Được giao đề tài viết về nhà báo lão thành Phan Quang cho số báo đặc biệt kỷ niệm ngày Báo chí Cách mạng Việt Nam khiến tôi, một phóng viên vào nghề chưa được bao lâu không khỏi có chút lo lắng bởi đã từng có nhiều người, là những “cây đa, cây đề” trong nghề viết về ông và làm sao dám “ múa rìu qua mắt thợ” với một người 70 năm làm viết báo như ông.
Viết sao đây, viết thế nào đây, nên tập trung vào khía cạnh nào trong cả sự nghiệp báo chí đồ sộ của ông…Đó là những câu hỏi đặt ra trong đầu tôi. Tôi bắt đầu tìm hiểu về ông qua các bài viết, rồi qua những người bạn, người đồng nghiệp của mình để có thông tin về ông. Mừng vì đã có được số điện thoại và địa chỉ nhà của ông. Đặc biệt, nhà ông ở cũng gần nơi tôi sinh sống ngày bé, khi còn đi học, ngày nào tôi cũng đi qua…
Sau vài lần liên lạc với ông không được, tôi tìm đến địa chỉ nhà ông sau khi hết ngày trực. Đúng số nhà, đúng ngõ, tôi bấm chuông gọi cửa nhưng không phải nhà ông. Hóa ra, cái địa chỉ người bạn cho đó không đúng! Loay hoay một hồi rồi cũng tìm ra. Người ta vẫn hay nói, Hà Nội thay đổi từng ngày, ấy thế mà, con ngõ này, gần 20 năm tôi rời xa nay vẫn vậy, không có gì thay đổi nhiều, hay bởi cả tuổi thơ tôi đã gắn liền với khu vực này nên từng cái ngõ, con hẻm thật quá quen thuộc. Những dòng kí ức như ùa về trong tôi, tôi bất chợt gặp một vài người mình biết, họ già đi nhiều...
Người ra mở cửa cho tôi là chị Thanh, con gái nhà báo Phan Quang. Chị cho biết, tai của bác nghe không rõ nên không thể nghe điện thoại hay nói chuyện, muốn trao đổi gì thì nhắn tin và gửi email. Biết được ý định của tôi, chị Thanh bảo: “chị cũng không biết bố chị có nhận lời không…”. Hôm sau, tôi nhắn tin cho ông rồi gửi email nội dung trao đổi. Ông phản hồi ngay…
Từ nhà báo gần nửa thế kỷ trõm mắt viết bài, đọc tin…
Nhà báo Phan Quang tên thật là Phan Quang Diêu, quê ở Quảng Trị, ông tham gia cách mạng khi vừa mới lớn. Là một người đam mê văn học từ bé nhưng lớn lên, tổ chức lại phân công làm báo, song để tự an ủi, ông nghĩ báo và văn là con cùng một mẹ, người mẹ ngôn từ, hai anh em trưởng thành đi làm ăn mỗi người một nẻo nhưng phân mà không cắt, phân rồi lại hợp, có hợp có phân, dù rạch ròi báo - văn, trong văn có báo trong báo có văn, ta hãy cố làm tốt bất cứ việc gì có ích, chớ có mơ màng chuyện viển vông.
|
|
Nhà báo Phan Quang và nhà báo Hà Đăng. |
Ông chia sẻ: “Nhìn lại tôi thấy cả đời mình chuyên làm báo hằng ngày: hơn 6 năm báo Cứu quốc, hơn 28 năm báo Nhân Dân, 9 năm Đài Tiếng nói Việt Nam - gần nửa thế kỷ trõm mắt viết bài, đọc tin…, còn các công việc khác phần lớn kiêm nhiệm. Mải mê với công việc, đến hồi cầm quyết định nghỉ hưu, tôi giật mình nhìn dòng chữ rành rành trên Sổ bảo hiểm xã hội: “Thời hạn công tác: 57 năm 8 tháng”!
Trưởng thành từ người phóng viên xông pha trên các mặt trận đến Tổng Giám đốc, Tổng Biên tập, Bí thư Ban Cán sự Đảng Đài Tiếng nói Việt Nam, ông đã có hàng nghìn bài viết giá trị. Đáng nói, trong giai đoạn đổi mới, nhà báo Phan Quang đã có những cống hiến lớn. Đó là xây dựng Đài Tiếng nói Việt Nam theo hướng hiện đại hóa, tiếp cận trình độ phát thanh hiện đại của thế giới; làm cho Đài có một hạ tầng mạnh chưa từng có; đội ngũ phóng viên có trình độ tác nghiệp quy chuẩn, năng động, khởi đầu những chương trình phát thanh trực tiếp chưa từng có trước đây.
Ông chính là người có đóng góp rất lớn trong việc xây dựng Luật Báo chí, Quy ước về đạo đức nghề nghiệp của người làm báo Việt Nam, đưa báo chí nước ta hội nhập quốc tế mà vẫn giữ được bản sắc của mình, phục vụ sự nghiệp đổi mới. Đồng thời, với hoạt động báo chí, với công tác đối ngoại của Quốc hội, ông là nhà ngoại giao nhân dân xuất sắc giữ vững nguyên tắc đối ngoại, đường lối chính trị của Đảng, quảng bá hình ảnh, đất nước, con người Việt Nam; tăng cường sự hiểu biết, tình đoàn kết, hữu nghị với nhân dân các nước.
Sau này, ông còn giữ nhiều vị trí khác nhau như: Chủ tịch Hội Nhà báo, Bí thư Đảng đoàn của Hội hai nhiệm kỳ V và VI từ năm 1989 đến 2000; Ngoài ra, ông còn tham gia Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc từ khóa II, rồi Ủy viên Đoàn Chủ tịch Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Phó Chủ tịch Tổ chức quốc tế các Nhà báo (OIJ), Thành viên Ban lãnh đạo Liên đoàn Báo chí các nước ASEAN (CAJ)…Nghỉ hưu ở tuổi 75, ông vẫn được tín nhiệm giữ lại, tiếp tục làm Phó Chủ tịch Hội Giao lưu văn hóa Việt Nam - Nhật Bản.
Nói đến Phan Quang, người ta không chỉ biết đó là một nhà báo lớn mà còn được biết đến là một nhà văn hóa bởi hoạt động phong phú của ông trên nhiều lĩnh vực như: giáo dục, đối ngoại, văn học…Ông có nhiều tác phẩm được đánh giá cao, điển hình như tập truyện: Không khai, Hẹn cưới, Đất rừng, Một mình giữa đại dương, Chinh phục Hymalaya, Đất nước một dải, Lâm Đồng - Đà Lạt, Hạt lúa bông hoa, Đồng bằng sông Cửu Long, Quê hương, và tiếp đó là: Nghề báo nghiệp văn, Thương nhớ vẫn còn, Cho đến khi giã từ trần thế, Tầm nhìn...
Đến tác phẩm xuyên suốt cuộc đời cầm bút
Đặc biệt là mới đây cuốn sách “Bác Hồ - Người có nhiều duyên nợ với báo chí” do NXB Đại học Quốc gia Hà Nội ấn hành vào quý 1/2019 - tác phẩm thứ 53 của ông khi ông đã ngoài chín mươi tuổi. Với 35 bài báo, bài viết được lựa chọn kỹ càng, sắp đặt khéo léo ghi lại những cảm xúc chân thực, những câu chuyện có thật, đã khắc họa chân dung của Chủ tịch Hồ Chí Minh qua cách nhìn của ông đã giúp người đọc hiểu hơn về Bác Hồ, vị lãnh tụ đáng kính của dân tộc.
Trong một bài viết của mình, PGS. TS Nguyễn Hồng Vinh, nguyên Tổng Biên tập (TBT) báo Nhân dân cũng nhận xét đây là một cuốn sách có ý nghĩa lý luận - thực tiễn về báo chí, góp phần soi sáng và cổ vũ con đường phát triển đúng đắn của báo chí Việt Nam trong thời kỳ đổi mới và hội nhập quốc tế, thiết thực hướng tới kỷ niệm 95 năm Ngày Báo chí Cách mạng Việt Nam và 130 năm Ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại.
|
|
Cuốn sách “Bác Hồ - Người có nhiều duyên nợ với báo chí“ của nhà báo Phan Quang. |
Thông qua cuốn sách này, tác giả giúp chúng ta hiểu sâu hơn tài năng báo chí của Bác Hồ, thấm thía câu nói của Bác: báo chí là một mặt trận, anh chị em viết báo cũng là chiến sĩ trên mặt trận ấy. Cây bút và trang giấy là vũ khí của họ…Với rất nhiều bài viết đầy ắp tư liệu thú vị và bổ ích đối với người làm báo nước ta, như các bài: Có Bác Hồ trong mọi ngày vui; Hòa quyện vào tinh hoa văn hóa nhân loại; Cội nguồn và cống hiến; Nghĩ về bản lĩnh báo chí Việt Nam; Tờ giấy hồng điều; Người được đối phương nể trọng; Ba lần hạnh phúc của Bác Hồ; Chuyện ngài Đại sứ kể… “Thú thật, những bài này tôi đã đọc từ lâu, nhưng nay đọc lại vẫn thấy có nhiều ý mới, nhiều bài học đắt giá về nghề làm báo gian nan mà cao quý”- nhà báo Hồng Vinh chia sẻ.
Nói về tác phẩm này của mình, nhà báo Phan Quang cho biết, cuốn sách nói lên lòng kính nhớ của người viết đối với vị lãnh tụ vĩ đại, dù vậy tôi coi đây là tác phẩm xuyên suốt cuộc đời cầm bút của mình, vì từ bài đầu tiên đến bài gần đây nhất cách nhau những 65 năm, mặt khác đằng sau biểu trưng lòng biết ơn Bác Hồ nó còn là chút tâm tình của một người làm báo về cuối đời muốn sẻ chia cùng đồng nghiệp – “nói đến báo chí trước hết phải nói đến những người làm báo” (lời Bác Hồ).
Ông vẫn nhớ như in những câu nói của Bác Hồ đối với những người làm báo, “Bác Hồ đã từng căn dặn: “Nói đến báo chí, trước hết phải nói đến những người làm báo”. Đạo đức trước tiên của người làm báo là trung thành với Tổ quốc, với Đảng, vì lợi ích của nhân dân. Đến nay, lời dạy ấy của Bác vẫn còn nguyên giá trị. Luật Báo chí và quy định đạo đức nghề nghiệp người làm báo cũng chỉ rõ: “Thông tin trung thực về tình hình đất nước và thế giới phù hợp với lợi ích của đất nước và của nhân dân”. Để làm tròn sứ mệnh ấy, nhà báo phải không ngừng học tập, tu dưỡng rèn luyện phẩm chất đạo đức”.
Là người may mắn nhiều lần được gặp Bác Hồ, nhưng có một kỉ niệm khiến nhà báo Phan Quang nhớ mãi, đó là dịp Bác Hồ đến chúc Tết cán bộ, nhân viên báo Nhân dân vào sáng mùng 1 Tết Bính Thân 1956. Khi cùng nhiều đồng nghiệp tiễn Bác Hồ ra xe, là người trẻ tuổi nhất nên ông được Bác Hồ nắm tay ân cần: “Chú là phóng viên, là nhà báo, năm mới Bác chúc chú nhà báo viết cho đúng, cho hay, có nhiều người đọc”…
Lời nói tuy giản dị nhưng có lẽ, đây chính là lời động viên để ông luôn là một nhà báo vững vàng, bản lĩnh, công hiến cho sự nghiệp báo chí nước nhà. Và đây cũng là một minh chứng cho sức làm việc không ngừng nghỉ, một tình yêu nghề mạnh mẽ, bền bỉ của một nhà báo lão thành. Ông thực sự là một tấm gương lớn cho thế hệ nhà báo như chúng tôi hiện nay.