Bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp là sự đảm bảo bù đắp một phần hoặc thay thế thu nhập của người lao động khi bị ốm đau, thai sản, tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp, hết tuổi lao động hoặc chết… trên cơ sở đóng góp và sử dụng một quỹ tài chính tập trung nhằm đảm bảo ổn định đời sống cho họ và an toàn xã hội.

Bảo hiểm thất nghiệp được hiểu là khoản hỗ trợ tài chính tạm thời để trợ giúp kịp thời cho những người thất nghiệp  trong thời gian chưa tìm được việc làm và tạo cơ hội cho họ học nghề, tìm kiếm công việc mới.

Dưới góc độ pháp lý, chế độ bảo hiểm thất nghiệp là tổng thể các quy phạm pháp luật quy định việc đóng góp và sử dụng quỹ bảo hiểm thất nghiệp, chỉ trả trợ cấp thất  nghiệp để bù đắp thu nhập cho người lao động bị mất việc làm và thực hiện các biện pháp đưa người thất nghiệp trở lại làm việc.

Gian lận bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp là hành vi gian dối lập hồ sơ giả hoặc làm sai lệch nội dung hồ sơ; Dùng hồ sơ giả hoặc hồ sơ đã bị làm sai lệch nội dung lừa dối cơ quan bảo hiểm xã hội hưởng các chế độ bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp.

Tội gian lận bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp được quy định tại Điều 214 BLHS 2015 như sau:

1. Người nào thực hiện một trong các hành vi sau đây, chiếm đoạt tiền bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp từ 10.000.000 đồng đến dưới 100.000.000 đồng hoặc gây thiệt hại từ 20.000.000 đồng đến dưới 200.000.000 đồng mà không thuộc trường hợp quy định tại một trong các điều 174, 353 và 355 của Bộ luật này, thì bị phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 02 năm hoặc phạt tù từ 03 tháng đến 02 năm:

a) Lập hồ sơ giả hoặc làm sai lệch nội dung hồ sơ bảo hiểm xã hội, hồ sơ bảo hiểm thất nghiệp lừa dối cơ quan bảo hiểm xã hội;

b) Dùng hồ sơ giả hoặc hồ sơ đã bị làm sai lệch nội dung lừa dối cơ quan bảo hiểm xã hội hưởng các chế độ bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp.

2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tiền từ 100.000.000 đồng đến 200.000.000 đồng hoặc phạt tù từ 01 năm đến 05 năm:

a) Có tổ chức;

b) Có tính chất chuyên nghiệp;

c) Chiếm đoạt tiền bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp từ 100.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng;

d) Gây thiệt hại từ 200.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng;

đ) Dùng thủ đoạn tinh vi, xảo quyệt;

e) Tái phạm nguy hiểm.

3. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 05 năm đến 10 năm:

a) Chiếm đoạt tiền bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp 500.000.000 đồng trở lên;

b) Gây thiệt hại 500.000.000 đồng trở lên.

4. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm.

 

 

 

 

 

 

 

Luật sư: Nguyễn Văn Lâm (Đoàn Luật sư Hà Nội)