Luật Khám bệnh, chữa bệnh được Quốc hội khóa XI, kỳ họp thứ 6 thông qua ngày 23/11/2009 và có hiệu lực ngày 1/1/2011 gồm 9 Chương và 91 Điều quy định về quyền và nghĩa vụ của người bệnh, người hành nghề khám bệnh, chữa bệnh và cơ sở khám bệnh, chữa bệnh; Điều kiện đối với người hành nghề khám bệnh, chữa bệnh và cơ sở khám bệnh, chữa bệnh; Quy định chuyên môn kỹ thuật trong khám bệnh, chữa bệnh; Áp dụng kỹ thuật, phương pháp mới trong khám bệnh, chữa bệnh; Sai sót chuyên môn kỹ thuật, giải quyết khiếu nại, tố cáo và tranh chấp trong khám bệnh, chữa bệnh; Điều kiện bảo đảm công tác khám bệnh, chữa bệnh.

leftcenterrightdel

Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến tại Hội nghị tổng kết 9 năm thực hiện Luật Khám bệnh, chữa bệnh 

Qua tập hợp hóa các văn bản do các cơ quan quản lý Nhà nước có thẩm quyền ban hành từ năm 2011 đến nay cho thấy, để quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành Luật Khám bệnh, chữa bệnh, các cơ quan quản lý Nhà nước đã ban hành 77 văn bản quy phạm pháp luật, trong đó có 46 văn bản quy phạm pháp luật còn hiệu lực gồm: 4 Nghị định, 50 Thông tư và 3 Thông tư liên tịch.

Bên cạnh đó, còn 22 văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến khám bệnh, chữa bệnh được ban hành trước khi Luật Khám bệnh, chữa bệnh có hiệu lực vẫn đang còn hiệu lực thi hành.

Song qua thực tiễn nhiều vấn đề trong Luật Khám bệnh, chữa bệnh được Bộ Y tế kiến nghị và sửa đổi đối một số vấn đề với Luật này để phù hợp với thực tiễn.

Về khái niệm trong Luật, Bộ Y tế cho rằng khái niệm khám bệnh, chữa bệnh theo định nghĩa trong Luật hiện chưa bao quát hết các dịch vụ y tế theo cách tiếp cận chăm sóc toàn diện (bao gồm cả chăm sóc y tế và phi y tế). Đồng thời định nghĩa khám bệnh, chữa bệnh như hiện nay cũng chưa phù hợp vì việc thực hiện các dịch vụ cận lâm sàng (xét nghiệm, chẩn đoán hình ảnh…) thì không thuộc cả khám bệnh lẫn chữa bệnh.

Đối với chứng chỉ hành nghề thì theo tổng quan tài liệu thế giới hiện duy nhất chỉ có Việt Nam sử dụng khái niệm chứng chỉ, còn các nước khác gọi là giấy phép hành nghề. Để tương thích với tính chất và giá trị pháp lý nên chăng cần xem xét đề sửa đổi thành Giấy phép hành nghề cho phù hợp vì chỉ khi nào gọi là giấy phép mới có thể cấp phép hoặc rút phép, còn chứng chỉ thì chỉ là sự công nhận khi đương sự hoàn thành một trình độ nào đó.

Bộ Y tế cho rằng, trong Luật Khám, chữa bệnh đang thiếu một số khái niệm như: Chăm sóc toàn diện, điều trị ban ngày, bác sĩ gia đình, cơ sở y tế phi lợi nhuận, sự cố y khoa.

Về hành vi nghiêm cấm theo Bộ này còn thiếu các hành vi thoái thác nghĩa vụ đóng viện phí gây khó khăn cho cơ sở; Cấm lưu trú trong cơ sở y tế không vì mục đích khám chữa bệnh; Cấm sử dụng rượu bia khi đi khám chữa bệnh; Cấm đập phá tài sản, cấm bạo hành nhân viên y tế dưới mọi hình thức; Cấm tự ý xâm nhập vào khu vực chuyên môn của nhân viên y tế. Ngoài ra, quyền tôn trọng bí mật riêng tư được quy định tại Điều 8 vẫn chung chung và chưa đầy đủ.

Việc giữ bí mật về tình trạng sức khỏe không chỉ là giữ bí mật thông tin trong bệnh án, mà cần mở rộng thành quy định giữ bí mật toàn bộ quá trình trao đổi, điều trị giữa bệnh nhân và người hành nghề khám bệnh, chữa bệnh. Một số ý kiến đề nghị, đối với một số nhóm người bệnh như người cán bộ ngoại giao, quân nhân, cán bộ lãnh đạo cao cấp có thông tin cá nhân và tình trạng bệnh tật nhạy cảm cần bổ sung thêm những quy định nghiêm ngặt hơn.

Khoảng trống khác trong quy định về quyền của người bệnh được nhiều ý kiến đề nghị bổ sung là quyền được khiếu kiện, đền bù, bồi thường thiệt hại khi người bệnh là nạn nhân của sai sót chuyên môn. Luật đã có một chương riêng về sai sót chuyên môn nhưng chỉ quy định vai trò và trách nhiệm của cơ quan quản lý và người hành nghề khám bệnh, chữa bệnh không đề cập đến quyền được bồi thường của người bệnh. Trong khi đó, người bệnh là người chịu tổn thất trực tiếp nhưng Luật lại chưa quy định quyền của họ khi có sai sót chuyên môn xảy ra.

leftcenterrightdel
Toàn cảnh Hội nghị tổng kết 

Nghĩa vụ của người bệnh chưa phù hợp trong Luật này. Nghĩa vụ tôn trọng và đảm bảo an toàn cho mọi người khi đến các cơ sở khám chữa bệnh: Người bệnh được quyền tôn trọng, bảo vệ sức khỏe, được quyền lựa chọn cơ sở khám chữa bệnh nên ngược lại họ cũng phải có nghĩa vụ phải đảm bảo an toàn tính mạng, tài sản, môi trường làm việc cho nhân viên y tế cũng như người sử dụng dịch vụ y tế khác tại bệnh viện.

Với thực trạng người nhà bệnh nhân và một số đối tượng khác gây mất trật tự và bạo hành tại các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh, ý kiến của rất nhiều cán bộ y tế đề nghị cần bổ sung những quy định, nghĩa vụ đối với tất cả các đối tượng đến cơ sở khám bệnh, chữa bệnh chứ không chỉ là người bệnh. Đồng thời vì môi trường cơ sở khám bệnh, chữa bệnh là một trường đặc biệt nên cũng nhiều ý kiến đề xuất phải có tình tiết tăng nặng khi có vi phạm.

Ngoài ra, Bộ Y tế cũng đề nghị sửa đổi, thêm vào Luật Khám bệnh, chữa bệnh những nội dung như cấp chứng chỉ hành nghề; Cấp phép hoạt động; Các quy định chuyên môn kỹ thuật trong khám bệnh, chữa bệnh; Về giải quyết tranh chấp trong khám chữa bệnh; Về ứng dụng công nghệ thông tin trong khám bệnh, chữa bệnh; Về an ninh bệnh viện.

Bộ trưởng Bộ Y tế, Nguyễn Thị Kim Tiến cho rằng: Bên cạnh những kết quả đạt được, trong quá trình thực hiện Luật cũng đã có một số hạn chế, bất cập như một số quy định chưa bảo đảm tính thống nhất, đồng bộ, khả thi và phù hợp với điều kiện thực tiễn của Việt Nam cũng như một số nội dung chưa bảo đảm tính hội nhập quốc tế. Sắp tới, Bộ Y tế sẽ xây dựng Luật mới đáp ứng những đòi hỏi, yêu cầu của thực tiễn.
Lê Sử