Tết mừng lúa mới của người M’Nông
Hằng năm, khi năm cũ sắp hết, năm mới đang đến, khi lúa đã về kho, mùa màng đã thu hoạch xong, người dân trong buôn Jiê Yúk (xã Đắk Phơi, huyện Lắk, tỉnh Đắk Lắk) lại cùng nhau tổ chức Tết mừng lúa mới (hay còn gọi là Lễ cúng lúa mới). Đây cũng là phong tục lâu đời của các dân tộc sống trên dãy Trường Sơn nói chung và người M’Nông nói riêng với ý nghĩa tôn vinh hạt thóc và cầu mong mưa thuận, gió hòa, mùa màng bội thu, gia đình sung túc.
|
|
Thầy cúng thay mặt gia chủ đọc lời khấn cảm tạ thần linh trong Tết mừng lúa mới. |
Trước khi tổ chức Tết mừng lúa mới, mỗi gia đình người dân M’Nông trong buôn Jiê Yúk lại tất bật đi chuẩn bị các lễ vật gồm: kho lúa, cây nêu, 3 ché rượu cần, 1 con gà, 1 con heo, bếp lửa,… các đồ dùng hằng ngày và dụng cụ lao động sản xuất, các giống lúa, hạt giống được thu hoạch từ trên nương rẫy. Với những lễ vật này, gia chủ phải có thời gian chuẩn bị rất kỳ công, nếu cúng nhỏ thì chuẩn bị trong vòng 1 tuần, cúng lớn thì phải mất hàng tháng. Cứ thế, mỗi thành viên trong nhà đều được phân công nhiệm vụ cụ thể để chuẩn bị cho Tết mừng lúa mới. Theo đó, con trai sẽ đảm nhận việc bắt heo, gà và làm thịt, con gái nấu cơm, lột măng, giã bột gạo.
Sau khi lễ vật đã được chuẩn bị đầy đủ, thầy cúng, gia chủ và những người dân đến tham dự sẽ tiến hành nghi thức cúng thần linh được diễn ra trước cây nêu. Trong quan niệm của người M’Nông, thần lúa là linh hồn của mọi vật. Vì thế, ngay sau đó là lễ cúng lúa mới và cúng sức khỏe cho già làng ngay tại kho lúa.
Tại đây, già làng đưa cho thầy cúng con gà. Vừa cắt tiết gà, thầy cúng vừa đọc lời khấn: “Hỡi các thần! Hôm nay, mùa màng đã thu hoạch xong, chúng tôi gọi hồn lúa khắp nơi hãy về kho, về với gia đình, buôn làng cùng ăn, cùng uống rượu mừng. Tháng 2, tháng 3 lúa nằm dưới gốc le, mọc dưới bụi cỏ. Tháng 7, tháng 8 lúa chín ở trên nương rẫy. Tháng 9, tháng 10 lúa hãy về kho của gia đình. Sau này, khi nấu trong nồi được nhiều cơm, ăn mãi không hết. Mong thần phù hộ, xua đuổi con thú không phá hoại mùa màng, tất cả cây lúa nảy mầm tốt đều, cây trồng lớn nhanh để lấn át đám cỏ, cây ngoài rẫy kia”….
|
|
Nghi thức cúng thần linh tại cây nêu trong Lễ mừng lúa mới. |
Kết thúc phần cúng, chủ nhà mời thầy cúng uống rượu cần để cảm ơn thầy cúng đã mời các thần linh về chứng giám Tết mừng lúa mới. Lúc này, già làng đổ rượu cần vào kho lúa, cho rượu chảy từ sàn kho lúa xuống và phía dưới sàn kho.
Ở phía dưới kho, gia chủ sẽ mời một người phụ nữ có uy tín trong dòng họ, đưa chén cơm có thịt heo, gà để hứng rượu từ kho lúa chảy xuống với ý nghĩa cầu mong thần linh phù hộ cho già làng, lúa thóc đầy kho, ngô khoai đầy nhà… Tiếp đó, già làng bôi huyết gà pha với rượu quét lên tất cả các vật dụng trong nhà và bôi lên cổ các thành viên trong gia đình để cầu chúc cho mọi người sức khỏe, gia đình hạnh phúc, mùa màng bội thu…
Kết thúc lễ cúng, thầy cúng mời gia chủ và mọi người cùng ăn, cùng uống rượu và cùng chúc nhau mùa lúa mới bội thu, tràn ngập niềm vui… cùng tiếng cồng chiêng và những điệu múa, câu hát của dân tộc mình.
Món canh độc đáo của người Êđê trong ngày Tết
Một trong những nét độc đáo ở Tết truyền thống của người đồng bào Êđê tại tỉnh Đắk Lắk nói riêng và Tây Nguyên nói chung là món canh bột lá yao. Để hiểu hơn về món canh riêng có này, chúng tôi tìm đến buôn Cuôr Đăng (xã Cuôr Đăng B, huyện Cư M’Gar, tỉnh Đắk Lắk).
Khi chúng tôi hỏi về nguồn gốc của món canh bột lá yao, ông Y Prênh Ayun (trú tại Cuôr Đăng B) cười và nói, không một ai biết rõ món ăn này có từ khi nào, chỉ biết rằng cứ mỗi khi Tết đến Xuân về, người Êđê lại nấu món canh này. Khi ăn canh bột lá yao, mọi người sẽ cảm nhận chút vị đắng của cà, vị cay của ớt, vị sệt sệt của nước canh, vị beo béo của thịt bở và cả mùi thơm dịu của lá yao (một loại lá rừng có vị ngọt, mùi thơm, hình dáng giống lá trầu không). Vì vậy, ai đã từng ăn món canh này đều không thể quên được hương vị của nó.
Để nấu canh bột lá yao, người Êđê chuẩn bị rất nhiều nguyên liệu như: thịt/xương heo hoặc vếch bò (phần đầu ruột non của bò), cây môn thục, cà đắng phơi khô, đu đủ xanh, gạo, lá yao, lõi chuối, củ nén, muối, ớt, bột ngọt.
Trước khi nấu, người Êđê bỏ gạo vào ngâm rồi vớt ra để ráo nước, sau đó giã chung với lá yao cho tới khi thành bột mịn đều. Thịt/xương được ướp gia vị. Các nguyên liệu khác như: đu đủ, cây môn thục, lõi chuối được làm sẵn trước khi nấu. Việc chuẩn bị này được những người phụ nữ trong gia đình thực hiện.
|
|
Bữa cơm ngày Tết của người Êđê ấm tình yêu thương khi có món canh bột lá yao. |
Sau khi đã chuẩn bị xong các nguyên liệu, người Êđê xào xương, sau đó bỏ đu đủ, lõi chuối, môn thục, cà đắng vào xào chung rồi bỏ nước vào nồi canh. Đợi cho đến khi nước sôi, người Êđê sẽ chắt nước từ hỗn hợp bột gạo với lá yao đã giã nát để bỏ vào nồi canh rồi nêm các gia vị để có một món canh bột lá yao nóng hổi, thơm phức.
Theo chị H’Linh Ayun (trú tại buôn Cuôr Đăng B), nguyên liệu quan trọng nhất của món canh bột lá yao là bột gạo và lá yao. Trong đó, bột gạo dùng để tạo độ sệt cho món canh. Lá yao thơm, có vị ngọt. Lá yao chỉ có ở trên rẫy, trong rừng nên để nấu món canh này, những người phụ nữ Êđê phải đi hái lá yao từ sáng sớm hoặc từ chiều hôm trước. Lá được chọn hái là những lá vừa già tới, có màu xanh đậm, không dùng lá non vì khi nấu món canh sẽ không có được màu xanh đẹp mắt.
Mặt khác, khi nấu canh bột lá yao, người nấu phải khuấy đều tay và canh lửa để tránh món canh bị đặc và khét. Khi ăn, canh bột lá yao thường được ăn kèm với cơm, cùng với các món ăn truyền thống khác của người Êđê như: cà đắng giã muối ớt, đu đủ giã kiến vàng, lá mì (sắn) xào, xôi nếp hấp…
Canh bột lá yao có ý nghĩa rất quan trọng đối với người Êđê trong ngày Tết. Đó là một món ăn được yêu thích trong gia đình, khiến cho những người con đi xa nhà lâu ngày luôn háo hức, mong được trở về quây quần bên gia đình để được thưởng thức món canh và những hương vị đặc trưng khác sau một năm dài lao động vất vả. Chính vì thế, mỗi người Êđê đều có tình cảm rất đặc biệt với món ăn này.