Tìm đến ngôi nhà của ông Phàn Xuân Thông (52 tuổi) ngụ khu phố 4, phường Hiệp Bình Phước, quận Thủ Đức (TP. Hồ Chí Minh), chúng tôi không khỏi choáng ngợp trước những vườn mai xanh mướt nằm im lìm giữa lòng phố thị. Thấy có khách hỏi thăm, người đàn ông đầu đội nón lá, quần xắn lên tới đầu gối hăm hở bước ra từ vườn mai. Quệt ngang giọt mồ hôi, ông cười bảo: “Các chú thông cảm nhé! Tôi vừa làm vườn nên lôi thôi quá. Mấy chậu mai này mà vắng bàn tay chăm sóc của tôi một ngày là không xong. Tết đến nơi rồi, mình cũng phải “dỗ dành” chúng mới được”.
Phóng tầm mắt ra xa, những cành hoa mai như e ấp muốn hé nụ nhưng còn xanh ngắt một màu. Ông bảo, trồng mai không chỉ là yếu tố kỹ thuật mà đòi hỏi người trồng mai phải “hiểu” chúng. Đó cũng chính là bí quyết khiến ông được mệnh danh là “vua mai” ở xứ sở của loài cây này suốt 25 năm qua. Trong tiết trời xuân se lạnh, ông kể với chúng tôi về cơ duyên đến với nghề trồng mai của mình: “Trước kia, vùng này nguyên là ruộng lúa và cỏ dại, không có bất cứ cây trồng nào khác. Cả gia đình tôi đều làm ruộng. Nhưng về sau, ruộng đất ngày càng bạc màu khiến cuộc sống càng khó khăn. Thế rồi, trong một lần đi chăn trâu, tôi để ý thấy trong bãi cỏ có những cây mai con đang cố vươn lên đón ánh mặt trời. Thấy kỳ lạ, lúc sau tôi mới ngẫm ra đất ở đây rất thích hợp với loại cây này. Và ngay lúc đó, tôi đã có ý tưởng nhổ lúa để trồng mai. Không ngờ nó lại là “cứu cánh” trong suốt cuộc đời tôi”. Khó khăn đầu tiên là khi ông đưa ra ý tưởng liền bị mọi người phản đối. Bởi đây là vùng đất trũng nên việc trồng mai có vẻ không hề khả thi và cái cần nhất là vốn để mua giống thì ông lại không có. Dẫu vậy, ông vẫn bất chấp, dần xây dựng nên thương hiệu “vua mai ghép” khiến mọi người phải nể phục.
|
|
Đệ nhất “vua” mai Phàn Xuân Thông bên gốc mai đặc biệt của mình. |
Thành công bước đầu với cây mai thường, ông lại nung nấu ý định thử nghiệm nhiều loại mai khác để đáp ứng nhu cầu của thị trường bấy giờ. Năm 2004, ông đã mạnh dạn đầu tư vào giống mai ghép và đạt được hiệu quả kinh tế cao hơn hẳn. “Mai thường chỉ có 5 cánh nhưng mai ghép có thể tới 12 cánh, 24 cánh,... được khách hàng rất ưa chuộng trong mỗi dịp Tết. Vì thế, tôi đã quyết tâm phải trồng thành công được giống mai đặc biệt này”, ông chia sẻ.
Được mệnh danh là “vua” mai ghép nức tiếng một vùng, người này bảo ông được cái “mát tay”, người kia lại bảo ông có bí quyết riêng nhưng “giấu nghề”. Trò chuyện với chúng tôi, ông cười bảo: “Bí quyết gì đâu, đó đều là kinh nghiệm do tôi tự mày mò học hỏi. Kỹ thuật chăm sóc tất nhiên cần thiết nhưng quan trọng là cái tâm đối với nghề. Dù chỉ là loài hoa thời vụ vào dịp Tết nhưng tôi không cho phép mình bỏ lỡ việc chăm sóc nó ngày nào. Những lúc đi đây đó, trước khi đi tôi đều dặn người nhà thật kỹ về thời gian tưới nước, bón phân,... cho vườn mai. Cây mai ghép là một loài cây kiểng nên phải chăm sóc đặc biệt hơn thông thường”.
Nói rồi, ông dẫn chúng tôi ra thăm vườn mai. Nào mai xanh Phước Lộc Thọ, mai trắng, mai Huỳnh Tỳ,... tất cả làm chúng tôi choáng ngợp trước không gian ngập sắc xuân nơi đây. Theo ông Thông cho biết có những chậu mai có giá lên đến hàng trăm triệu đồng, thậm chí hàng tỷ đồng thì ông dành một khoảng riêng ở góc vườn. Ông bảo, xưa kia, nhà nào giàu có thì mua hẳn những chậu mai đẹp, đắt đỏ thế này về trưng trong nhà. Nhà bình dân thì gói ghém bỏ ra hơn 10 triệu đồng là có được một chậu mai khá ưng ý. Nhưng thời buổi kinh tế khó khăn, dù có mê mẩn những chậu mai trong vườn của ông, khách hàng cũng không dám mua mà chỉ thuê về trưng trong dịp Tết. Ông cho biết: “Thay vì mua nguyên gốc mai thì Tết những năm vừa rồi, đa số khách tới đây chỉ thuê đem về nhà trưng. Giá thuê trong hai tuần dịp Tết dao động khoảng 50 - 60% giá trị của nguyên gốc mai. Tuy thời gian ngắn nhưng hiện nay khách hàng lại rất ưa chuộng hình thức này vì vừa tiết kiệm chi phí, vừa dễ thay đổi từng năm cho đỡ nhàm chán. Chính vì thế mà thu nhập cũng giảm sút bởi không thể bán hẳn được nhưng tôi vẫn sẵn sàng đáp ứng nhu cầu của khách hàng”.
|
|
Vườn mai được ông Thông chăm sóc cẩn thận. |
Người ta bảo ông có “giao cảm” với cây mai quả thật không ngoa. Hàng ngày, cứ tới cuối giờ chiều, người ta lại thấy ông kéo dây ống nước tưới cho vườn mai đến khi tối mịt mới quay về nhà. Và trong những ngày cận Tết này, ông lại càng tất bật hơn với việc chăm sóc những “đứa con cưng” của mình. Tiếp bước cha, người con trai duy nhất của ông cũng mê mẩn với cái nghiệp trồng mai này như một thứ nhân duyên kỳ lạ. Và biết bao nhiêu mùa hoa sau nữa, cái tên “đệ nhất mai” Phàn Xuân Thông vẫn được nhắc tới như một nghệ nhân tri kỷ với loài mai.
Mai Phong