Thắng cảnh độc đáo!

Gành Đá Đĩa nằm phía đông bắc huyện Tuy An, tỉnh Phú Yên, thuộc địa phận xã An Ninh Đông, là một thắng cảnh thiên nhiên kỳ thú về cảnh quan và độc đáo về địa chất ở Việt Nam.

Đây là một mỏm đá ăn ra sát biển, như hòn non bộ, được tạo bởi các trụ đá hình lăng trụ tương đối đồng đều có mặt cắt hình ngũ giác, lục giác xếp nghiêng, hình thành do hoạt động phun trào của núi lửa cách đây hàng triệu năm, khi dòng nham thạch nóng chảy phun trào từ núi lửa, gặp nước biển lạnh đông cứng đột ngột và nứt vỡ tạo nên.

leftcenterrightdel
 Thắng cảnh Gành Đá Đĩa được Thủ tướng Chính phủ xếp hạng di tích quốc gia đặc biệt vào năm 2020.
leftcenterrightdel
 Đây là một thắng cảnh thiên nhiên kỳ thú về cảnh quan và độc đáo về địa chất ở Việt Nam.

Những cột đá nằm sát biển sau đó lại chịu tác động của sóng đánh vào nên tiếp tục nứt theo chiều ngang, tạo thành các đĩa đá.

Với những giá trị đặc biệt về cảnh quan, địa chất, ngày 23/1/1997, Bộ Văn hóa - Thông tin (nay là Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) công nhận Gành Đá Đĩa là danh lam thắng cảnh cấp quốc gia. 

leftcenterrightdel
 Bãi biển tại khu vực thắng cảnh thường có sóng lớn.
leftcenterrightdel
 Một du khách ngồi chênh vênh trên gành đá.

Ngày 31/12/2020, tại Quyết định số 2280/QĐ-TTg, cùng với 6 di tích, danh thắng khác trong cả nước, danh thắng Gành Đá Đĩa (người địa phương thường gọi là Gành Đá Dĩa), Phú Yên đã được Thủ tướng Chính phủ xếp hạng di tích quốc gia đặc biệt.

Ngày 4/12/2023, tại Quyết định số 1570/QĐ-TTg, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt nhiệm vụ lập Quy hoạch bảo quản, tu bổ, phục hồi Danh lam thắng cảnh quốc gia đặc biệt Gành Đá Đĩa, huyện Tuy An, tỉnh Phú Yên.

leftcenterrightdel
 Nhiều du khách tiến ra tận mép nước, nơi có những con sóng lớn có thể bất ngờ trùm lên người.
leftcenterrightdel
 Du khách thoải mái tạo dáng bên mép sóng.

Những văn bản pháp lý liên quan đến danh thắng Gành Đá Đĩa, tỉnh Phú Yên cho thấy giá trị và mức độ quan trọng của di sản này. Đây hiện là một trong những điểm đến có dấu ấn tại địa phương, thu hút du khách trong vùng và cả nước.

Tiềm ẩn rủi ro!

Những năm gần đây, nhờ hoạt động quảng bá, lượng du khách biết đến và thăm quan thắng cảnh Gành Đá Đĩa ngày một tăng. Việc quản lý, khai thác, tổ chức dịch vụ, đón tiếp du khách tại thắng cảnh cũng quy củ, sâu sát hơn, cùng với việc tỉnh Phú Yên thực hiện phân cấp quản lý cho cấp huyện, trực tiếp là Trung tâm Văn hóa- thể thao và truyền thanh huyện Tuy An.

leftcenterrightdel
 Nhiều du khách thản nhiên treo qua hàng rào xâm nhập khu vực bảo tồn của di sản.
leftcenterrightdel
 Khu thăm quan di sản văn hóa Hồn Xưa.

Tuy vậy, qua thực tế tại thắng cảnh, chúng tôi nhận thấy, hoạt động quản lý, khai thác du lịch, phát huy giá trị di sản tại đây còn có những bất cập.

Vào dịp nghỉ cuối tuần ngay sau Tết Nguyên đán, lượng khách thăm quan, du ngoạn tại Gành Đá Đĩa tấp nập.

leftcenterrightdel
 Khu vực chính trưng bày, tập kết bộ sưu tập cối đá.
leftcenterrightdel
 Vô số cối đá các loại xếp chồng thành dãy dài, cao hàng mét.

Tại gành đá sát biển, khu vực thăm quan chính của thắng cảnh, du khách nườn nượp. Nhiều nhóm du khách tiến ra tận mép sóng để tạo dáng chụp ảnh. Không ít người điềm nhiên trèo qua hàng rào vào bên trong khu vực bảo tồn để chụp ảnh.

leftcenterrightdel
 Gành Đá Đĩa nằm trong bãi biển thường có sóng lớn.

Cần lưu ý, gành đá, điểm nhấn của thắng cảnh và là khu vực thăm quan chính, nằm sát mép biển. Thông thường bãi biển tại đây luôn có sóng lớn, địa hình đá gồ ghề, dốc, ẩm ướt và trơn trượt, trong khi có những cơn sóng lớn bất ngờ xô mạnh vào gành đá.

leftcenterrightdel
 Bất chấp rủi ro, nguy hiểm, du khách tiến sát mép sóng để chụp ảnh.

Trước hoạt động thăm quan có phần lộn xộn, tùy tiện, cũng như trước khả năng xảy ra rủi ro, nguy hiểm cho du khách, không thấy nhân viên của cơ quan quản lý xuất hiện, cảnh báo, ngăn chặn.

Các vị trí thăm quan sát biển khác tiềm ẩn rủi ro cũng hầu như không thấy các biện pháp bảo đảm an toàn hay biển cảnh báo nguy hiểm.

Trở thành khu trưng bày.. cối đá!

Để tạo thêm dấu ấn cho thắng cảnh và phục vụ du khách chu đáo hơn, từ đầu năm 2015, theo đề nghị của Sở Văn hóa, Thể thao & Du lịch và Sở Công thương, UBND tỉnh Phú Yên đã đồng ý cho một số tổ chức, cá nhân thuê, mượn mặt bằng trong khu vực bảo vệ I để tổ chức trưng bày, bán đồ lưu niệm và một số dịch vụ khác, bao gồm giải khát.

leftcenterrightdel
 Rác thải nhếch nhác ngay bên một điểm bán hàng lưu niệm.
leftcenterrightdel
 Bàn ghế đủ loại đặt dày đặc trong khu dịch vụ.

Tại khu thăm quan quan di sản văn hóa “Hồn Xưa” trên lối vào gành đá, cùng với một số điểm trưng bày cổ vật (binh khí thế kỷ 17-18, tiền cổ), cồng chiêng, nhạc cụ truyền thống,.. và bán hàng lưu niệm, một phần không gian lớn được dành cho dịch vụ giải khát, kết hợp hoạt động biểu diễn đàn đá.

Tại đây, bàn ghế đủ loại được kê, đặt với mật độ dày và lộn xộn. Rác thải cùng với dao thớt nhếch nhác, bừa bãi trên mặt đất và ngay trên lối vào gành đá.

leftcenterrightdel
Biểu diễn đàn đá phục vụ du khách.
leftcenterrightdel
 Một hạng mục tàn tạ dường như đã bị lãng quên.

Bắt mắt nhất tại khu vực này là các điểm trưng bày, tập kết cối đá (loại cối xay bột), đồ gốm và chum, vại sành.

Cơ man cối đá lớn nhỏ, cũ mới đủ loại xếp chồng ở nhiều vị trí thành từng dãy dài lừng lững, cao hàng mét. Số lượng hiện vật cối đá và quy mô trưng bày khiến nó “nuốt” không gian khu vực được gọi là “Di sản văn hóa”; hơn thế, che khuất cảnh quan phía biển, nơi có gành đá, chủ thể chính của thắng cảnh.

Danh thắng có bị xâm hại?

Hiện trạng khu tham quan di sản văn hóa Hồn Xưa, theo quan sát, địa hình và cảnh quan mặt bằng tại đây đã bị tác động ở những mức độ khác nhau.

Ngay khu trung tâm, có cả hạng mục bị xuống cấp, mục nát, tàn tạ như thể đã bị quên lãng.

leftcenterrightdel
Địa hình tự nhiên khu vực phía tây nam gành đá vào năm 2018.

Đáng lưu ý không gian này nằm trong khu vực bảo vệ I của danh thắng, theo quy định phải được bảo vệ nguyên trạng về mặt bằng và không gian.

leftcenterrightdel
 Hiện trạng khu vực phía tây nam gành đá tháng 3/2024, nơi xuất hiện con đường bê tông sát mép nước.

Trong khi tại khu vực phía tây nam gành đá xuất hiện một bờ kè gắn với con đường bê tông chạy dọc mép nước. Con đường giúp hoạt động tiếp cận, thăm quan của du khách thuận tiện và an toàn hơn, tuy nhiên công trình đã phần nào làm biến dạng địa hình tự nhiên và sự toàn vẹn của thắng cảnh; hơn thế, đã tác động và đè lấp một phần cấu trúc địa chất liên mạch của gành đá.

“Khu vực bảo vệ I phải được bảo vệ nguyên trạng về mặt bằng và không gian. Trường hợp đặc biệt có yêu cầu xây dựng công trình trực tiếp phục vụ việc bảo vệ và phát huy giá trị di tích, việc xây dựng phải được sự đồng ý bằng văn bản của người có thẩm quyền xếp hạng di tích đó.”, trích khoản 3, Điều 32 Luật Di sản văn hóa.

 

PV