khẩn cấp về sức khỏe cộng đồng cần quan tâm trên toàn cầu được thiết kế để kích hoạt phản ứng quốc tế phối hợp và cho phép mở khóa tài trợ để hợp tác, chia sẻ vắc xin cũng như phương pháp điều trị.

Mặc dù tuyên bố tình trạng khẩn cấp PHEIC, nhưng Tổng Giám đốc WHO lưu ý, hiện tại đây là đợt bùng phát tập trung ở nhóm quan hệ tình dục đồng giới nam; nguy cơ mắc bệnh đậu mùa khỉ trên toàn cầu ở mức trung bình, ngoại trừ ở châu Âu, nơi WHO coi là có nguy cơ cao.

Cùng với việc tuyên bố PHEIC, WHO cũng đưa ra khuyến nghị tạm thời cho 2 nhóm các quốc gia có và không có tiền sử mắc bệnh đậu mùa khỉ, bao gồm kích hoạt hoặc thiết lập các cơ chế phối hợp đa ngành và y tế để tăng cường sự sẵn sàng ứng phó với bệnh đậu mùa khỉ và ngăn chặn sự lây truyền từ người sang người; nâng cao năng lực phát hiện cũng như nhận thức về sự lây truyền, các biện pháp phòng ngừa, các triệu chứng và dấu hiệu của bệnh đậu mùa khỉ; tập trung các nỗ lực truyền thông,...

leftcenterrightdel
 Triệu chứng cơ bản của bệnh đậu mùa khỉ. Nguồn: vermontpublic

Các chuyên gia y tế hoan nghênh quyết định của WHO khi công bố tuyên bố PHEIC, cơ chế cho đến nay chỉ được áp dụng cho đại dịch COVID-19 và những nỗ lực không ngừng nhằm xóa sổ bệnh bại liệt.

Lawrence Gostin, giáo sư luật y tế toàn cầu tại Đại học Georgetown, Washington, Mỹ gọi đó là một quyết định chính trị dũng cảm; cho rằng, nếu không tuyên bố tình trạng khẩn cấp vào thời điểm này sẽ bỏ lỡ cơ hội lịch sử quan trọng để kiểm soát bệnh đậu mùa khỉ.

Bà Josie Golding, Trưởng bộ phận dịch tễ học tại Quỹ y tế Wellcome Trust, có trụ sở tại London, Anh, cho biết, quyết định này sẽ giúp ngăn chặn sự lây lan của dịch bệnh do vi rút gây ra. “Chúng tôi không thể tiếp tục đợi bệnh tràn lan rồi mới can thiệp.”, bà Golding nói.

Phản ứng trước quyết định của WHO, Nhà Trắng cho biết tuyên bố này là lời kêu gọi cộng đồng thế giới hành động để ngăn chặn sự lây lan của loại vi rút này.

"Phản ứng quốc tế phối hợp là cần thiết để ngăn chặn sự lây lan của dịch bệnh và bảo vệ các cộng đồng có nguy cơ mắc bệnh cao nhất.”, ông Raj Panjabi, Giám đốc cấp cao về an ninh y tế toàn cầu của Nhà Trắng nói.

Văn Phong/WHO, Reuters