(BVPL) - Tốt nghiệp Khoa Văn Trường Trung cấp sư phạm Thái Bình với tấm bằng khá, ông Hoàng Thúc Thắng (ảnh bên) chưa kịp bước lên bục giảng thì cuộc chiến tranh phá hoại của Đế quốc Mỹ đã lan ra phạm vi cả nước.

 


Ra trường tháng 8 thì tháng 9/1964, ông Thắng đã gia nhập lực lượng TNXP chống Mỹ cứu nước. Tham gia nhiều đơn vị, trải qua nhiều chiến trường khác nhau cho đến khi giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước 6 tháng sau ông mới “hồi hương” và được nhận vào công tác tại VKSND thị xã Thái Bình.

Trải qua các chức vụ như Phó Viện trưởng VKSND thị xã, Phó Trưởng phòng, rồi Trưởng phòng Kiểm sát xét xử hình sự (VKSND tỉnh Thái Bình), tháng 8/2005, ông được nghỉ hưu sau 41 năm liên tục tham gia công tác.

Có rất nhiều kỷ niệm trong công tác kiểm sát, nhất là thời kỳ ông được cử giữ chức vụ Trưởng phòng KSXX hình sự, tham gia giải quyết các vụ án “điểm nóng” khiếu kiện đông người các năm từ 1997 đến 2000,  nhưng ông không kể nhiều về thành tích công tác đã qua, mà chỉ đề cập đến những công việc hiện tại mà mình đang tham gia.

Ông nói: Ngay sau khi nghỉ hưu, mình đã tham gia rất nhiều Hội khác nhau như: Hội Cựu TNXP tỉnh Thái Bình, Hội Luật gia tỉnh Thái Bình, Hội khoa học tâm lý giáo dục Việt Nam, Câu lạc bộ thơ Việt Nam – Câu lạc bộ thơ Đường Luật Việt Nam…

Tôi hơi ngạc nhiên khi nghe ông nói điều này, bởi là hội viên tích cực của Hội thơ Đường Việt Nam, lẽ dĩ nhiên, ông phải là nhà thơ. Tôi hỏi: “Ngày còn chung cơ quan, có khi nào em thấy anh làm thơ hay đọc thơ cho mọi người nghe đâu?”. Ông nhìn tôi cười rất “hóm”, rồi bảo: “Các chú thì đâu có để ý đến “lão già” này! Tôi làm thơ lâu rồi, ngay từ khi còn là bộ đội của Mặt trận Thừa Thiên - Huế tôi đã có thơ đăng báo!”.

Ông cho biết, tính sơ sơ đến nay, ông cũng đã có đến vài trăm bài thơ làm theo các thể loại khác nhau nhưng nhiều nhất vẫn là thơ Đường luật và có đến cả trăm bài đã được đăng báo, in thành sách.

Trong đợt kỷ niệm 1000 năm Thăng Long - Hà Nội, thơ ông có ba bài được in trong Tuyển tập 999 tác giả thơ đương đại do Nhà xuất bản Lao động phối hợp với Câu lạc bộ sáng tác VHNT Việt Nam xuất bản đó là các bài “Động Phong Nha”; “Phong đạo nữ nhi” và “Ơn thầy”.

Ông kể tiếp: Năm ngoái, bài thơ “Đình làng quê ta” của ông đã được khắc trên bức hoành sơn son thếp vàng đem về thờ phụng tại đình làng Xuân La,  xã Thái Phương, huyện Hưng Hà (quê của ông).

“Đình làng Xuân La” cũng chính là nơi thờ phụng cụ Hoàng nghị đại vương, thân phụ Thái sư Trần Thủ Độ, người có công khởi nghiệp Nhà Trần vào đầu thế kỷ thứ 12 (khoảng năm 1225).

Quả thực “Đình làng quê ta” là bài thơ Đường chuẩn cả về niêm luật lẫn ngữ nghĩa khi Hoàng Thúc Thắng viết về quê hương, về nguồn cội của mình: “Cong cong mái ngói đình Xuân La/Danh thắng quê hương cảnh thái hoà/Rồng cuốn hai bên chầu mặt nguyệt/Hổ phù bốn góc giữ hồn hoa/Thành hoàng linh ứng phù dân chúng/Bia đá oai phong khắc sử nhà/Lễ hội tưng bừng ngày kị thánh/Cầu ban phúc lộc đẳng hà sa”.    

Viết về đề tài này, ông còn nhiều bài thơ hay khác như: Bài “Quê ngoại” đậm chất hương đồng cỏ nội, ở đó có hoa bưởi, hoa cau, đồng dâu, né kén... Hay như bài “Hình bóng quê nhà” lại hiện ra những cây đa, giếng nước, miếu, chùa, đền… Ẩn sâu trong đó là cả một tấm lòng với sự tri ân thầm lặng của ông: “Giếng ngọc đình làng soi bóng nghiêng/Cây đa, bến nước, miếu, chùa, đền/Quê cha đất tổ tri ân lắm/Nghĩa trọng tình thâm ân nặng nhiều”.

Thơ Đường là thể thơ khó sáng tác bởi sự đòi hỏi niêm luật chặt chẽ và rất khó để đạt đến độ hay nhưng viết về mảng đề tài này, Hoàng Thúc Thắng trong bài “Thu tình hương quê” đã vượt qua được hai cái khó đó. Tôi thích những câu: “Sen tàn lác đác cúc đơm hoa/Khóm trúc trao đưa mình với ta/Bóng ngả tà dương sương lả tả/Ban mai nắng tỏa họa mi ca… Bóng nguyệt diệu huyền sao sáng lóa/Dáng quê thon thả nét hào hoa”.

Đã từng “xẻ dọc Trường Sơn đi cứu nước” vào chiến đấu ở mặt trận Thừa Thiên - Huế, thăm lại chiến trường xưa, Hoàng Thúc Thắng bỗng thấy bâng khuâng nhớ cảnh: “Màn trời chiếu đất đầy gieo neo/Trường Sơn ngàn dặm đường bao nẻo/Muỗi vắt mưa rừng, trăng khuyết treo /Đèo núi trập trùng nương, bản nhớ/Nước non hùng vĩ bình minh reo” (bài “Vương vấn”)…

Cuộc sống hôm nay vẫn còn đó với biết bao bộn bề, toan tính, nhưng với tinh thần người lính năm xưa đã  “Xung trận, xông pha ra tuyến lửa/Diệt thù, phá bốt chiến công reo…”  thì nhiệm vụ hôm nay trong suy nghĩ của ông, việc chống đói nghèo cũng là trận địa của người lính (bài “Ngày ấy bây giờ”).

Bên cạnh những bài thơ ca ngợi quê hương, đất nước, thơ của ông còn là sự ca ngợi, tôn vinh những điều tốt đẹp trong cuộc sống hôm nay.

Bài “Nghề cao quý” ca ngợi người giáo viên nhân dân có những câu rất hay: “Nhất nghệ thân vinh tích tinh hoa/Trường lớp, học trò, đồng nghiệp, ta/Thầy giáo lao tâm truyền trí thức/Giảng đường dưỡng dục đức nhân hòa/“Nhất tự vi sư…” ân nghĩa nặng/ “Tôn sư trọng đạo” người, đời ca”.

Cũng là ca ngợi nhà giáo trong bài “Nhớ ơn thầy”, ông có cách khai thác khác: “Một thời vẫn nhớ đất Hồng An/Trở lại quê hương cảm ngập tràn/Họp mặt đồng môn lòng thắm thiết/ Ôm tay sư phụ dạ hân hoan/Trồng người cần mẫn trao năm tháng/Lượm trái thơm lừng tặng thế gian/“Nhất tự vi sư” ân nghĩa nặng/Đường thi nay tứ, gửi thi đàn”.

Viết về người phụ nữ trong bài “Phong đạo nữ nhi”, ông có câu: “Dịu dàng điềm đạm nét xuân tươi/Nhã nhặn khiêm cung dịu ngọt lời… /Công dung ngôn hạnh luôn ngời sáng/Tín nghĩa chí nhân mãi tuyệt vời/Trung hậu đảm đang phong đạo nữ/Thế gian tôn kính nhất trên đời…” để ca ngợi người phụ nữ Việt Nam. Hình ảnh người phụ nữ ông nhắc đến trong bài thơ trên cũng chính là dáng dấp người bạn đời mình - chị Vũ Thị Tấn một cựu TNXP ngày nào đã cùng ông chia ngọt sẻ bùi trong suốt mấy chục năm qua.

Ai đó đã từng viết: “… Người trăm tuổi/Nhưng thơ thì không tuổi!”. Về hưu, chính thức bước vào làng thi ca, ông Hoàng Thúc Thắng, cựu cán bộ Kiểm sát đã ở tuổi sáu mươi, cái tuổi “lục thập như thiên cổ” nhưng với ông, làm thơ, giao lưu xướng họa cùng bạn bè đã khiến ông như trẻ lại và cho ra đời những bài thơ hay.

Năm mới về chúc ông thêm nhiều sức khoẻ, để tiếp tục có thêm nhiều tác phẩm hay, làm đẹp cho đời.

 

Nam Hồng

.