|
|
Không khí rộn ràng đón Năm mới Kỷ Hợi 2019 của người dân Thủ đô Hà Nội và du khách nước ngoài tại khu vực hồ Hoàn Kiếm. Ảnh: Thành Đạt - TTXVN |
Đó chính là nét đẹp văn hóa của người Việt từ bao đời nay và thực sự có ý nghĩa về giá trị tinh thần trong những ngày đầu năm mới.
Xưa, các cụ có câu “Mùng một Tết cha, mùng hai Tết mẹ, mùng ba Tết thầy” cho thấy lễ nghi người Việt coi trọng việc chúc Tết đầu năm. Bởi, mùng Một là ngày đầu tiên của dịp Tết, mọi người thường hướng về tiên tổ nội tộc, thành kính dâng hương ban thờ tổ, chúc Tết ông bà, bố mẹ, các thành viên trong gia đình bên nội.
Mùng hai là ngày vợ chồng, con cái về bên ngoại chúc Tết để đoàn tụ với gia đình, dành tặng mọi người những lời chúc may mắn, hỏi thăm sức khỏe, việc làm trong năm qua. Mùng ba dành để chúc Tết người đã dạy dỗ mình, cho những trí tuệ và nền móng để người ta bước vào đời.
Đây đều là những người quan trọng nhất đối với cuộc sống và sự nghiệp mỗi người buộc họ phải ghi nhớ công ơn, tri ân, chúc Tết trong những ngày đầu năm mới. Khi đi chúc Tết, trang phục phải chỉnh tề, nam thường mặc áo chùng, khăn xếp; nữ mặc áo dài, tóc vấn gọn gàng; trẻ nhỏ áo quần tinh tươm.
Có nhà nghiên cứu văn hóa dân gian kể rằng, thời xưa vào sáng mùng một Tết người lớn thường chúc Tết ba nhà: Nhà nội, nhà ngoại và nhà thầy. Còn trẻ con, nhất là vùng nông thôn thường đi một đoàn khắp cả làng, tay cầm ống tre cho vài đồng xu vào đó, vừa đi vừa xúc xắc, đến từng nhà hát các bài hát đồng dao để chúc những lời tốt đẹp: “Chúc ông mạnh khỏe”, “chúc bà nhiều con cháu”… Có nghĩa chúc Tết ngày xưa mang tính cộng đồng rất cao.
Còn ngày nay, qua bao thăng trầm của lịch sử song văn hóa chúc Tết đầu năm vẫn được người Việt gìn giữ, trân trọng. Tuy vậy, phong tục truyền thống này có thay đổi so với trước và thường gói gọn trong từng gia đình, từng dòng họ. Với việc chúc Tết thầy, nhiều người vẫn giữ thói quen đó nhưng không phải là lễ nghi bắt buộc như thời xưa.
Chúc Tết cũng không chỉ diễn ra vào mùng 1 Tết mà ngay đêm Giao thừa, sau khi hoàn tất lễ cúng sang canh thì ông bà, con cháu quây quần bên nhau cùng cụng ly rượu vang, uống chén trà nóng và giành cho nhau lời chúc tốt đẹp.
Ông bà mừng tuổi cho các con cháu những phong bao lì xì màu đỏ để được may mắn, con cháu cũng mừng tuổi ông bà với lời chúc mạnh khỏe, trường thọ. Mọi người cùng chuyện trò vui vẻ bên khay mứt Tết, đón xem chương trình Chào Xuân trên sóng truyền hình.
Sau khi chúc Tết, nhiều người còn ra chùa lễ Phật để đón giờ phút thiêng liêng khi đất trời vừa bước sang năm mới, cầu mong năm mới nhiều may mắn.
Sáng mùng một Tết, ngày mở đầu cho một năm mới tràn đầy những kỳ vọng, vì thế những lời chúc Tết càng trở nên quan trọng đối với mỗi người, mỗi gia đình. Người đến chúc Tết đầu tiên chính là người “xông đất”, thường được quan niệm mang đến sự may rủi trong suốt một năm cho gia chủ.
Nhiều gia đình cẩn trọng phải xem tuổi, xem tính cách những người họ hàng, xóm giềng để nhờ người “xông đất”. Lời chúc Tết đầu năm của người đó cũng càng trở nên có ý nghĩa cho sự bình an, may mắn, làm ăn phát đạt của gia chủ. Tất nhiên, khi đến “xông đất”, người đó cũng được tiếp đón tận tình.
Còn trong gia đình, lễ cúng gia tiên sáng mùng một kết thúc, người lớn, trẻ nhỏ đều trưng diện quần áo đẹp đi chúc Tết họ hàng nội ngoại. Tinh thần phấn chấn, niềm vui nhân lên, tiếng cười nói, chúc tụng luôn rộn rã.
Đây cũng là quãng thời gian ít ỏi để anh chị em, họ hàng thăm nom nhau, hỏi han về sức khỏe, công việc sau những tháng ngày bận rộn. Mọi người cũng gửi gắm mong ước về cuộc sống tốt đẹp theo những lời chúc dành cho người thân của mình. Việc thăm hỏi, chúc Tết có thể kéo dài tới mùng 3, mùng 4 Tết thậm chí lâu hơn nữa.
Phó Giáo sư, Tiến sĩ Đặng Văn Bài, Phó Chủ tịch Hội đồng Di sản Văn hóa Quốc gia khẳng định, chúc Tết là phong tục tập quán ý nghĩa, thể hiện mong muốn tốt đẹp của mình đến với người thân và chính là biểu hiện tình cảm giữa những người quan hệ thân thiết với nhau.
Theo ông, không có dịp nào chúc nhau mà linh nghiệm bằng chúc đầu năm vì đây là khởi đầu của một năm mới, là sự giao hòa giữa hai mùa.
Phó Giáo sư, Tiến sĩ Đặng Văn Bài cũng cho rằng, người ta phải quý nhau thực sự, phải chân thành thì khi mong ước mang đến cho người thân điều tốt đẹp thì người được chúc mới thu nhận được tình cảm đó.
Phong tục chúc Tết được khẳng định là văn hóa bản địa của người Việt, là truyền thống được người dân gìn giữ từ bao đời nay. Dù cuộc sống thay đổi, tác động ít nhiều đến phong tục này song giá trị cốt lõi vẫn không thay đổi, tiếp tục được người dân phát huy trong cuộc sống hiện tại.