leftcenterrightdel
Đại hội Công đoàn Việt Nam lần thứ XII.

Tại Đại hội lần này, ngoài những vấn đề lớn có tầm chiến lược và những thông điệp qua diễn đàn “CĐVN đồng hành cùng Chính phủ nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia và phát triển bền vững đất nước” thì một trong những nội dung trọng tâm mà đa số công nhân lao động (CNLĐ) quan tâm, kỳ vọng sẽ có những bước đột phá, tháo gỡ khó khăn, có tính “cơm áo, gạo tiền” đó là những giải pháp về giải quyết chỗ ở cho CNLĐ. Bởi đó là điều kiện, cơ sở để CNLĐ yên tâm lao động và cống hiến.

Hiện nay, cả nước có trên 17 triệu CNLĐ tại các KCN, trong đó có trên 10 triệu CNLĐ là đoàn viên Công đoàn. Hầu hết CNLĐ là ở các tỉnh, vùng nông thôn tập trung về các thành phố lớn và các KCN tập trung nên nhu cầu về nhà ở là vô cùng lớn. Trên thực tế, hiện nay các đơn vị, doanh nghiệp có điều kiện hỗ trợ, tạo điều kiện cho CNLĐ có nhà ở được thuê hoặc mua với giá ưu đãi không tính lợi nhuận mới chỉ chiếm khoảng 5%. Còn lại, 95% CNLĐ phải chủ động tự lo và trang trải các chi phí cho chỗ ở, trong khi thu nhập của CNLĐ còn thấp, chưa có khả năng để tự lo ở mức trung bình, nên hầu hết CNLĐ tìm đến những khu trọ giá rẻ, chật chội và điều kiện sinh hoạt khó khăn, thiếu thốn về mọi mặt vật chất cũng như tinh thần và những gia đình có con nhỏ đi học còn là nỗi lo “kinh niên”… Nhiều vụ trẻ em bị bạo hành đã xảy ra ở những cơ sở trông giữ trẻ tại các khu trọ của CNLĐ, thực tế đó đã ảnh hưởng không nhỏ đến tâm lý gắn bó lâu dài với công việc của CNLĐ. Do vậy, nhiều doanh nghiệp ở KCN sau mỗi dịp tết là lo “đứt” mất công nhân khi về quê nghỉ tết không quay lại làm việc nữa….  Vấn đề nhà ở cho CNLĐ vẫn luôn là bài toán chưa có lời giải thỏa đáng giữa cung - cầu…  Ngoài những chính sách mà Nhà nước đang triển khai hỗ trợ CNLĐ trong vấn đề nhà ở thì những khó khăn, vướng mắc khi giải bài toán này cũng đã được chỉ ra, đó là quỹ đất mà các địa phương (đặc biệt ở các thành phố lớn, tập trung nhiều KCN) rất hạn hẹp; các thủ tục pháp lý và hành chính cần có để giải quyết dự án nhà ở cho CNLĐ có thu nhập thấp còn rất nhiều, chưa tạo điều kiện cho doanh nghiệp tiếp cận khi muốn đầu tư vào dự án; một yếu tố khác là vấn đề lợi nhuận khi đầu tư vào dự án nhà ở cho CNLĐ cũng là vấn đề mà nhiều nhà đầu tư băn khoăn, bởi nếu giá rẻ thì CNLĐ mới có khả năng để thuê, mua và như vậy đồng nghĩa với chất lượng sẽ chỉ ở mức độ chấp nhận được. Còn nếu đầu tư chất lượng cao thì lại không mang tính chất nhà ở xã hội, thu nhập thấp, do vậy CNLĐ không có cơ hội tiếp cận sản phẩm này nên nhiều nhà đầu tư cũng không mặn mà quan tâm đến. 

Trước đó, để giải quyết những bức xúc của CNLĐ tại các KCN, ngày 12/5/2017, từ đề xuất của Tổng LĐLĐVN, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 655/QĐ-TTg phê duyệt Đề án Đầu tư xây dựng các thiết chế công đoàn, tạo sự đột phá trong hình thành hạ tầng cơ sở đồng bộ phục vụ nhu cầu đa dạng cho đoàn viên Công đoàn tại các KCN. Thực hiện đề án, Ban Chấp hành Tổng LĐLĐVN ban hành Nghị quyết 9C về tiết kiệm 10% chi hành chính, chi hoạt động phong trào tại các cấp Công đoàn để tạo nguồn kinh phí cho đầu tư xây dựng các thiết chế của Công đoàn; đồng thời Tổng LĐLĐVN cũng đã phối hợp với Bộ Xây dựng, Bộ Tài nguyên và Môi trường và các địa phương để kịp thời tháo gỡ, giải quyết những vướng mắc trong đầu tư xây dựng nhà ở, nhà trẻ, siêu thị, sân chơi, bãi tập, chăm sóc y tế cho công nhân. Đến nay, sau 1 năm triển khai, Tổng LĐLĐVN đã từng bước thực hiện các mục tiêu mà Thủ tướng giao, đó là: Đã xác định được địa điểm đầu tư tại hơn 20 tỉnh, thành phố, được UBND các địa phương giới thiệu đất và đang trong giai đoạn chuẩn bị đầu tư, trong đó đã triển khai nghiên cứu thị trường và đánh giá các điều kiện đầu tư dự án tại 12 địa phương. Tuy nhiên, nếu như không có sự quan tâm và vào cuộc quyết liệt của các cấp, các ngành thì những vướng mắc, khó khăn sẽ vẫn luôn là rào cản để những chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước khó có được kết quả như mong muốn.

CNLĐ hy vọng, những nghị quyết của Đại hội sẽ sớm được triển khai một cách hiệu quả trên thực tế. Trong đó, vấn đề nhà ở của CNLĐ sẽ có bước đột phá, được tháo gỡ, tỷ lệ CNLĐ cơ hội có nhà ở tăng để CNLĐ thực sự thấy “an cư, lạc nghiệp”, gắn bó với nhà máy, công xưởng, cống hiến hết mình, góp phần tạo ra những sản phẩm kết tinh giá trị thương hiệu “Việt Nam”.

H.C