leftcenterrightdel
Nhà báo Huỳnh Dũng Nhân. 

Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, gia đình ông ở khu tập thể Hàng Trống - Báo Nhân Dân, nơi bố ông làm việc. Thời đó, Huỳnh Dũng Nhân có được những thuận lợi hơn nhiều đứa trẻ khác, được đọc nhiều sách, báo. Tuy còn nhỏ tuổi, nhưng ông đã đọc nhiều loại báo chính trị dành cho người lớn. Đó là, những thiên phóng sự dài của Thép Mới, Đỗ Quảng, Trần Đình Vân, ký sự của Nhà văn Nguyễn Tuân, Nguyễn Sinh, Nguyễn Trung Thành… Ông thầm nể phục những nhà báo, nhà văn dũng cảm xông vào nơi trận mạc để có những bài viết hay, “chụp được những tấm ảnh đẹp có khi phải đánh đổi bằng máu, mồ hôi và nước mắt”, ông tâm sự. 

Sự nghiệp cầm bút của nhà báo Huỳnh Dũng Nhân bắt đầu từ một bài văn được in trong tập sách “Nối dây cho diều” do Nhà xuất bản Kim Đồng xuất bản năm 1968. Ông chia sẻ: “Không có gì sướng bằng tác phẩm đầu tay của mình được in, bữa ấy nhận nhuận bút còn phải xin thêm tiền mẹ nữa mới đủ đi mua kem Tràng Tiền để khao bạn bè....”. Thực tế, ông đã có năng khiếu làm báo ngay từ những chuyến đi thực tập dài ngày do nhà trường tổ chức, trong lúc một số bạn cùng lớp chưa viết nổi “một cái tin”, thì sinh viên Huỳnh Dũng Nhân đã gửi cho tòa soạn báo những bài viết đầy ắp sự kiện nóng hổi bằng thể loại ghi nhanh, phóng sự... Vào thời điểm năm 1980, khi nghệ sĩ Đặng Thái Sơn đạt Giải thưởng đàn Piano quốc tế, Nhà xuất bản Kim Đồng “ngỏ ý” nhờ ông viết một cuốn sách về nghệ sĩ Đặng Thái Sơn. Mặc dù đang phải bận bịu với thi cử nhưng ông nhận lời ngay. Sau nhiều đêm thức trắng, cuốn sách “Nghệ sĩ Đặng Thái Sơn” ra đời, với dung lượng hơn 100 trang, cuốn sách không chỉ được Biên tập viên khen hay mà còn được nhiều độc giả hồ hởi đón nhận.

leftcenterrightdel
Nhà báo Huỳnh Dũng Nhân cùng sinh viên Khoa Báo chí, Trường Đại học Khoa học - Xã hội và Nhân văn tại TP. Hồ Chí Minh. Ảnh: PV 

Tháng 6/1984, sau khi tốt nghiệp Khoa Báo chí, Huỳnh Dũng Nhân có trong tay hai bằng đại học chính quy, một bằng của Khoa Ngữ văn Trường Đại học Tổng hợp TP. Hồ Chí Minh, một bằng của Trường Tuyên huấn Trung ương Hà Nội (nay là Học viện Báo chí và Tuyên truyền). Lần đầu tiên bước vào nghề báo, ông làm phóng viên báo Tuổi trẻ TP. Hồ Chí Minh. Vừa chân ướt chân ráo về tòa soạn, ông đã được phân công đi công tác tại Côn Đảo với nhiệm vụ ba ngày sau phải có bài in. Tiền công tác phí do tòa soạn cung cấp, còn đi bằng phương tiện gì để tới đích ông phải tự lo liệu. Đây là lần thử thách đầu tiên trong đời, nhưng ông đã đi và về rất đúng hẹn. Chuyến đi ấy đã giúp ông hiểu được trái tim yêu nước của người tử tù, hiểu được thế nào là nghĩa trang Hàng Dương nơi yên nghỉ của chị Võ Thị Sáu, hiểu được sức vươn lên của Côn Đảo hiện tại để đến khi ngồi vào bàn viết rân rân sức nóng trong từng con chữ.

Hơn 5 năm làm phóng viên báo Tuổi Trẻ đã giúp ông thành công và có tính chuyên nghiệp hơn trong thể loại phóng sự. Những lần được mời làm giảng viên Khoa Báo chí Trường Đại học Khoa học xã hội và Nhân văn TP. Hồ Chí Minh, nhà báo Huỳnh Dũng Nhân không nghiêng về lý luận mà thường hướng cho sinh viên những kinh nghiệm của mình trong khi chọn đề tài để viết. 

Năm 1991, Báo Lao động đã có cuộc “cách mạng” về nội dung và hình thức, với mục đích để tờ báo không khô khan nhàm chán theo “đường ray” cũ, nhà báo Huỳnh Dũng Nhân được mời về làm phóng viên đại diện cho khu vực các tỉnh phía Nam. Đây là thời kỳ ông đã tạo dấu ấn lớn trong lòng bạn đọc qua hàng loạt phóng sự…, được sự quan tâm và ủng hộ của rất nhiều bạn đọc tại các miền Bắc - Trung - Nam. Các đại lý bán báo từ TP. Hà Nội, TP. Đà Nẵng, Nha Trang đến TP. Hồ Chí Minh sáng nào cũng có nhiều người tìm mua báo Lao Động để được xem - ngẫm và bàn luận về loạt bài phóng sự của Huỳnh Dũng Nhân. Ông xem đó là phần thưởng lớn nhất, hạnh phúc lớn nhất với người cầm bút.

Không phụ lòng tin của độc giả, nhà báo Huỳnh Dũng Nhân đã dốc hết bầu nhiệt huyết của mình cho thể loại phóng sự trên Báo Lao động trong suốt 15 năm. Từ phóng sự: “Tôi đi bán tôi”,  “Chuyện ít ai để ý” ở Cần Thơ đến “Lên Mù Căng Chải ăn măng”... thể hiện lối đi riêng của ông bằng ngôn ngữ dung dị nhất nhưng đọc lên ta thấy thấm đẫm tính nhân văn, đau đáu với những nhân vật mà ông khắc họa… Có lẽ, nhờ kỹ năng giao tiếp tốt nên ở môi trường nào, hoàn cảnh nào, ông cũng khám phá và khai thác sâu những điều xã hội quan tâm. Trong nhiều bài phóng sự của nhà báo Huỳnh Dũng Nhân đăng trên báo Lao Động, có hai bài viết “Người đẹp trên mây” và “Kính thưa ô sin” đã được các đạo diễn chuyển tải thành phim truyền hình dài tập phát sóng trong thời gian qua.

Sau đó, nhà báo Huỳnh Dũng Nhân được điều chuyển về làm Tổng Biên tập Tạp chí Nghề báo TP. Hồ Chí Minh. Tuy không làm phóng viên nữa nhưng người ta vẫn khâm phục ở ông đức tính sôi nổi, yêu đời… Hiện tại, ông luôn quan tâm và truyền kinh nghiệm nghề cho sinh viên và những nhà báo trẻ. Ông đã cho ra đời cuốn cẩm nang về phóng sự, giúp cho những ai đam mê nghề báo có thêm những kinh nghiệm và lời khuyên về thể loại này. Cuốn giáo trình “Để viết phóng sự thành công” của nhà báo Huỳnh Dũng Nhân, vừa được ra mắt đã được đánh giá là cuốn sách quý cho đồng nghiệp, cũng như các bạn trẻ đang và sẽ theo học ngành Báo chí. Cuốn giáo trình là sự chắt lọc, trải nghiệm sâu sắc trong suốt cuộc đời làm báo của nhà báo Huỳnh Dũng Nhân mà ông mong muốn được chia sẻ với đồng nghiệp trẻ. Ngoài ra, ông cũng đã xuất bản cuốn “Phóng sự, từ giảng đường đến trang viết”, cuốn sách cũng là hành trang quý báu dành cho sinh viên báo chí. 

leftcenterrightdel
Hai trong số những tác phẩm đã xuất bản của Nhà báo Huỳnh Dũng Nhân.

Thực tế, Huỳnh Dũng Nhân không chỉ được biết đến là nhà báo mà còn là một nhà văn, nhà thơ, nhà lý luận báo chí. Với 15 cuốn sách đã xuất bản đánh dấu một niềm đam mê, sự lao động nghiêm túc của một người dành cả đời theo nghiệp báo. Các loạt bài phóng sự của ông đã nổi tiếng với cái “tôi” khó lẫn, một cái “tôi” đầy tính nhân văn, khao khát, cháy bỏng tình yêu với cuộc đời. Cứ mỗi khi đứng trên bục giảng, ông thường nói với sinh viên của mình: “Tôi dạy các môn phóng sự điều tra, lao động phóng viên, phỏng vấn, ký ức chân dung... chứ không dạy môn đạo đức báo chí, truyền thông. Tuy nhiên, vấn đề đạo đức của nghề và người làm nghề không bao giờ thiếu vắng trong các bài giảng của tôi. Vì muốn hay không, những ví dụ tôi dẫn giải về tác nghiệp của phóng viên luôn luôn có dấu ấn của cái tâm, cái tầm, luôn mang sự lựa chọn và quyết định của người làm báo”.

Phi Sơn