(BVPL) - Khoảnh khắc giao mùa mang theo lất phất mưa phùn cùng cái se lạnh cuối đông báo hiệu một mùa xuân mới đang đến thật gần. Ấy vậy mà, cũng là cái Tết, ngày Tết, nhưng sao hôm nay, khi thời gian đang trôi chậm về những ngày cuối năm, tôi lại thấy cảm xúc mình chênh chao đến lạ. Nửa như vui mừng, hân hoan cho sự no đủ, sung túc trong những ngày Tết bây giờ; nửa lại thấy hối tiếc cho sự mai một của dư vị Tết xưa.

 


Tôi còn nhớ rõ lắm. Ngày ấy, bà và mẹ thường có một câu nói quen thuộc mỗi khi đến dịp này: “Lại Tết rồi. Con nít thì mừng, người lớn thì lo”. Lũ trẻ chúng tôi không giấu được nỗi mừng vui, náo nức bởi dịp Tết là biết bao điều hứa hẹn đang chờ đón. Nào là sẽ có “bánh chưng, thịt mỡ, dưa hành, câu đối đỏ”; nào là được mẹ mua cho một tấm áo mới, đôi dép mới; nào là tha hồ nhận tiền mừng tuổi từ người lớn…. Tuổi thơ nông nổi thật. Cho đến khi lớn lên một chút, tôi mới hiểu vì sao dạo ấy, bà và mẹ lại lo lắng đến vậy.

Nhớ lắm hương vị Tết ngày xưa. Bố mẹ qua những ngày túng quẫn, chạy ngược chạy xuôi cũng đắp đổi được một nồi bánh chưng xanh, vài cân thịt và một ít kẹo mứt cho bọn trẻ. Nôn nao mong ngóng giao thừa, cả gia đình cùng quây quần bên nồi bánh chưng nghi ngút khói, cay xè mắt nhưng thật vui và ấm áp lạ thường, nghe bà kể chuyện ông Lang Liêu ngày xưa dâng vua cha thành kính bằng chính món quà quê tinh túy và ý nghĩa của người Việt, bằng biểu tượng cao quý tựa đất trời. Bên cạnh, tay mẹ thoăn thoắt với món “dưa góp” dân giã từ những củ quả vườn nhà. Món dưa của mẹ trong mấy ngày Tết là món bắt cơm nhất, chua chua, cay cay, ăn không biết chán. Còn nữa, đó là những ngày bận rộn phát quang sân vườn, quét vôi, tân trang nhà cửa để đón năm mới. Bố bảo phải trau chuốt cho sạch sẽ, thơm tho thì năm mới sẽ có nhiều phúc lộc, may mắn. Mẹ cũng không quên nhắc nhở mấy anh em có đi đâu, làm gì cũng không được quên tắm rửa thật kĩ để gột rửa những gì năm cũ còn sót lại để đón Tết.

Ngày ấy, có lẽ thiêng liêng nhất là giây phút đón giao thừa. Bố kính cẩn thắp hương, dâng đồ lễ bằng mâm ngũ quả cao ngất ngưởng, kèm theo nào là mâm xôi, con gà trống được mẹ luộc chín và tạo dáng thật đẹp cùng với rất nhiều vàng mã bày biện lên bàn thờ gia tiên. Sau một tuần nhang, bố thành kính mời ông bà tổ tiên về ăn Tết cùng con cháu và không quên khấn vái, cầu nguyện tiên tổ độ trì cho con cháu một năm mới nhiều sức khỏe và tài lộc.

Sau giờ phút thiêng liêng ấy, cả nhà quây quần bên mâm cơm Tết, mọi người cùng nâng những ly rượu nếp thơm nồng và chúc tụng nhau. Hòa cùng không khí ấm cúng đó là tiếng pháo giao thừa rộn rã khắp làng trên xóm dưới, mấy đứa trẻ vội vã mặc áo mới, đi dép mới, vui mừng nhận những món quà mừng tuổi đầu năm từ ông bà, bố mẹ, anh chị…

Ngày mùng một, vẫn nỗi hân hoan ấy, những đứa trẻ xúng xính trang phục mới đi chúc Tết ông bà kèm theo những lời dặn của bố mẹ phải chúc ông bà như thế nào cho có đầu, có đuôi, có ý nghĩa... Hồi tưởng lại, đến bây giờ, vẫn thấy rưng rưng nhiều cảm xúc.

…Ngày nay, cùng với bao đổi thay của thời cuộc, nếp sống, nếp nghĩ của con người từ đó cũng có những chuyển biến nhất định. Ngày Tết cổ truyền cứ đến hẹn lại về nhưng dư vị và sắc màu của hôm nay đã có nhiều đổi khác. Nhà nhà đã tô điểm thêm cho không gian gia đình mình trong ngày Tết rực rỡ hơn bằng những cành mai, cành đào, chậu quất; rượu nếp giản dị một thời được thay thế bằng rượu ngoại, bằng bia…

Nhịp sống hiện đại đã mang lại cho đại đa số gia đình sự đủ đầy, dư giả; các mẹ, các bà không còn phải than thở bằng câu cửa miệng xưa với bao âu lo khi Tết đến. Trẻ con cũng nhận được nhiều hơn tiền lì xì, quần áo mới ngày tết không còn là một đòi hỏi quá xa xỉ với lũ trẻ. Người lớn cũng không cần phải vất vả gói bánh chưng và túc trực bên bếp lửa đêm giao thừa, bởi đã có sẵn nhan nhản các dịch vụ đặt bánh chưng khắp các ngõ phố. Thêm vào đó, thay vì dành những ngày đầu năm để quây quần, sum vầy bên gia đình, giới trẻ cũng đã thiết kế cho mình những tour du lịch khắp mọi miền tổ quốc, thậm chí là ra nước ngoài. Khái niệm “ăn Tết” ngày xưa đã chuyển thành “chơi Tết” cùng với sự dư giả về vật chất. Ngoài ra, không chỉ giới hạn trong “ba ngày Tết”, thời gian chơi Tết cũng được kéo dài hơn, thậm chí là đến tận rằm tháng Giêng. Đâu đó, nét đẹp truyền thống là chúc Tết đầu năm hay xông đất, mừng tuổi ngày càng mai một đi hoặc cũng thực hiện kiểu đại khái, chiếu lệ. Nét mới và trở nên phổ biến của cái Tết bây giờ đó là người ta tận dụng dịp này để trả ơn, trả nghĩa hay cầu cạnh địa vị, chức tước, thậm chí là “chạy việc” bằng những gói quà lớn nhỏ được đong đếm bằng vật chất… Không khí, dư vị Tết vì vậy cũng giảm bớt và biến tướng đi khá nhiều. Các “cụ đồ thời hiện đại” vẫn miệt mài từng góc chợ, lối phố để “cho chữ” nhưng phần nào phục vụ cho lợi ích thương mại…

Có lẽ những người thế hệ chúng tôi, gánh trên vai bao tuổi đời, đã đếm bao mùa xuân qua và ăn bao cái Tết mới thấm thía được cái “chất” của Tết xưa và Tết nay, thấm thía được cái cũ và cái mới, cái truyền thống với cái hiện đại.

Tháng Chạp rồi. Và ngoài kia, mùa xuân đang xin chạm ngõ. Thực sự vui mừng, hân hoan cho một cái Tết nữa sung túc, đủ đầy khi đời sống của nhân dân mọi miền tổ quốc không còn quá vất vả. Nhiều nơi, nhiều gia đình sẽ đang náo nức đón chờ một cái Tết ấm cúng, rộn rã tiếng vui cười mà không phải lấn cấn vì hầu bao eo hẹp. Ấy vậy mà, cũng trong thời khắc này, bất chợt từ trong sâu thẳm tâm tư cùng kí ức thời thơ ấu, tôi lại thèm và nhớ đến vô cùng dư vị Tết xưa…
 

Ngô Thế Lâm

.