Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch (VHTT&DL) vừa có văn bản, số 3970/BVHTTDL-VHDT, gửi các bộ, ngành liên quan và UBND các tỉnh Ninh Thuận, Bình Định, Phú Yên, Bình Thuận, An Giang, Tây Ninh, Quảng Nam, TP Đà Nẵng và TP Hồ Chí Minh, về việc điều chỉnh thời gian tổ chức Ngày hội Văn hóa dân tộc Chăm lần thứ VI tại tỉnh Ninh Thuận, năm 2024.

Văn bản cho biết, ngày 19/6, Bộ VHTT&DL đã ban hành Kế hoạch số 2576/KH-BVHTTDL về việc tổ chức Ngày hội Văn hóa dân tộc Chăm lần thứ VI, sẽ diễn ra từ ngày 27-29/9 tại tỉnh Ninh Thuận.

leftcenterrightdel
  Vũ điệu Apsara của người Chăm biểu diễn tại Lễ hội Nho và vang tỉnh Ninh Thuận/ NH.

Tuy nhiên, trước tình hình mưa, lũ còn diễn biến rất phức tạp, thực hiện Công điện số 88/CĐ-TTg ngày 6/9 của Thủ tướng Chính phủ về việc tập trung ứng phó khẩn cấp bão số 3 và mưa, lũ sau bão; để tập trung cho công tác phòng chống lụt, bão và khắc phục hậu quả sau bão số 3, Bộ VHTT&DL đã thống nhất với tỉnh Ninh Thuận điều chỉnh lùi thời gian tổ chức sự kiện sang tháng 12/2024, thời gian tổ chức cụ thể được thông báo sau.

Theo kế hoạch tổ chức sự kiện được UBND tỉnh Ninh thuận ban hành ngày 21/8, Ngày hội mang chủ đề “Bảo tồn, phát huy bản sắc văn hóa dân tộc Chăm trong thời kì hội nhập và phát triển đất nước”, do Bộ VHTTDL, UBND tỉnh Ninh Thuận chủ trì, với sự tham gia của 8 tỉnh, thành phố khác có đồng bào Chăm sinh sống là Bình Định, Phú Yên, Bình Thuận, An Giang, Tây Ninh, Quảng Nam, Đà Nẵng và thành phố Hồ Chí Minh.

leftcenterrightdel
 Thăm quan, trải nghiệm vườn nho tại làng nho Thái An, xã Vĩnh Hải, huyện Ninh Hải, Ninh Thuận. Ảnh: HT.

Mục đích sự kiện nhằm quảng bá, giới thiệu nét đẹp về văn hóa, con người, tiềm năng, lợi thế, sự phát triển của quê hương Ninh Thuận với đồng bào Chăm các tỉnh tham gia Ngày hội và người dân, du khách trong, ngoài nước.

Trong khuôn khổ sự kiện, sẽ diễn ra nhiều hoạt động văn hóa, thể thao và du lịch, bao gồm trình diễn, giới thiệu trích đoạn lễ hội, nghi thức sinh hoạt văn hóa truyền thống dân tộc Chăm; Trưng bày giới thiệu, quảng bá sản phẩm văn hóa truyền thống của địa phương; Trưng bày, chế biến và giới thiệu ẩm thực truyền thống; Trình diễn, giới thiệu nghề thủ công truyền thống dệt thổ cẩm, nghề làm gốm của dân tộc Chăm.

leftcenterrightdel
 Trình diễn nặn gốm Chăm, vốn vẫn giữ được kĩ thuật truyền thống độc đáo với bệ nặn cố định / Gốm Chăm Đàng Xem.

Ngoài ra còn có chương trình Liên hoan văn nghệ quần chúng và trình diễn trang phục dân tộc Chăm với các loại hình dân ca, dân vũ, dân nhạc, độc tấu, hòa tấu nhạc cụ mang đậm bản sắc của dân tộc Chăm.

Trong thời gian tổ chức sự kiện sẽ diễn ra các hoạt động tham quan, trải nghiệm các điểm du lịch trên địa bàn tỉnh Ninh Thuận.

Bên lề sự kiện có các hoạt động, bao gồm: Triển lãm “Đặc trưng văn hóa đồng bào Chăm trong cộng đồng văn hóa các dân tộc Việt Nam”; Trưng bày ảnh về sắc màu văn hóa dân tộc Chăm, đồng hành cùng sự phát triển của đất nước; Triển lãm tranh mỹ thuật, hình ảnh về văn hoá dân tộc Chăm; Trưng bày, giới thiệu các sản phẩm đặc thù, sản phẩm làng nghề, sản phẩm OCOP của tỉnh Ninh Thuận; Trưng bày, giới thiệu, quảng bá tiềm năng, cơ hội đầu tư, quảng bá du lịch Ninh Thuận và Giải Golf tỉnh Ninh Thuận mở rộng năm 2024.

PV