Theo kế hoạch của UBND tỉnh Ninh Thuận, lễ công bố Quyết định số 73/QĐ-TTg được thực hiện sáng ngày 2/10, đúng vào dịp diễn ra Lễ hội Katê của đồng bào Chăm.

Trước đó, tại Quyết định số 73/QĐ-TTg, ngày 8/1, về việc công nhận bảo vật quốc gia (đợt 12, năm 2023), Thủ tướng Chính phủ đã công nhận 29 hiện vật là bảo vật quốc gia.

Trong số 29 hiện vật được công nhận là bảo vật quốc gia đợt này, tỉnh Ninh Thuận có 2 hiện vật gồm: 1/Bia Phước Thiện, niên đại cuối thế kỉ thứ VIII, đầu thế kỉ thứ IX, hiện lưu giữ tại Bảo tàng tỉnh Ninh Thuận; 2/ Tượng thờ Vua Pô Klong Garai, niện đại thế kỉ thứ XVI-XVII, hiện thờ tại Tháp Po Klong Garai, TP Phan Rang- Tháp Chàm.

leftcenterrightdel
 Bảo vật quốc gia Bia Phước Thiện, hiện lưu giữ tại Bảo tàng tỉnh Ninh Thuận. Nguồn: BT Ninh Thuận.

Liên quan đến các hiện vật Chăm được công nhận đợt này, ngoài 2 hiện vật thuộc tỉnh Ninh Thuận, còn có Phù điêu Đản sinh Brahma Mỹ Sơn E1, niên đại thế kỉ thứ VII-VIII và Tượng Shiva Mỹ Sơn C1, niên đại thế kỉ thứ VIII, cùng được lưu giữ tại Bảo tàng Điêu  khắc Chăm, Đà Nẵng; Linga vàng Po Dam, niên đại thế kỉ thứ VIII-IX, hiện lưu giữ tại Bảo tàng tỉnh Bình Thuận;

Phù điêu Nữ thần Uma, niên đại thế kỉ thứ IX-X, hiện lưu giữ tại Bảo tàng tỉnh Bạc Liêu; Phù điêu Apsara Trà Kiệu, niên đại thế kỉ thứ X, hiện lưu giữ tại Bảo tàng Điêu khắc Chăm Đà Nẵng; hai Tượng sư tử đá thành Đồ Bàn, niên đại cuối thế kỉ thứ XI, đầu thế kỉ thứ XII, hiện lưu giữ tại Bảo tàng tỉnh Bình Định

leftcenterrightdel
 Bảo vật quốc gia Tượng thờ Vua Pô Klong Garai. Nguồn: Bảo tàng Ninh Thuận.

Katê là một lễ hội dân gian thiêng liêng và quan trọng, cũng được xem là Tết truyền thống lớn nhất trong năm của người Chăm theo đạo Balamôn (sinh sống tập trung tại 2 tỉnh Ninh Thuận và Bình Thuận) để tưởng nhớ đến những người đã khuất, tưởng nhớ các vị anh hùng được người Chăm tôn vinh làm thần.

Lễ chính diễn ra vào ngày 1/7 hàng năm theo lịch Chăm (khoảng 25/9 đến 25/10 dương lịch).  

Katê cũng là dịp để người Chăm từ khắp mọi miền đất nước trở về quê cha đất tổ để đoàn tụ cùng gia đình, bạn bè, dòng họ. Tết Katê diễn ra trong một không gian lớn, bắt đầu từ các đền, tháp đến làng, dòng họ và cuối cùng là gia đình.

leftcenterrightdel
 Đồng bào Chăm tham dự Lễ hội Katê tại Tháp Pô Klong Garai, Phan Rang/ NH.

Vào những ngày này, không khí tại các làng, thôn, xóm của người Chăm rộn rã. Nhà nhà đều sửa soạn tươm tất để đón Tết Katê, khắp thôn xóm nhộn nhịp với các trò chơi dân gian, giao lưu thể thao, văn nghệ. Khi lễ hội ở làng kết thúc thì lễ Katê ở các dòng tộc, gia đình trong đồng bào Chăm mới được tổ chức. 

Mọi thành viên trong gia đình đều có mặt đông đủ, quây quần bên nhau và cầu mong tổ tiên ông bà phù hộ cho con cháu gặp nhiều may mắn trong cuộc sống.

PV