Từ bất cập về giá đền bù…

Báo BVPL nhận được phản ánh của bạn đọc về việc người dân bị cưỡng chế thu hồi đất để triển khai dự án Du lịch sinh thái, nuôi và bảo tồn động vật hoang dã tại xã An Hòa, TP.Biên Hòa, tỉnh Đồng Nai.

leftcenterrightdel
 Kết luận Thanh tra Chính phủ chỉ ra nhiều thiếu sót, hạn chế tại dự án (Ảnh: Nguyễn Lánh)

Ông Phạm Chí Thanh (xã An Hòa, TP.Biên Hòa), hộ gia đình đã bị cơ quan chức năng huyện Long Thành tổ chức cưỡng chế vào ngày 17/03/2010 để thu hồi đất làm dự án nêu trên, rất bức xúc: “11 năm nay chúng tôi khiếu nại tố cáo từ địa phương đến trung ương mà vẫn chưa được giải quyết xong. Đất đai bị cưỡng đoạt bỏ hoang từ đó cho đến nay”.

Theo ông Thanh nguồn gốc đất của gia đình được sử dụng ổn định và liên tục từ năm 1975 cho đến khi bị cưỡng chế thu hồi. Với diện tích 2.821m2 đất, mức phê duyệt bồi thường đối với đất, hoa màu có trên đất, trợ cấp các loại, thưởng di dời, hộ gia đình ông Thanh chỉ nhận được 159 triệu đồng.

Tương tự, bà Phạm Thị Trang, (xã An Hòa, TP.Biên Hòa), tại bảng chiết tính giá trị bồi thường của UBND huyện Long Thành, tổng diện tích bị thu hồi 17.312m2 đất nông nghiệp (đơn giá hỗ trợ 20.000 đồng/m2) gia đình bà Trang nhận được 346 triệu đồng. Bồi thường hoa màu trên diện tích đất thu hồi (đơn giá 1.000 đồng/m2) và 5 triệu đồng tiền thưởng di dời thì tổng số tiền nhận được là 368 triệu đồng.

leftcenterrightdel
Toàn cảnh dự án Khu du lịch sinh thái Sơn Tiên sau nhiều năm triển khai (Ảnh: Nguyễn Lánh) 

Theo ông Phạm Chí Thanh, chính từ những bất cập về giá đền bù, chính sách hỗ trợ cho những gia đình trong diện di dời, giải tỏa đã gây ra nhiều bức xúc. Do đó, gia đình ông đã không đồng ý bàn giao mặt bằng, không đồng ý với việc cưỡng chế vì chưa nhận được câu trả lời thỏa đáng các nội dung khiếu nại của gia đình.

Đến nhiều thiếu sót…

Theo “Kết luận Thanh tra dự án đầu tư Khu du lịch sinh thái Sơn Tiên” số 1744/KL-TTCP, ngày 30/06/2011, của Thanh tra Chính phủ, kết luận: trong quá trình thực hiện dự án đầu tư, các cơ quan có thẩm quyền và chủ đầu tư đã để xảy ra nhiều hạn chế và thiếu sót.

leftcenterrightdel
Nhiều km tường bao quanh dự án xây dựng trái phép (Ảnh: Nguyễn Lánh) 

Cụ thể, thủ tục đầu tư còn thiếu sót, đáng chú ý là việc thẩm tra báo cáo nghiên cứu khả thi, trình Thủ tướng Chính phủ xin phép đầu tư đối với dự án tại thời điểm đó chưa làm đúng quy định theo khoản 6, Điều 1 Nghị định số 07/2003/NĐ-CP ngày 30/01/2003 của Chính phủ, dự án thuộc nhóm A phải báo cáo Thủ tướng Chính phủ cho phép đầu tư.

Thực hiện trình tự, thủ  tục thu hồi, đền bù và chuẩn bị đầu tư của dự án kéo dài. Tổ chức triển khai còn một số sai sót như lập, thẩm định, phê duyệt phương án đền bù, hỗ trợ khi thu hồi đất chậm, chính sách của nhà nước có nhiều thay đổi. Việc áp dụng giá đất tính bồi thường theo từng thời điểm khác nhau, gây chậm trễ trong việc thu hồi, giải phóng mặt bằng. Diện tích thu hồi đất lớn và số hộ dân bị giải tỏa nhiều, trong khi trình độ chuyên môn nghiệp vụ của một số cán bộ làm công tác đền bù, giải tỏa, bồi thường chưa đáp ứng được yêu cầu, để xảy ra khiếm khuyết về nghiệp vụ, kỹ thuật dẫn đến công dân khiếu nại.

Kết luận cũng nêu rõ tiến độ thực hiện dự án đến nay là quá chậm bởi nhiều nguyên nhân khách quan và chủ quan, nhưng vướng mắc chủ yếu là do công tác thu hồi, bồi thường, giải phóng mặt bằng kéo dài; tình trạng công dân khiếu nại về quyền lợi khi thu hồi đất vẫn còn, kết quả giải quyết khiếu nại của công dân còn hạn chế.

Theo “Báo cáo Kết quả tiếp công dân, giám sát việc giải quyết vụ việc khiếu nại đông người liên quan đến việc thu hồi, giao đất cho Công ty Cổ phần Sơn Tiên tại tỉnh Đồng Nai”, số 237/BC-BDN, ngày 1/6/2012 của Ban dân nguyện - Ủy ban Thường vụ Quốc hội, đây là vụ khiếu nại đông người kéo dài từ khi thu hồi đất vào năm 2004 đến nay.

Cũng theo Báo cáo của Ban dân nguyện - Ủy ban Thường vụ Quốc hội, việc thụ lý và giải quyết khiếu nại, tố cáo của công dân cũng còn một số hạn chế, chưa đảm bảo đúng quy định của pháp luật như: UBND tỉnh báo cáo còn 190 hộ chưa nhận tiền đền bù, hỗ trợ, nhưng lại không thấy báo cáo đã thụ lý và giải quyết khiếu nại của các công dân như thế nào? Qua kiểm tra danh sách các hộ chưa nhận tiền (theo báo cáo 190 hộ, nhưng theo danh sách là 217  hộ) thì có đến 72 hộ không thấy ghi họ tên người có đất bị thu hồi mà ghi vắng chủ; đáng lưu ý là có 15 trường hợp ghi vắng chủ nhưng lại thể hiện đã nhận một phần tiền bồi thường, hỗ trợ là 2,5 tỷ đồng. Qua kiểm tra, rà soát danh sách các hộ chưa nhận tiền, trừ các trường hợp ghi trong danh sách là vắng chủ thì có đến 45 trường hợp chưa nhận tiền, thể hiện còn đang khiếu nại.

“Báo cáo Kết quả tiếp công dân, giám sát việc giải quyết vụ việc khiếu nại đông người liên quan đến việc thu hồi, giao đất cho Công ty Cổ phần Sơn Tiên tại tỉnh Đồng Nai”, cũng chỉ ra nguyên nhân dẫn đến khiếu nại, tố cáo kéo dài là do quá trình triển khai thực hiện thu hồi đất, mặc dù chưa ban hành quyết định thu hồi, nhưng UBND tỉnh đã lập phương án và phê duyệt bồi thường. Việc phê duyệt phương án bồi thường hỗ trợ kéo dài làm 16 đợt, trong thời gian hơn 4 năm, một số quyết định phê duyệt rơi vào thời điểm Luật đất đai 2003 có hiệu lực thi hành, nhưng Chính phủ chưa ban hành các nghị định quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành luật.

Báo Bảo vệ pháp luật sẽ tiếp tục thông tin về vấn đề này.

Đình Quân – Nguyễn Lánh