Hệ lụy và nhiều bất cập

Trao đổi về vấn đề này, chị Đ.T.X. công nhân của Công ty cổ phần Đô thị và Môi trường Đắk Lắk (Công ty Môi trường Đắk Lắk) cho biết, chị làm việc đã hơn 15 năm nay. Trước kế hoạch cắt giảm chi phí dịch vụ môi trường, khối lượng công việc như hiện nay khiến cho nhiều công nhân rất lo lắng.

leftcenterrightdel
Nhiều thảm cỏ và cây xanh tại đường Nguyễn Tất Thành (trung tâm TP) đang khô héo, chết dần vì cắt giảm việc tưới nước.  

“Trước đây, công nhân phải quét dọn sạch sẽ hết các tuyến đường, trên vỉa hè, kể cả các gốc cây, nhiều tuyến đường quét dọn cả ngày lẫn đêm. Tuy nhiên, theo kế hoạch cắt giảm hiện nay thì một số tuyến đường, trên vỉa hè chỉ quét dọn hơn 2m đến 3m, riêng gốc cây không quét. Trong khi đó, nhiều tuyến đường, vỉa hè rộng 5-6m. Mặt khác, một số tuyến đường 2 ngày quét một lần thì nay tới tận 5 ngày mới quét một lần. Do đó, lượng rác ùn ứ rất nhiều dẫn đến các tuyến đường không còn xanh – sạch – đẹp như trước nữa” – chị X. nói.

Cũng theo chị X., mỗi buổi sáng thức dậy, người dân quét rác ở phần vỉa hè trong diện cắt giảm ra khu vực công nhân đã quét dọn. Do đó, chỉ ngay sau khi kết thúc ca làm việc ban đêm của công nhân môi trường thì rác thải trên đường, vỉa hè lại trở lại như chưa hề được quét dọn.

leftcenterrightdel
Rác thải bắt đầu ùn ứ tại nhiều tuyến đường.

Chị X. cho biết thêm: “Lâu nay, công nhân môi trường như chúng tôi đều trông chờ vào đồng lương từ việc quét dọn để mưu sinh. Thế nhưng, trước kế hoạch cắt giảm hàng loạt lao động như hiện nay khiến chúng tôi rất hoang mang, làm việc trong trạng thái lo lắng vì không biết mình có nằm trong diện bị cắt giảm hay không”.

Tương tự, chị T.T.N. công nhân của Công ty Môi trường Đắk Lắk cho biết, chị đã làm việc hơn 5 năm nay cũng không khỏi lo sợ trước nguy cơ bị “sa thải”. Chị N. chia sẻ: “Vợ chồng tôi có hai người con đang trong độ tuổi ăn học. Để có tiền trang trải sinh hoạt trong gia đình, chồng đi làm thợ xây công việc không ổn định lúc có, lúc không nên hầu như cả gia đình đều phụ thuộc vào đồng lương công nhân của tôi. Khoảng 10 ngày nay, sau khi có kế hoạch cắt giảm chi phí, giảm lao động, tôi đi làm trong trạng thái vô cùng lo sợ không biết cuộc sống của gia đình sẽ như thế nào nếu mình nằm trong diện bị cho nghỉ việc”.

leftcenterrightdel
Thảm cỏ ở khu vực ngã 6 (trung tâm TP Buôn Ma Thuột) cháy khô, chết dần vì cũng bị giảm số lần tưới nước. 

Theo chị N., trước đây, công nhân môi trường làm ca đêm đi làm việc bắt đầu từ 23h và kết thúc khoảng 5h30’ đến 6h sáng hôm sau. Thế nhưng, kể từ khi có kế hoạch cắt giảm thì áp lực công việc của công nhân môi trường ngày càng tăng. Theo đó, công nhân phải ra đường từ lúc 22h và mãi tới 7h sáng hôm sau mới kết thúc ca vì lượng công việc quá nhiều, rác thải tràn ngập do một số tuyến đường 5 ngày mới quét dọn một lần.

Không những thế, việc cắt giảm dịch vụ chiếu sáng công cộng khiến cho việc quét dọn của công nhân tại một số tuyến đường gặp nhiều khó khăn do trời quá tối. Bên cạnh đó, việc giảm khối lượng nước tưới, nhân công lao động còn mang lại hậu quả tại một số tuyến đường, cây xanh, thảm cỏ đang chết héo dần.

“Chúng tôi chỉ mong, các ngành chức năng sớm xem xét đưa công việc dọn dẹp môi trường được trở lại như trước đây nhằm giúp cho thành phố luôn được giữ gìn xanh – sạch – đẹp và cuộc sống của các công nhân không bị chới với” – chị N. nói thêm.

leftcenterrightdel
Hình trên chụp ngày 20/3, hình dưới chụp ngày 22/3 tại đường Nguyễn Bính (gần ngã 6 trung tâm TP Buôn Ma Thuột) rác ùn ứ ngập đầy đường do nhiều ngày không quét.

Còn bà Phạm Thị Nhị (trú tại đường Nguyễn Bính, TP Buôn Ma Thuột) cho biết, gia đình bà sinh sống ở đây đã hơn 10 năm nay, nhưng đây là lần đầu tiên tôi nhìn thấy cảnh tượng ngột ngạt vì rác ùn ứ đầy đường như thế. “Trước đây, ngày nào công nhân môi trường họ cũng quét dọn rất sạch sẽ, nhưng bây giờ thấy nhiều ngày công nhân mới quét một lần nên rác ùn ứ, bụi bặm gây ô nhiễm môi trường. Trong khi đó, khu vực đường này là trung tâm Thành phố hầu như gia đình nào cũng kinh doanh buôn bán nên hàng ngày lượng khách lui tới rất đông, khi nhìn thấy rác tràn ngập đường, mọi người đều ngán ngẩm không muốn lui tới...” – bà Nhị bức xúc nói.

Chỉ là phương án thử nghiệm!

Ngày 20/3, trao đổi với PV, ông Vũ Văn Hưng, Chủ tịch UBND TP Buôn Ma Thuột cho biết, việc cắt giảm kinh phí cho dịch vụ môi trường năm 2021 chỉ là phương án ban đầu. Thành phố giao Phòng Quản lý Đô thị, hợp đồng nguyên tắc để trong quá trình thực hiện nếu thấy không hợp lý chỗ nào thì sẽ điều chỉnh cho phù hợp...

leftcenterrightdel
Tại vòng xoay Nguyễn Tất Thành, Nguyễn Chí Thanh, Nguyễn Văn Cừ thảm cỏ nhiều nơi đã chết héo dần. 

Như Báo Bảo vệ pháp luật đã phản ánh, trước đó Phòng Quản lý Đô thị, Phòng Tài chính-Kế hoạch của UBND TP Buôn Ma Thuột đã có biên bản làm việc với Công ty Môi trường Đắk Lắk về nội dụng: “Thống nhất khối lượng tỷ lệ tiết kiệm đối với các dịch vụ sự nghiệp công và dịch vụ công ích đô thị đặt hàng trên địa bàn TP Buôn Ma Thuột năm 2021”.

Theo đó, khối lượng công việc trong các hạng mục như: tưới nước cỏ thảm, cây cảnh, bồn cảnh…giảm từ 90 lần/năm xuống 60 lần/năm. Những tuyến đường trong năm 2020 thực hiện quét 1 ngày/1 lần nay giảm xuống 2 ngày/1 lần; 2 ngày/lần giảm xuống 5 ngày/lần; 5 ngày/lần giảm xuống 10 ngày/lần.

Ngoài ra, có một số tuyến đường trên địa bàn cũng không thực hiện quét rác. Dịch vụ chiếu sáng công cộng cũng giảm từ 180 lần/năm xuống 90 lần/năm...

leftcenterrightdel
Hàng trăm người lao động tại Công ty Đô thị và Môi trường Đắk Lắk làm việc trong trạng thái lo lắng vì không biết mình có nằm trong diện bị cắt giảm cho nghỉ việc hay không.
Lãnh đạo Công ty Môi trường Đắk Lắk cho biết, theo biên bản và công văn 388/UBND/TCKH ngày 28/1/2021 của UBND TP Buôn Ma Thuột về việc chủ trương ký hợp đồng đặt hàng cung ứng các sản phẩm dịch vụ sự nghiệp công và dịch vụ công ích trên địa bàn năm 2021, thì khối lượng, tần suất công việc ở các hạng mục của đơn vị sẽ bị cắt giảm rất nhiều.

Đồng thời, giá trị thực hiện ở các lĩnh vực của công ty năm 2021 đều bị cắt giảm “đột ngột” so với năm 2020. Do đó, dẫn đến thực tế là việc làm ít hơn nên số lượng công nhân của công ty sẽ dư thừa. Vì vậy, công ty buộc phải cho nghỉ việc khoảng 200 đến 250 người lao động, gồm cán bộ, nhân viên và người lao động trực tiếp./.

Nguyễn Chính