|
|
Quang cảnh diễn đàn. Ảnh: Danh Lam/TTXVN |
Theo Tiến sỹ Trần Hồng Quang, Giám đốc Trung tâm Thông tin và Dự báo kinh tế - xã hội quốc gia, thế giới đang bước vào giai đoạn đầu của cách mạng công nghiệp 4.0 và mức độ tham gia vào cuộc cách mạng này ở mỗi quốc gia cũng khác nhau. Với nước ta, Chính phủ đang tích cực, chủ động tham gia vào cuộc cách mạng này, minh chứng rõ nhất là đang xây dựng chiến lược quốc gia về cách mạng công nghiệp 4.0.
Dù mới khởi đầu nhưng cuộc cách mạng này đã có tác động đến các lĩnh vực của đời sống kinh tế - xã hội nước ta, trong đó lĩnh vực lao động, việc làm được cho là ngày càng bị tác động mạnh mẽ. Bên cạnh những mặt tích cực là giải phóng sức lao động của con người, sản xuất với hiệu quả và năng suất cao hơn, thì cũng đan xen cả những thách thức nhất định, đó là vấn đề thất nghiệp và bất bình đẳng trong thu nhập có nguy cơ gia tăng nhanh.
Dự báo tác động của cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thị trường lao động Việt Nam, Phó Giáo sư, Tiến sỹ Vũ Quang Thọ (Viện Công nhân và Công đoàn, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam) cho rằng cách mạng công nghiệp 4.0 hỗ trợ con người, giảm sức lao động, tạo ra hàng loạt chuyển biến tích cực về kỹ thuật và công nghệ. Tuy nhiên, nó cũng tác động không nhỏ đến thị trường lao động Việt Nam, nếu người lao động không thích ứng kịp với những yêu cầu từ cuộc cách mạng đó, từ đó sẽ dễ đẩy người lao động rơi vào tình trạng thất nghiệp, mất việc làm và nhiều hệ quả xã hội khác.
Bàn về vị thế và cầu lao đô%3ḅng giản đơn ở nước ta trong thời đại cách mạng công nghiệp 4.0, Tiến sỹ Nguyễn Văn Thuật, Trung tâm Thông tin và Dự báo kinh tế - xã hội quốc gia nhận định, vị thế của lao động giản đơn trong một số ngành, lĩnh vực dịch vụ ngày càng được khẳng định về chất, nhưng cầu loại hình lao động này nói chung ngày càng giảm mạnh tạo nên bức tranh lao động tự do, lao động trong khu vực phi kết cấu ngày càng lớn, nếu chúng ta không có giải pháp đột phá và mang tầm chiến lược.
“Là một quốc gia đang hội nhập quốc tế sâu rộng và nền kinh tế có độ mở cao, nhưng lao động trong nền kinh tế nước ta chỉ “vàng” về số lượng, chứ chưa “vàng” về chất lượng bởi có gần 77% (hơn 43 triệu lao động) lực lượng lao động của cả nước không có trình độ chuyên môn kỹ thuật. Đây là một nút thắt lớn trong trục phát triển kinh tế - xã hội của nước ta và được cho là không dễ khai thông trong “một sớm một chiều” bởi một lực lượng lao động giản đơn vẫn còn quá đông và chưa có dấu hiệu giảm nhanh trong suốt hàng thập kỷ qua”, Tiến sỹ Nguyễn Văn Thuật nói.
Theo Phó Giáo sư, Tiến sỹ Vũ Quang Thọ, cách mạng công nghiệp 4.0 làm thay đổi việc làm trong tất cả các ngành nghề và lĩnh vực. Cơ hội và thách thức cùng đến với Việt Nam. Cuộc cách mạng này tạo ra một thế giới mà ở đó các hệ thống ảo và vật lý của chuỗi sản xuất toàn cầu có thể hợp tác với nhau một cách linh hoạt, hứa hẹn sẽ tạo ra các lợi ích to lớn và tác động mạnh mẽ tới kinh tế thế giới cũng như kinh tế Việt Nam. Cách mạng công nghiệp 4.0 giúp giảm đáng kể chi phí giao dịch, vận chuyển.
Song, cuộc cách mạng này cũng có thể là nguy cơ tạo ra sự bất công lớn hơn, đặc biệt là nguy cơ phá vỡ tiến trình bình thường của thị trường lao động. Khi tự động hóa thay thế con người trong toàn bộ nền kinh tế, người lao động sẽ bị dư thừa và điều đó có thể làm trầm trọng hơn khoảng cách giữa lợi nhuận so với đồng vốn và lợi nhuận so với sức lao động. Nhiều lao động tay nghề thấp có thể mất việc làm. Khoảng tụt hậu về kinh tế sẽ ngày càng xa hơn, lao động chi phí thấp mất dần lợi thế, khoảng cách công nghệ và tri thức nới rộng hơn, dẫn đến phân hóa xã hội sẽ sâu sắc hơn.
Phó Giáo sư, Tiến sỹ Vũ Quang Thọ chỉ ra rằng thị trường lao động Việt Nam hiện nay vẫn chủ yếu và phổ biến là cung và cầu lao động kỹ năng thấp. 46 triệu lao động Việt Nam (lao động chưa qua đào tạo) đứng trước nguy cơ mất cơ hội tham gia những công việc có mức thu nhập cao, bị đe dọa thay thế bởi robot, trang thiết bị công nghệ thông minh.
Còn theo Phó Giáo sư, Tiến sỹ Bùi Văn Huyền (Viện Kinh tế, Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh), cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư đem lại cho chính sách an sinh xã hội của Việt Nam nhiều thách thức và cơ hội. Chúng ta không thể lảng tránh các thách thức đó mà cần đối mặt và vượt qua nó. Một trong những chiến lược thông minh để vượt qua các thách thức đó là tận dụng các cơ hội mà chính cuộc cách mạng này đem lại đối với chính sách an sinh xã hội.
Đề xuất một số hàm ý chính sách để hoàn thiện chính sách an sinh xã hội, Phó Giáo sư, Tiến sỹ Bùi Văn Huyền cho rằng chính sách giáo dục của Việt Nam cần được thay đổi để đáp ứng nhu cầu kỹ năng mới của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư. Bên cạnh đó, cần áp dụng kết hợp công nghệ dữ liệu cỡ lớn và công nghệ học tập của máy móc để có được một chính sách đảm bảo an sinh xã hội trong vòng đời của người dân; đưa công nghệ trí tuệ nhân tạo trong quản lý lao động và kết nối việc làm giữa người lao động và doanh nghiệp; xây dựng nền tảng số cho chính sách an sinh xã hội đem lại việc làm cho người lao động ở nhiều trình độ kỹ năng khác nhau; định hình mô hình an sinh xã hội mới của Việt Nam…
Phó Giáo sư, Tiến sỹ Vũ Quang Thọ nhìn nhận, Việt Nam cần tiếp tục phát triển thị trường lao động Việt Nam theo hướng hiện đại hóa với hệ thống khuôn khổ luật pháp, thể chế, chính sách thị trường lao động phải từng bước được hoàn thiện; các kết quả của thị trường lao động phải được cải thiện căn bản như chất lượng cung lao động tăng lên, cơ cấu cầu lao động chuyển dịch tích cực, tiền lương, thu nhập được cải thiện. Trong những năm trước mắt, phải khắc phục ngay tình trạng thiếu nghiêm trọng lao động kỹ thuật trình độ cao, lao động trong một số ngành công nghiệp mới.
Theo TTXVN