Mới đây, Đoàn công tác của Bộ LĐ-TB&XH do ông Lê Tấn Dũng, Thứ trưởng Bộ LĐ-TB&XH làm Trưởng đoàn đã buổi làm việc tại tỉnh Bình Dương nhằm khảo sát kết quả 10 năm thực hiện Chỉ thị số 37 của Ban Bí thư khóa XI về "Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác đào tạo nhân lực có tay nghề cao".

Gắn kết "3 Nhà", nâng cao chất lượng đào tạo nghề

Tại buổi làm việc, ông Phạm Văn Tuyên, Phó Giám đốc Sở Sở Lao động Thương binh và Xã hội (LĐ-TB&XH) tỉnh Bình Dương, cho biết qua 10 năm triển khai thực hiện Chỉ thị số 37, mạng lưới cơ sở giáo dục nghề nghiệp (GDNN) được quan tâm sắp xếp, rà soát, sáp nhập để nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động, đa dạng về hình thức, ngành nghề, trình độ đào tạo đáp ứng nhu cầu học nghề của người dân.

leftcenterrightdel
 Ông Phạm Văn Tuyên, Phó Giám đốc Sở Lao động Thương binh và Xã hội tỉnh Bình Dương báo cáo về kết quả 10 năm thực hiện Chỉ thị số 37.

Tỉnh Bình Dương hiện có 70 cơ sở GDNN, gồm: 6 trường cao đẳng, 10 trường trung cấp, 18 trung tâm GDNN và 36 cơ sở khác có đăng ký hoạt động GDNN, với 2.632 nhà giáo, cán bộ quản lý.

Đội ngũ nhà giáo cơ sở GDNN được đào tạo, bồi dưỡng nâng cao về chất lượng; tất cả nhà giáo đều đạt chuẩn về chuyên môn và nghiệp vụ sư phạm; các điều kiện đảm bảo chất lượng đào tạo ngày càng được tăng cường; đào tạo gắn với việc làm, nhu cầu của doanh nghiệp và thị trường lao động được quan tâm đẩy mạnh, hiệu quả được nâng lên.

Công tác xã hội hóa đem lại kết quả bước đầu đã thu hút được tổ chức, cá nhân đầu tư thành lập cơ sở GDNN. Ngoài ra, quy mô tuyển sinh, chất lượng và hiệu quả đào tạo nghề có chuyển biến tích cực và tăng lên hàng năm; tỷ lệ học sinh, sinh viên sau học nghề có việc làm và thu nhập ổn định ngày càng tăng.

Kết quả đào tạo nghề đã đóng góp tích cực cho mục tiêu nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, phát triển lực lượng lao động có kỹ năng nghề, tăng năng suất lao động; góp phần nâng tỷ lệ lao động qua đào tạo từ 68% (năm 2014) lên 83% (năm 2023). Trong đó, tỷ lệ lao động có văn bằng, chứng chỉ tăng từ 19,5% (năm 2014) lên 32% (năm 2023).

Cơ sở vật chất, thiết bị đào tạo ở các cơ sở GDNN được đầu tư nâng cấp, mở rộng. Đội ngũ nhà giáo tăng về số lượng, từng bước nâng cao về chất lượng, đạt chuẩn theo quy định để giảng dạy. Bên cạnh đó, nội dung chương trình, phương pháp đào tạo được đổi mới; công tác kiểm định chất lượng được quan tâm thực hiện nên chất lượng GDNN được cải thiện.

Đáng chú ý, việc gắn kết "3 Nhà" (Nhà nước - Nhà trường - Doanh nghiệp) trong hoạt động GDNN bước đầu đã mang lại nhiều lợi ích cho cả ba nhà.

Nhiều cơ sở GDNN đã tăng cường liên kết với doanh nghiệp trong đào tạo và giải quyết việc làm cho học sinh, sinh viên như hỗ trợ nhà trường trong xây dựng chương trình đào tạo; mời những chuyên gia, kỹ sư có kinh nghiệm thực tiễn tham gia giảng dạy, phối hợp tổ chức cho học sinh, sinh viên học thực hành, thực tập tại doanh nghiệp; tổ chức cho giáo viên tham quan thực tế sản xuất tại doanh nghiệp, tư vấn nghề nghiệp, giới thiệu việc làm cho học sinh, sinh viên sau khi tốt nghiệp…

Từ đó, giúp việc đào tạo nghề được nâng cao chất lượng, ngày càng gắn với nhu cầu của thị trường lao động.

leftcenterrightdel
 Sinh viên Trường Cao đẳng Việt Nam - Hàn Quốc Bình Dương trong một buổi thực hành. Ảnh: HP

Thu nhập bình quân đầu người cao

Tại buổi làm việc, các thành viên trong Đoàn khảo sát làm việc đã đánh giá cao kết quả triển khai Chỉ thị số 37 của Bình Dương. Đồng thời, đoàn đã trao đổi làm rõ thêm một số nội dung về công tác tuyên truyền, giáo dục, nâng cao nhận thức về đào tạo nhân lực có tay nghề cao…

Bên cạnh thế mạnh là địa phương có thu nhập bình quân đầu người cao đứng đầu cả nước (cao gấp 1,7 lần thu nhập bình quân đầu người của cả nước), Đoàn khảo sát cũng chỉ ra một số vướng mắc, khó khăn trong công tác đào tạo lao động có tay nghề cao tại Bình Dương.

Cụ thể, mạng lưới cơ sở GDNN vẫn chưa đáp ứng với yêu cầu tăng quy mô đào tạo nhân lực có tay nghề cao; việc huy động các nguồn lực đầu tư cho GDNN chưa tương xứng với tiềm năng và yêu cầu phát triển GDNN, đào tạo nhân lực có tay nghề cao.

Theo ông Phạm Anh Thắng, Trưởng đại diện Văn phòng Bộ LĐ-TB&XH tại TP HCM, chất lượng nguồn nhân lực của Bình Dương đã được nâng lên rất rõ trong thời gian qua.

Bình Dương có vai trò, vị trí rất đặc biệt trong vùng kinh tế trọng điểm phía Nam; có nhiều khu công nghiệp thu hút nhiều lao động nhập cư tay nghề không đồng đều; điều này đặt cho Bình Dương trách nhiệm nặng nề trong đào tạo nguồn nhân lực.

Bên cạnh đó, vai trò đào tạo cực kỳ quan trọng đối với Bình Dương trong công tác thu hút đầu tư giai đoạn tới. Tuy nhiên, hiện nay các trường đào tạo chưa đủ đáp ứng nhu cầu.

Chính vì thế, Bình Dương cần đẩy mạnh xã hội hóa, xây dựng thêm nhiều trường tư thục dạy nghề thời gian tới, cần định hướng chiến lược xã hội hóa để phát triển ổn định.

Đồng thời, Bình Dương cũng cần khẩn trương xây dựng chiến lược nguồn nhân lực chất lượng cao, đào tạo các ngành nghề chíp bán dẫn, công nghệ cao,… góp phần thu hút đầu tư.

Thứ trưởng Lê Tấn Dũng đánh giá cao kết quả công tác đào tạo nguồn nhân lực có tay nghề cao của Bình Dương, cũng như sự quan tâm của UBND tỉnh đối với công tác này.

Thứ trưởng nhấn mạnh, căn cứ vào định hướng cơ cấu kinh tế, Bình Dương cần có dự báo, chuẩn bị, định hình cho nguồn nhân lực trong thời gian tới. Đặc biệt, là nguồn nhân lực chất lượng cao phù hợp với điều kiện thực tế. Xác định nguồn đào tạo tuyển sinh, chú trọng công tác dạy nghề…

leftcenterrightdel
 Thứ trưởng Lê Tấn Dũng đánh giá cao kết quả công tác đào tạo nguồn nhân lực có tay nghề cao của Bình Dương. 

Theo báo cáo của Tổng cục Thống kê khảo sát mức sống dân cư Việt Nam năm 2023, tỉnh Bình Dương là địa phương có thu nhập bình quân đầu người cao đứng đầu cả nước, đạt 8,29 triệu đồng/người/tháng. Con số này cũng gấp 1,7 lần thu nhập bình quân đầu người của cả nước.


Thuý Hà