Tôn kính tổ tiên
Năm nào cũng vậy, cứ đến những ngày đầu tháng Chạp, người đồng bào Dao tại xã Cư Suê (huyện Cư M’gar, tỉnh Đắk Lắk) lại rộn ràng chuẩn bị đón Tết với nhiều phong tục vô cùng độc đáo, mang dấu ấn riêng của dân tộc mình. Để hiểu hơn về nét văn hóa Tết của người Dao, chúng tôi tìm đến nhà bà Bàn Thị Lan (53 tuổi), Bí thư Chi bộ thôn 3, xã Cư Suê.
|
|
Thiếu nữ Dao trong trang phục truyền thống. |
Hướng ánh mắt về phía bàn thờ gia tiên của gia đình, bà Lan cho biết, người Dao bắt đầu cúng Tết từ mùng 2 tháng Chạp tại nhà thờ tổ của mỗi dòng họ hay còn gọi là cúng tất niên. Để chuẩn bị cho lễ cúng tất niên tại nhà thờ tổ, mọi người trong dòng họ phải chuẩn bị các nghi lễ vật như: gà (là lễ vật bắt buộc phải có), thịt heo, cơm, bánh tét.
Theo phong tục của người Dao, trong ngày cúng tất niên tại nhà thờ tổ buộc phải có bánh dày. Bánh dày tượng trưng cho trời, được làm từ gạo nếp nấu chín, giã nhuyễn mịn, nặn thành hình tròn bẹp, rồi rắc vừng đều trên bề mặt. Khi ăn có vị dẻo thơm, thanh mát, đậm đà.
|
|
Chị em phụ nữ Dao đỏ làm bánh truyền thống- bánh lưng gù. |
Sau khi chuẩn bị xong lễ vật, anh em trong dòng họ người Dao sẽ thống nhất chọn một ngày đẹp để làm lễ. Đồng thời, mời thầy về cúng tất niên tại nhà thờ tổ. “Theo tục lệ, mỗi dòng họ của người Dao có 2 ngày kỵ trong tháng không được làm lễ. Do đó, mọi người sau khi bàn bạc, sẽ thống nhất một ngày phù hợp trong tháng 12 để cúng tất niên.
Kết thúc lễ cúng, mọi người trong dòng họ sẽ quây quần bên nhau để cùng ăn bữa cơm cuối năm”.
Bà Lan còn chia sẻ thêm: “Với người Dao, chỉ có đàn ông mới được hành nghề thầy cúng. Theo đó, thanh niên từ 18 tuổi trở lên phải đi học cúng nhưng không phải ai cũng học được. Chỉ có những người yêu nghề, chịu khó mới học được thành nghề thầy cúng”.
Khi đã hoàn tất nghi lễ cúng tất niên ở nhà thờ tổ, mỗi gia đình người Dao mới được phép làm lễ cúng ông bà, cha mẹ tại nhà riêng. Từ 27 tháng Chạp, ngoài việc gói bánh, làm thịt heo, gà... để chuẩn bị đón năm mới, những ngày cuối năm cũ người đàn ông có vị trí cao nhất trong đình sẽ trang trí nhà cửa. Đặc biệt, trước ngày 30 Tết, người Dao phải chuẩn bị các chữ nho làm bằng giấy đỏ để dán lên các cửa ra vào, bàn thờ và tất cả các vật dụng trong gia đình để báo hiệu Tết đến, Xuân về.
Những điều cấm kỵ trong ngày Tết
Đêm 30 Tết, mỗi gia đình người Dao sẽ quây quần bên nhau để cùng ăn bữa cơm sum họp sau một năm làm việc vất vả. Đây được xem là bữa cơm ấm cúng, đầy đủ các thành viên trong gia đình nhất. Không chỉ vậy, người Dao còn bắt buộc, tất cả mọi người trong gia đình không được đi chơi quá 12 giờ trong đêm giao thừa. Bởi nếu ai đi quá giờ này thì vô tình đã mang hết lộc cho người khác và mang điềm xui xẻo về nhà khiến gia đình cả năm không làm ăn được.
|
|
Phụ nữ người Dao diện trang phục truyền thống trong các ngày Lễ, Hội. |
Vào thời khắc giao thừa và sáng mùng một Tết, thanh niên và đàn ông trong dòng họ có nhiệm vụ mang gà, rượu lên nhà thờ tổ để thắp hương. Riêng phụ nữ Dao không được phép đến nhà thờ tổ trong những thời gian này, càng không được thắp hương tại nhà thờ tổ, cũng như tại bàn thờ của gia đình. “Người Dao quan niệm, nhà thờ tổ hay bàn thờ là nơi linh thiêng, nếu phụ nữ mà đến gần sẽ không mang lại điều tốt lành cho gia đình” - bà Lan cho hay.
Bên cạnh đó, người Dao cũng có tục xông đất như người Kinh, họ đón khách xông nhà bằng 6 chén rượu. Sau khi rót 4 chén đầu, chủ và khách cùng uống để cầu chúc những điều tốt lành sẽ đến trong năm mới, tiếp đó rót 2 chén còn lại để chúc nhau sức khỏe. Từ ngày mùng hai trở đi, già trẻ, gái, trai mặc những bộ trang phục truyền thống nô nức đi vui xuân. Theo đó, mọi người tề tựu đến nơi tập trung sinh hoạt cộng đồng để nhảy múa và chơi các trò chơi dân gian như: đánh quay, ném còn, kéo co... Họ hát cho nhau nghe những làn điệu giao duyên đặc sắc, thể hiện sự giao hòa giữa con người và đất trời.
Điều đặc biệt hơn là, trong 3 ngày Tết, các gia đình người Dao kiêng không quét nhà, không giặt giũ, không sử dụng cối, chày…để cả năm không gặp xui xẻo. Bà Lan tâm sự: “Nếu trường hợp thấy nhà bẩn quá, gia chủ chỉ được quét vào một góc trong nhà, chứ không được đưa rác ra khỏi nhà bởi làm như vậy thì của cải, gia tài sẽ đi hết. Ngoài những nét văn hóa độc đáo ngày Tết, người Dao còn được biết đến với lễ cấp sắc (hay còn gọi là lễ trưởng thành) diễn ra trong 1 ngày 1 đêm. Và, chỉ có đàn ông mới được làm lễ cấp sắc. Theo đó, đàn ông người Dao từ 18 tuổi trở lên sẽ được làm lễ cấp sắc vào thời điểm thích hợp trong cuộc đời... Sau lễ cấp sắc, người đàn ông Dao sẽ được cấp từ 7 đến 12 đèn, mỗi cấp bậc thể hiện ý nghĩa và trình độ khác nhau. Thông qua nghi lễ đặc biệt này, người Dao răn dạy con cháu hướng về nguồn cội, kính trọng người trên, tránh xa cái xấu, không làm điều ác, không tham lam, sống chân thật,…
Để chuẩn bị cho lễ cấp sắc, người dao phải chuẩn bị 3 con heo, hàng chục còn gà và nhiều lễ vật khác. Theo bà Lan, kinh phí để làm lễ cấp sắc có thể lên đến hàng chục triệu đồng. Do đó, ngoài kinh phí mà người được làm lễ cấp sắc phải chuẩn bị thì anh, em trong dòng họ sẽ phải cùng nhau đóng góp mới đủ tiền thực hiện. Do đó, nếu không có điều kiện kinh tế và anh, em trong dòng họ không đoàn kết thì người trong họ sẽ không thể làm lễ cấp sắc.
Bà Phạm Thị Thu, Phó Chủ tịch UBND xã Cư Suê (huyện Cư M’gar) cho biết, người Dao trên địa bàn xã di cư từ các tỉnh phía Bắc vào từ năm 1980, định cư tập trung tại thôn 3, thôn 5 và thôn Ea Mô, đến nay có 417 hộ, 1.793 nhân khẩu. Sống trên vùng đất mới, người Dao rất chăm chỉ, chịu khó làm ăn, khai hoang làm rẫy và không ngừng học hỏi kinh nghiệm sản xuất, các dòng họ thi đua nhau sản xuất, làm ăn kinh tế. Do đó, so với các dân tộc thiểu số khác, kinh tế của người Dao trên địa bàn vững hơn. Đặc biệt, người Dao có tinh thần đoàn kết rất cao và đến nay vẫn giữ nguyên vẹn những nét văn hóa truyền thống của dân tộc mình, nhất là trong dịp Tết đến, Xuân về”.