UBND tỉnh Ninh Thuận vừa ban hành kế hoạch tổ chức Ngày hội Văn hóa dân tộc Chăm lần thứ VI tại tỉnh Ninh Thuận, năm 2024 với chủ đề “Bảo tồn, phát huy bản sắc văn hóa dân tộc Chăm trong thời kì hội nhập và phát triển đất nước”.
Mục đích sự kiện nhằm quảng bá, giới thiệu nét đẹp về văn hóa, con người, tiềm năng, lợi thế, sự phát triển của quê hương Ninh Thuận với đồng bào Chăm 9 tỉnh tham gia Ngày hội và người dân, du khách trong, ngoài nước.
|
|
Đồng bào Chăm tại Lễ hội Katé truyền thống bên di sản Tháp Chăm Po Klong Garai ngàn tuổi, một điểm đến dấu ấn của tỉnh Ninh Thuận/ NH. |
|
|
Kèn Saranai, nhạc cụ truyền thống của đồng bào Chăm/ NH. |
Ngày hội diễn ra trong 3 ngày, từ ngày 27-29/9, tại thành phố Phan Rang - Tháp Chàm, tỉnh Ninh Thuận, có sự tham gia của 9 tỉnh, thành phố có đồng bào Chăm sinh sống là Ninh Thuận, Bình Định, Phú Yên, Bình Thuận, An Giang, Tây Ninh, Quảng Nam, Đà Nẵng và thành phố Hồ Chí Minh với sự phối hợp của một số cơ quan nghiệp vụ của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch.
Theo kế hoạch, Lễ khai mạc diễn ra đêm ngày 27/9 tại Quảng trường 16/4, thành phố Phan Rang - Tháp Chàm, tỉnh Ninh Thuận, dự kiến truyền hình, truyền thanh trực tiếp trên sóng Đài Truyền hình Việt Nam (VTV8), Đài Tiếng nói Việt Nam và Đài truyền hình địa phương.
|
|
Vũ điệu Apsara của người Chăm biểu diễn tại Lễ hội Nho và vang tỉnh Ninh Thuận/ NH. |
|
|
Thăm quan, trải nghiệm vườn nho tại làng nho Thái An, xã Vĩnh Hải, huyện Ninh Hải, Ninh Thuận. Ảnh: HT. |
|
|
Đồi cát Nam Cương, xã An Hải, huyện Ninh Phước, một thắng cảnh được ví như "tiểu sa mạc" ở xứ khô hạn Ninh Thuận. |
Trong khuôn khổ sự kiện, sẽ diễn ra nhiều hoạt động văn hóa, thể thao và du lịch, bao gồm trình diễn, giới thiệu trích đoạn lễ hội, nghi thức sinh hoạt văn hóa truyền thống dân tộc Chăm; Trưng bày giới thiệu, quảng bá sản phẩm văn hóa truyền thống của địa phương; Trưng bày, chế biến và giới thiệu ẩm thực truyền thống; Trình diễn, giới thiệu nghề thủ công truyền thống dệt thổ cẩm, nghề làm gốm của dân tộc Chăm.
Ngoài ra còn có chương trình Liên hoan văn nghệ quần chúng và trình diễn trang phục dân tộc Chăm, diễn ra đêm ngày 28/9 với các loại hình dân ca, dân vũ, dân nhạc, độc tấu, hòa tấu nhạc cụ mang đậm bản sắc của dân tộc Chăm.
|
|
Trình diễn nặn gốm Chăm, vốn vẫn giữ được kĩ thuật truyền thống độc đáo với bệ nặn cố định / Gốm Chăm Đàng Xem. |
|
|
Kĩ thuật nung gốm độc đáo bằng rơm, củi lộ thiên của người Chăm/ NH. |
|
|
Sản phẩm gốm Chăm / Gốm Chăm Đàng Xem. |
Trong thời gian tổ chức sự kiện sẽ diễn ra các hoạt động tham quan, trải nghiệm các điểm du lịch trên địa bàn tỉnh Ninh Thuận.
Bên lề sự kiện có các hoạt động, bao gồm: Triển lãm “Đặc trưng văn hóa đồng bào Chăm trong cộng đồng văn hóa các dân tộc Việt Nam”; Trưng bày ảnh về sắc màu văn hóa dân tộc Chăm, đồng hành cùng sự phát triển của đất nước; Triển lãm tranh mỹ thuật, hình ảnh về văn hoá dân tộc Chăm; Trưng bày, giới thiệu các sản phẩm đặc thù, sản phẩm làng nghề, sản phẩm OCOP của tỉnh Ninh Thuận; Trưng bày, giới thiệu, quảng bá tiềm năng, cơ hội đầu tư, quảng bá du lịch Ninh Thuận và Giải Golf tỉnh Ninh Thuận mở rộng năm 2024.