Bệnh nhân T. mang thai con so 38 tuần, thiếu ối và được bệnh viện tuyến dưới chỉ định mổ lấy thai. Sau mổ 6h, tình trạng bệnh nhân hết sức nguy kịch, huyết áp tụt, tri giác kích thích vật vã, suy hô hấp nên được chuyển cấp cứu Bệnh viện Đà Nẵng.

Tại đây, bệnh nhân được chẩn đoán theo dõi ngộ độc thuốc gây tê tủy sống, hậu phẫu mổ lấy thai ngày 1, kèm mắc COVID-19 mức độ nguy kịch, tổn thương tim phổi cấp, suy hô hấp cấp, trụy mạch.

Sau đó, bệnh nhân được chuyển đến phòng cách ly khoa Y học Nhiệt đới và được đặt nội khí quản, thở máy, hồi sức nội khoa tích cực. Bác sĩ Trương Thị Hoa - Phó khoa Y học Nhiệt đới, Bệnh viện Đà Nẵng cho biết: “Vì ngộ độc thuốc tê nên tim của bệnh nhân tổn thương rất nghiêm trọng, tổn thương phổi lan tỏa 2 bên, không đủ tình trạng trao đổi khí. Việc điều trị nội khoa không đáp ứng nên ekip khoa Y học nhiệt đới hội chẩn với khoa Hồi sức tích cực - chống độc thống nhất áp dụng kỹ thuật ECMO ngay tại khoa Y học Nhiệt đới để cứu sống người bệnh”.

leftcenterrightdel
 Sau 15 ngày điều trị, bệnh nhân T. cai máy thở hoàn toàn, tiếp xúc tốt, âm tính với COVID-19 và được xuất viện. (Ảnh: BV cung cấp)

Trong suốt quá trình thực hiện ECMO, bệnh nhân được theo dõi, hồi sức tích cực, thở máy và sử dụng thuốc vận mạch liều cao. Sau 5 ngày, các chỉ số tim phổi bệnh nhân dần hồi phục, cai ECMO và tiếp tục điều trị theo phác đồ COVID-19 nặng. Sau 15 ngày điều trị, bệnh nhân T. cai máy thở hoàn toàn, tiếp xúc tốt, âm tính với COVID-19 và được xuất viện.

Bác sĩ Nguyễn Tấn Hùng - Phó trưởng khoa Hồi sức tích cực và chống độc, Bệnh viện Đà Nẵng cho biết: “Đây là một ca bệnh hết sức phức tạp và nặng nề. Bệnh nhân T. có đến 3 diễn biến nặng cùng lúc. Bệnh nhân vừa mổ lấy thai, nguy cơ rối loạn đông máu nặng, có thể gây xuất huyết. Bên cạnh đó, bệnh nhân vừa tổn thương tim phổi do ngộ độc thuốc tê, vừa tổn thương phổi nặng do nhiễm COVID-19 nên tiên lượng tử vong là rất cao. Các bác sĩ đã phối hợp nhiều kỹ thuật như ECMO, thở máy tối đa, sử dụng thuốc vận mạch liều cao để cứu sống bệnh nhân. Đây thật sự là điều may mắn cho bệnh nhân khi được chăm sóc và điều trị kịp thời ở nơi có đội ngũ các bác sĩ chuyên khoa hồi sức tích cực có kinh nghiệm kết hợp với trang thiết bị tốt, hiện đại”.

Vừa thoát khỏi cửa tử, bệnh nhân T. xúc động nghẹn ngào: “Tôi cảm thấy rất may mắn, tôi như được sinh ra lần nữa. Chân thành cảm ơn các y bác sĩ Bệnh viện Đà Nẵng đã cứu sống tôi để giờ đây tôi có thể về với con, với gia đình”.

Hiện tại, Bệnh viện Đà Nẵng đã triển khai kỹ thuật Ecmo tại hầu hết các khoa điều trị, mặc dù trước đó chỉ thực hiện tại khoa Hồi sức tích cực. Trong thời gian tới, Bệnh viện Đà Nẵng sẽ tiến tới việc thực hiện kỹ thuật Ecmo ngoài bệnh viện Đà Nẵng, tại những bệnh viện lân cận trong nhiều trường hợp khẩn cấp.

 

 

 

 

 

 

 


L.T