Vốn "có máu" tình nguyện, anh Nam cũng nhóm bạn thành lập câu lạc bộ “Bạn thương nhau” với mục tiêu ban đầu là giúp đỡ cho những hoàn cảnh khó khăn, hỗ trợ đồng bào lũ lụt dọc dải đất miền Trung.

Cuối năm 2012, trong một lần tổ chức tình nguyện tại điểm trường Nước UI, huyện Nam Trà My (tỉnh Quảng Nam) lần đầu anh và bạn bè được chứng kiến công cuộc "tìm chữ" của con em dân tộc khó khăn cỡ nào.

“Thời điểm câu lạc bộ thực hiện chuyến tính nguyện thời tiết khá lạnh, trời mưa dầm dề mấy ngày liền. Nếu tới từng nhà cho các em thì hơi khó khăn nên nhóm quyết định tới lớp học trao quà.

Và mọi người đều ứa nước khi chứng kiến cảnh trời thì mưa, nước mưa dột ướt hết nền đất, giáo viên phải ngồi chờ tạnh mới dạy tiếp được. Trò thì chân trần, lẩy bẩy níu tay cô giáo vì lạnh.

Cái gọi là lớp học chỉ được dựng bằng tre nứa tạm bợ, xập xệ, mái tôn thủng lỗ chỗ, bàn ghế thì cũ kỹ, hè không chắn được gió Lào, đông không ngăn được sương muối.

leftcenterrightdel
 Lớp học chỉ được dựng bằng tre nứa, miếng tôn tạm bợ, xập xệ, mái tôn thủng lỗ chỗ, bàn ghế thì cũ kỹ, hè không chắn được gió Lào, đông không ngăn được sương muối.

Nó thực sự  ám ảnh và thôi thúc tụi mình phải làm một điều gì đó giúp các em. Và sau khi thảo luận, nhóm quyết định sẽ vận động xây dựng một điểm trường kiên cố tại thôn Nước Ui, xã Trà Mai để các con có điều kiện học hành tốt hơn” – anh Nam vừa nói ánh mắt ánh lên niềm hi vọng.

Sau nhiều chuyến đi tiền trạm, vận động quyên góp, chuẩn bị vật liệu, nhân công... câu kạc bộ bắt tay xây dựng lại điểm trường Nước Ui. Dù đã lường trước sẽ gặp nhiều khó khăn những khi bắt tay vào thực hiện khó khăn lại tăng lên gấp bội.

Để xây một ngôi trường trên núi cao, khâu vất vả nhất là vận chuyển vật liệu và xây móng đổ nền. Dốc núi quanh co, đường mòn rất nhỏ, một bên là vách đá, một bên là vực, cộng thêm  những cơn mưa rừng, đường bị sạt lở,… xe không đi được nên phải vận chuyển vật liệu xây dựng bằng sức người.  Mọi người phải “cõng” tôn, thép, gạch, cát… đi bộ gần hai tiếng, vượt qua hai, ba ngọn núi mới đến nơi.

“Khó khăn càng thêm chồng chất. Do chưa có kinh nghiệm nên từ dự kiến 50 triệu đồng, kinh phí đội lên tới gần 120 triệu đồng.

Mình cũng phải mất một tháng để vận động người dân hỗ trợ, bốn tháng để mọi người gùi từng viên gạch, bao xi măng đến điểm tập kết. Nếu không có dân thì không thể làm được.  Có thời điểm việc vận chuyển rơi vào bế tắc vì người dân đi vài ngày thì mệt, không đi nữa. Lúc này một số người đề nghị chuyển sang xây trường gỗ nhưng mình không đồng ý vì đã quyết thì sẽ làm đến cùng”- anh Nam cho hay.

Dù gặp không ít khó khăn nhưng được sự giúp đo từ người dân, mạnh thường quân, sự đồng lòng của các thành viên trong câu lạc bộ điểm trường đầu tiên đã hoàn thành với hai phòng học khang trang giữa bản nghèo. Mỗi phòng học rộng 56m2, được trang bị bàn ghế, bảng, sách vở mới tinh cho 60 học sinh từ lớp 1 đến lớp 4.

Rồi cái cảm giác khi đèn điện trong lớp học được bật sáng, thầy cô, các em học sinh reo hò tiếp thêm  động lực thôi thúc anh muốn đi xa hơn trên con đường xây dựng các điểm trường cho các em vùng cao.

“Mang đến một gói kẹo, một ký gạo hay cho họ 500 ngàn rồi thì cũng hết, quần áo mặc rồi sẽ cũ. Chi bằng tính cách để các em có điều kiện học hành tốt hơn, khi lớn lên, các em sẽ thay đổi nhận thức và từ đó đổi thay cuộc sống của chính mình. Vậy câu lạc bộ chuyển hướng lên vùng cao, tập trung về mảng giáo dục, xây trường học cho các em vùng sâu, xa xôi với phương châm “Đi thật xa - Nơi thật khó - Đến tận nơi – Trao tận tay”, từng bước xóa điểm trường tạm, vừa tìm cách cải thiện cuộc sống cho giáo viên và học sinh nơi đây.” – anh Nam cười tươi chia sẻ. 

leftcenterrightdel
 Một trong số 13 điểm trường mà câu lạc bộ "Bạn thương nhau" bắt tay vào xây dựng cho các bạn nhỏ vùng cao.

Mỗi lần bắt tay vào việc xây trường, anh Nam cũng các thành viên trong câu lạc bộ lại như con thoi đi lại giữa trùng điệp núi non. Mỗi khi biết điểm trường nào cần giúp đỡ, câu lạc bộ đều tranh thủ sắp xếp công việc trực tiếp đến xác minh. Có những điểm phải đi tới đi lui mới xong việc. Trong đó, cực và nản nhất có lẽ phải kể đến điểm trường Ông Deo (huyện Nam Trà My, Quảng Nam) mất tận một năm để hoàn thành…  Có những chuyến đi anh và những người bạn của mình phải đối mặt với không ít nguy hiểm, thậm chí đánh cược tính mạng…

Tính đến nay, câu lạc bộ đã xây mới 13 điểm trường khang trang ở những vùng khó khăn nhất ở Quảng Nam, Quảng Ngãi, Quảng Bình… Riêng năm 2017, nhóm đã vận động xây dựng được ba điểm trường kiên cố, trong đó có nơi được đầu tư hơn 500 triệu đồng.  Ngoài phòng học, nhóm còn xây thêm phòng nghỉ, bếp và khu vệ sinh cho giáo viên. Số tiền này được vận động từ nhiều nguồn, trong đó chủ yếu thông qua mạng xã hội.

Không chỉ đơn giản cất dựng một ngôi trường là xong xuôi. Mọi người trong câu lạc bộ vẫn thường xuyên giữ liên lạc, hoặc quay về một điểm trường để giúp đỡ các thầy cô và các bạn nhỏ ở đây.

Thấy trường học dù được xây dựng khang trang hơn xưa nhưng vì gia đình quá nghèo, cái ăn, cái mặc còn thiếu thốn.

 “Ðiều làm chúng tôi nhớ mãi là những gói cơm mà các em mang theo chỉ có cơm gạo đỏ với rau rừng cùng muối sống giã với ớt hoặc cơm muối vừng và ít rau nhưng đôi mắt lấp lành vui sướng. Hình ảnh những đứa trẻ thấp còi vẫn ngày ngày đi bộ quãng đường dài đến trường học cái chữ cứ quẩn quanh trong đầu. Mình suy nghĩ và muốn làm gì đây để giúp các con có điều kiện học hành tốt hơn? Đó là điều mà tụi mình đau đáu trong suốt một thời gian dài” – anh Nam chia sẻ.

Mủi lòng trước cái nghèo của người dân vùng cao, trong những năm qua, chàng thủ lĩnh câu lạc bộ cũng thường xuyên tổ chức các hoạt động thiết thực và ý nghĩa dành cho thầy và trò như én nhỏ vùng cao, bữa cơm vùng cao, sữa cho trẻ em vùng cao, tủ sách vùng cao. Hỗ trợ học sinh ở gần 20 điểm trường.

Dự án “Bữa cơm miền núi” và “Sữa vùng cao” bắt đầu thực hiện từ năm 2015. Mỗi năm, kinh phí thực hiện “Bữa cơm miền núi” khoảng 200 triệu đồng và “Sữa vùng cao” từ 100 đến 190 triệu đồng. Hằng tuần, mỗi học sinh sẽ nhận được hai bữa cơm có thịt, hai hộp sữa. Ðến nay, dự án vẫn đang hỗ trợ hơn 800 học sinh vùng dân tộc thiểu số. Tuy không đứng trên bục giảng lần nào nhưng vẫn được các em nhỏ vùng cao gọi với cái tên thân thương: "thầy" Nam…

leftcenterrightdel
 Câu lạc bộ cũng thường xuyên tổ chức các hoạt động thiết thực và ý nghĩa dành cho thầy và trò như én nhỏ vùng cao.

Nhóm còn bảo trợ, kịp thời giúp đỡ những trường hợp có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, trong đó có em Trần Xuân Hưng (học sinh lớp 6 ở Quảng Nam) dẫm phải bẫy sắt trong một lần vào rừng hái rau nhưng cha mẹ chủ quan, không đưa đi cấp cứu. Hưng nằm nhà và mê man suốt 10 ngày. Nhận được tin, anh Nam đã thông qua các mối quan hệ quen biết để khẩn trương đưa em đi cấp cứu tại Bệnh viện  Sản- Nhi Đà Nẵng trong tình trạng hôn mê nặng, mất nhiều máu, hai chân tím bầm, mất cảm giác. Bác sĩ tiên lượng rất xấu.

“Điều kỳ diệu đã đến sau 15 ngày kiên trì điều trị. Em Hưng đã có những phản xạ đầu tiên và nhận biết được cha mẹ. Những trường hợp này nếu ở TP thì xử lý rất đơn giản nhưng với các em vùng cao thì rất khó khăn.

10 năm với hành trình tìm đến các điểm trường là sự khó khăn, gian nan không hề nhỏ, nhưng cả quãng thời gian đó chưa bao giờ anh Nam thấy khổ, chỉ thấy niềm vui, tiếng cười và niềm hạnh phúc khi được cho đi, là niềm tin mà mọi người dành cho mình.

“Thực sự rất vui. Hành trình của câu lạc bộ “Bạn thương nhau” là sự chung sức, đồng lòng của nhiều người chứ một người không thể làm được. Nhận được sự tin tưởng từ tất cả mọi người cùng với nhìn các con cười, tụi mình cảm thấy rất hạnh phúc, những khó khăn, nhọc nhằn không còn nghĩa lý gì nữa. Điều mừng nhất là bắt đầu thấy cuộc sống của các em nhỏ vùng cao được cải thiện nhờ sự quan tâm, chung tay của xã hội. Nếu một ngày không đủ sức để làm công việc này thì mình vẫn sẽ trở lại những điểm trường đã xây, mang túi kẹo lên chơi với các em nhỏ thôi. Các em nhỏ sẽ có thêm thịt, thêm sữa trong mỗi bữa cơm, có thêm quần áo mới trong những ngày đông giá lạnh.” – anh bật cười.

Lê Tâm