Nhu cầu lao động lớn

Theo một khảo sát của Sở Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐ,TB&XH) tỉnh Khánh Hòa, đến năm 2020, mỗi năm địa phương cần trung bình khoảng 7.000 lao động để làm việc trong ngành Du lịch.

Trong khi tính toán của Sở Du lịch, trong vài năm tới, trên địa bàn tỉnh dự báo có thêm khoảng trên 100 dự án kinh doanh lưu trú đi vào hoạt động với quy mô tương ứng khoảng 25.000 phòng, chủ yếu các hạng 3 đến 5 sao và hạng cao cấp. Với hệ số lao động bình quân 1,05 nhân viên/phòng như thực tế tại Khánh Hòa hiện nay, thì từ 2017 - 2020, địa phương cần thêm khoảng trên 26.000 lao động trực tiếp, riêng trong lĩnh vực lưu trú khách sạn.

Trong lĩnh vực lữ hành, dự báo của Sở Du lịch, đến năm 2020, Khánh Hòa đón khoảng 8,5 triệu lượt khách, trong đó khoảng 4 triệu lượt khách quốc tế. Để phục vụ lượng du khách này, yêu cầu cần khoảng 8.000 lao động, tương ứng nhu cầu tăng thêm khoảng 1.300 lao động/năm. Như vậy, giai đoạn 2017- 2020, riêng hai lĩnh vực lưu trú và lữ hành, mỗi năm nhu cầu thị trường tại địa phương cần bổ sung khoảng trên 10.000 lao động.

leftcenterrightdel
 Nha Trang, Khánh Hòa là trung tâm du lịch biển của cả  nước.
leftcenterrightdel
 Lượng khách du lịch đến Nha Trang, Khánh Hòa trong những năm gần đây liên tục tăng trưởng "nóng". Đến năm 2020, dự báo Khánh Hòa đón khoảng 8.500 lượt khách.
leftcenterrightdel
 Cả trăm dự án, cơ sở dịch vụ du lịch, vui chơi giải trí,.. đang tiếp tục được xây dựng. Nhu cầu lao động trong ngành du lịch tại địa phương ước tính cần khoảng 10.000 vị trí/năm, riêng cho hai lĩnh vực lưu trú và lữ hành.

Lao động có nhu cầu đào tạo lại cũng là một con số rất đáng kể. Khảo sát tại 384 doanh nghiệp trên địa bàn, Sở LĐ,TB&XH ghi nhận, nhu cầu đào tạo lại của các doanh nghiệp này trong giai đoạn 2016- 1018 là khoảng trên 5.000 lao động/năm, trong đó lao động trong ngành du lịch chiếm 25 - 30%.

Khảo sát nhanh của Sở Du lịch Khánh Hòa vào cuối tháng 10/2017 về nhu cầu đào tạo ngoại ngữ ở 34 doanh nghiệp du lịch, thấy rằng, trong số 3.700 lao động, có đến 1.700 lao động (gần 50%) có nhu cầu đào tạo lại.

Cung không đủ cầu!

Trên địa bàn tỉnh Khánh Hòa hiện có 7 trường đại học, 8 trường cao đẳng, 11 trường trung cấp, 7 trung tâm dạy nghề và 34 cơ sở có hoạt động dạy nghề. Lực lượng đào đạo, có thể nói khá hùng hậu. Riêng hệ thống trường dạy nghề do Sở LĐ,TB & XH tỉnh quản lý, những năm gần đây được tập trung đầu tư mở rộng quy mô, công suất đào tạo. Tuy vậy, trong tổng số sinh viên đào tạo hàng năm khoảng trên 30.000, số sinh viên trong lĩnh vực du lịch chỉ chiếm chưa đầy 10%!.

Tại hệ thống các trường trung cấp nghề, số học viên rơi rớt trong quá trình học tập rất cao. Riêng tại Trường Trung cấp nghề Ninh Hòa, một trong những cơ sở dạy nghề trọng điểm của tỉnh Khánh Hòa, tỷ lệ học viên rơi rớt trung bình khoảng 40%- 50%. Năm 2017, Trường này tuyển 709 học viên, tuy vậy cũng trong năm này, số học viên ra trường chưa đầy 300 em.

Phòng Đào tạo Trường dạy nghề Ninh Hòa, cho biết, việc học viên bỏ học nhiều ở năm học thứ nhất có vấn đề về định hướng của học viên và phụ huynh, trong khi khâu tư vấn đầu vào của nhà trường cũng chưa thực sự kỹ lưỡng.

leftcenterrightdel
Hệ thống cơ sở trường dạy nghề trên địa bàn tỉnh Khánh Hòa được đầu tư khá bài bản, quy mô, tuy vậy hầu hết khai thác chưa hết công suất. 
leftcenterrightdel
 Khả năng cung ứng lao động du lịch từ các trường nghề khá hạn chế, trong đó nhiều lĩnh vực luôn trong tình trạng cung không đủ cầu. 

Ông Nguyễn Thế Phong- Phó Hiệu trưởng Trường Trung cấp nghề Ninh Hòa, chia sẻ, mặc dù đào tạo gần như miễn phí và 95% học viên ra trường có việc làm, trong đó nhiều ngành không cung cấp đủ nhu cầu, tuy vậy việc tuyển sinh học nghề khá khó khăn. “Học sinh không yêu thích học nghề, tư tưởng người dân cũng không muốn cho con em học trung cấp”- Ông Phong nói.

Đánh giá của Sở Du lịch tỉnh Khánh Hòa, giữa các nhóm ngành đào tạo đang có sự mất cân đối. Các cơ sở đào tạo thường chỉ tập trung đào tạo những ngành lao động phổ thông và ngắn hạn, trong khi các nhóm lao động quản lý cấp cao, trưởng các bộ phận, nhóm ngành bếp, đặc biệt là bếp trưởng, thị trường yêu cầu nhưng không đủ nguồn cung.

Nhân lực không những thiếu về số lượng, chất lượng cũng đang là vấn đề. Dường như cách thức đào tạo “khép kín” trong khuôn viên cơ sở dạy nghề vẫn chưa được khắc phục. Hệ quả, học viên thiếu trải nghiệm thực tế. Cơ sở dạy nghề chỉ truyền thụ những gì mình có, trong khi thực tiễn yêu cầu kinh nghiệm và kỹ năng chuyên môn nhiều hơn thế.

Đánh giá của ngành Du lịch tỉnh Khánh Hòa trong  hoạt động đào tạo, nói, cải thiện chất lượng lao động là vấn đề cấp thiết nhất mà các doanh nghiệp yêu cầu. Nguyên nhân chính được xác định, do chất lượng đào tạo chưa phù hợp với yêu cầu thực tiễn. Đa số các vị trí khi tuyển dụng đều thiếu kinh nghiệm, kỹ năng làm việc, trình độ ngoại ngữ yếu.

Bà Nguyễn Thị Lệ Thanh - Phó Giám đốc Sở Du lịch tỉnh Khánh Hòa nhìn nhận, doanh nghiệp cần phải tham gia vào quá trình đào tạo, là một bên quan trọng trong quá trình tổ chức đào tạo, để có được chất lượng đầu ra đáp ứng được yêu cầu thực tiễn.

Nguyễn Huân