Đà Nẵng là một trong những địa phương mà ngành du lịch bị thiệt hại nặng nhất do dịch Covid- 19, theo thống kê của Sở Du lịch thành phố Đà Nẵng cho biết, ước tính lượng khách Quốc tế đến Đà Nẵng giảm khoảng 30-40%, lượng khách trong nước giảm khoảng trên dưới 20% so với năm 2019, tương ứng với số giảm thu từ du khách khoảng 700-800 triệu USD.

Lượng khách giảm khiến các dịch vụ ăn uống, nhà hàng, khách sạn tại Đà Nẵng bị ảnh hưởng nghiêm trọng, số lượng khách hủy tour lớn.

Ông Cao Trí Dũng - Chủ tịch Hiệp hội Du lịch TP Đà Nẵng cho biết, công suất sử dụng buồng phòng thời điểm này giảm mạnh, hiện chỉ duy trì ở mức khoảng 10-20% công suất, giảm 50-60% so với cùng kỳ.

Hệ lụy kéo theo là nhiều khách sạn để hạn chế tối đa việc chi tiêu doanh nghiệp đã tính phương án giảm nhân sự đến mức tối đa, đồng thời cho nhân viên nghỉ phép chia ca làm việc để giảm chi phí tiền lương, đồng thời thu hẹp hoạt động.

leftcenterrightdel
 Lượng khách giảm khiến các dịch vụ ăn uống, nhà hàng, khách sạn tại Đà Nẵng bị ảnh hưởng nghiêm trọng, số lượng khách hủy tour lớn.
Ngoài tính đến phương án giảm nhân sự, một số khách sạn có tiềm lực tài chính tốt thì tập trung vào tiết kiệm chi phí, tập trung vào đào tạo nguồn nhân lực và bảo trì bảo dưỡng cơ sở vật chất. Tuy nhiên, bên cạnh đó, nhiều cơ sở lưu trú “chật vật” duy trì hoạt động, tính phương án đóng cửa, phải cho nhân viên nghỉ không lương  khiến nhiều lao động rơi vào tình trạng “bỗng nhiên” mất việc tạm thời…

“Ảnh hưởng từ dịch Covid-19, khách du lịch đến Đà Nẵng giảm hẳn kéo theo  doanh thu của khách sạn giảm nghiêm trọng. Do đó, phía khách sạn đã ra thông báo cắt giảm số lượng nhân viên trong một ca và cho bọn em nghỉ phép bù. Hiểu được khó khăn của khách sạn trong giai đoạn khó khăn này, nên bọn em vẫn làm việc với tâm lí thoải mái, phục vụ tận tình, tạo ấn tượng trong lòng du khách.” – chị Lê Thị Hiếu, nhân viên khách sạn Fusion Suites Đà Nẵng chia sẻ.

Không được may mắn như vậy, anh Lê Dương Thảo (nhân viên nhà hàng Trung Quốc) đành chấp nhận nghỉ không lương, khi nhà hàng phải tạm thời đóng cửa.

“Hiện nay Trung Quốc, Hàn Quốc đang chịu ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 lớn nhất thế giới. Vì thế các nhà hàng và khách sạn chuyên khách Trung và Hàn đều đóng cửa ngừng hoạt động. Nhà hàng em đang làm cũng đã tạm ngưng hoạt động từ đầu tháng 3, em nghỉ việc không lương từ lúc đó. Thời gian nghỉ càng kéo dài thì không chỉ khó khăn về vấn đề tài chính mà tinh thần cũng chán nản. Hy vọng nhanh chóng qua đợt dịch này, để em cũng như nhiều lao động khác có thể tiếp tục công việc.” – Thảo tâm sự.

Được biết, chỉ riêng ngành du lịch, trên địa bàn TP Đà Nẵng, tính đến thời điểm này có hơn 23.000/35.000 lao động của 800 doanh nghiệp du lịch bị tạm thời mất việc, trong đó hơn 1.000 lao động khối lữ hành, 4.000 hướng dẫn viên, 18.000 lao động khối dịch vụ (khách sạn, vận chuyển, điểm đến).

leftcenterrightdel
 Nhiều cơ sở lưu trú “chật vật” duy trì hoạt động, tính phương án đóng cửa, phải cho nhân viên nghỉ không lương  khiến nhiều lao động rơi vào tình trạng “bỗng nhiên” mất việc tạm thời…

Trước những khó khăn đó, Hiệp hội du lịch TP Đà Nẵng đã kiến nghị Nhà nước cần có những cơ chế, chính sách để hỗ trợ kịp thời cho doanh nghiệp vượt qua khó khăn trước khi họ phá sản.

Chẳng hạn như giảm tiền thuê đất, cho phép chậm nộp thuế VAT, thuế thu nhập doanh nghiệp, miễn giảm phí tham quan, miễn giảm lệ phí visa, hỗ trợ kinh phí xúc tiến du lịch, đầu tư cho doanh nghiệp vào một số thị trường lớn, hỗ trợ miễn giảm lãi suất, giãn nợ hoặc khoanh nợ đối với các khoản vay của các doanh nghiệp du lịch.

 Thành phố cũng cần có các giải pháp đồng bộ đảm bảo các chế độ chính sách về giải quyết bảo hiểm thất nghiệp, tạm dừng đóng bảo hiểm xã hội (BHXH), chế độ thai sản cho người lao động…

leftcenterrightdel
 Tính đến thời điểm này có hơn 23.000/35.000 lao động của 800 doanh nghiệp du lịch bị tạm thời mất việc, trong đó hơn 1.000 lao động khối lữ hành, 4.000 hướng dẫn viên, 18.000 lao động khối dịch vụ (ảnh:T.V)

Bên cạnh việc hỗ trợ các doanh nghiệp vượt khó trong mùa dịch Covid- 19, ngành du lịch Đà Nẵng cũng cần phải có những hướng phát triển ngắn hạn và dài hạn để khôi phục ngành du lịch Đà Nẵng hậu Covid- 19.

Ông Cao Trí Dũng cho biết, để khôi phục nguồn khách đến với TP Đà Nẵng trong thời gian tới cần phải phát triển theo 2 hướng đó là : Chọn các thời điểm thích hợp để triển khai mạnh mẽ các chương trình kích cầu cho du khách trong nước và sau đó là du khách quốc tế; đầu tư triển khai nhiều sản phẩm mới, trong đó cụ thể là sản phẩm đi vịnh, sản phẩm trên sông, các hoạt động vui chơi giải trí về đếm như công viên mở Sun World, chợ đêm, show diễn, phố đi bộ...

Cùng với đó, các doanh nghiệp trong lĩnh vực du lịch cũng phải cùng chung tay, chia sẻ các kinh nghiệm quản lý, xử lý khủng hoảng về dịch bệnh với các đơn vị khác là cần thiết. Mỗi một doanh nghiệp sẽ phải tự đánh giá sức khoẻ của đơn vị mình để đưa ra những giải pháp thích hợp, ví dụ dừng hoạt động, sắp xếp lại nhân sự và cơ cấu nhân sự, liên kết với nhau để chuyển khách cho nhau để tăng lượng tỷ lệ kín phòng, hạn chế lỗ….

Lê Tâm