Đối với nhiều người nước ngoài đã và đang sinh sống, làm việc tại Việt Nam, được sống trong không gian Tết cổ truyền của người Việt là một trong những trải nghiệm hết sức thú vị. Ở đó, họ có dịp được tận hưởng không khí nô nức, nhịp sống khẩn trương của những ngày cận Tết và đặc biệt là cảm nhận được tình cảm gắn bó của các thành viên gia đình trong những ngày Xuân sum họp.

Xuân sum vầy-gắn kết yêu thương

Lần đầu tiên được đón Tết cổ truyền của người Việt, Arseniy Zorin (người Nga), một giáo viên tại trung tâm Tiếng Anh, sinh viên Đại học Hà Nội chia sẻ: So với nước Nga, Tết Nguyên đán Việt Nam có rất nhiều điều khác biệt thú vị. Dù đã được ăn Tết của người Việt tại Nga, nhưng lần này được tận hưởng không khí đón Tết cổ truyền tại Việt Nam, Arseniy Zorin có dịp tìm hiểu sâu hơn về một nét văn hóa của Việt Nam. Ngày Tết, các thành viên trong gia đình Việt, dù đi đâu xa cũng trở về để sum họp bên nhau, thắp nén hương dâng lên bàn thờ ông bà, tổ tiên; ăn bữa cơm đoàn viên với gia đình. Sau đó, mọi người mới đi thăm họ hàng, bạn bè. Theo Arseniy Zorin, Tết ở Nga lại là dịp để gặp gỡ bạn bè, mọi người đón Tết tại các điểm vui chơi công cộng, cùng mở rượu sâm- banh chúc tụng nhau những điều tốt đẹp, chứ không có tục ở nhà để thờ cúng tổ tiên như Việt Nam.

leftcenterrightdel
Arseniy Zorin (áo cờ đỏ sao vàng, đứng, bên trái) và những người bạn.  

Anh Arseniy Zorin cũng đặc biệt thích thú với các món ăn Việt Nam ngày Tết và đặc biệt ấn tượng với món bánh chưng- “có sự giao hòa của cả trời và đất trong đó”, mà Zorin đã được tìm hiểu. Dịp Tết, mọi người mặc quần áo đẹp, đặc biệt là nhiều người mặc áo dài truyền thống rất đẹp- Zorin ấn tượng cho biết. 

Đã nhiều lần được đón Tết cổ truyền Việt Nam tại Thủ đô Hà Nội, Đại sứ Đan Mạch John Nielsen cho biết, cũng giống như các gia đình Việt Nam, đến dịp Tết, ông cũng thích mua cây quất, cành đào và vài cây cảnh để trưng bày trước cửa nhà và trong nhà. Đặc biệt, ông rất thích không khí thanh bình, tĩnh lặng của Thủ đô những ngày Tết, đó cũng là lúc ông có thể cùng những người bạn đi bộ, đạp xe thăm những điểm di tích lịch sử của Hà Nội hay đi dạo ngắm phố phường.

leftcenterrightdel
Đại sứ Đan Mạch John Nielsen đi chợ Tết tại Hà Nội. 
Ảnh: Đại sứ Đan Mạch. 

“Đan Mạch không có phong tục mừng tuổi đầu năm mới như Tết cổ truyền Việt, nhưng trong đêm trước năm mới chúng tôi cũng tụ họp gia đình hay gặp gỡ bạn bè và dành cho nhau những lời chúc, những mong muốn sẽ đạt được trong năm mới”, Đại sứ John Nielsen chia sẻ.

Tết Việt Nam theo cảm nhận của Cha Jae Il (người Hàn Quốc) đang công tác tại Công ty Garnet thì thời gian nghỉ Tết là điểm khác biệt giữa Tết Việt Nam và Hàn Quốc, vì thông thường Hàn Quốc chỉ nghỉ Tết khoảng 3-5 ngày.

Theo anh Cha Jae Il, đặc điểm nổi bật của Tết cổ truyền ở Việt Nam là dịp mọi người được đi chơi nhiều, các gia đình chuẩn bị rất nhiều đồ ăn với các loại thức ăn vô cùng phong phú. Đối với anh Cha Jae Il, món ăn độc đáo nhất trong những ngày Tết ở Việt Nam là món bánh chưng.

“Tết cũng là dịp để các gia đình sum vầy, là cơ hội tốt để các thành viên trong gia đình gặp mặt, vui chơi cùng nhau, qua đó tình cảm giữa những người thân trong gia đình thêm gắn bó. Vì vậy, trong những ngày Tết ở Việt Nam, chúng tôi rất nhớ nhà”, anh Cha Jae Il tâm sự.

“Ngày Tết, người Việt cũng thường sang thăm và chúc Tết các gia đình hàng xóm. Điều đó cho thấy người Việt Nam rất mến khách. Trong dịp Tết, tôi đặc biệt ấn tượng với bàn thờ tổ tiên của người Việt Nam, bởi bàn thờ được đặt trên cao với rất nhiều lễ vật rất trang trọng”, anh Cha Jae Il chia sẻ.

Với những người bạn “hàng xóm” của Việt Nam như Dai Yong Lin (người Trung Quốc) hay Loun Monthongsan (người Lào), đang theo học tại Đại học Hà Nội - thì ngày Tết cổ truyền của Trung Quốc, Lào hay Việt Nam, tuy có nhiều điểm tương đồng, nhưng với Dai Yong Lin và Loun Monthongsan, Tết Việt để lại ấn tượng riêng, làm nên nét văn hóa khó quên. Dai Yong Lin chia sẻ: Vào dịp Tết ở Trung Quốc, người dân còn đốt pháo rất nhiều; nhà nào cũng treo đèn lồng; các gia đình sum vầy đón Tết- nét văn hóa ấm áp, rất đẹp của người Á Đông. Tuy nhiên, với Dai Yong Lin, may mắn đã được trải nghiệm Tết 3 miền Bắc- Trung-Nam ở Việt Nam, Dai Yong Lin đặc biệt yêu thích những tập tục ngày Tết của người dân Việt Nam như: Tết ở miền Nam, người dân bày biện rất cầu kỳ mâm ngũ quả để thờ cúng tổ tiên. Ở miền Bắc, trong hầu hết gia đình, ngoài bánh chưng, thì món ăn mà Dai Yong Lin thích nhất là món canh măng hầm chân giò, rất phù hợp với thời tiết lạnh mùa Xuân…Với Loun Monthongsan, Tết té nước của Lào và Tết Nguyên đán của Việt Nam là những lễ hội rất ý nghĩa cần phải được giữ gìn. Loun Monthongsan cho biết, cô đã từng được ăn Tết cổ truyền và đã “xông đất” cho một gia đình ở Tuyên Quang. “Và năm đó, gia đình được em xông đất đã gặp rất nhiều may mắn”- Loun vui vẻ cho biết.

leftcenterrightdel

leftcenterrightdel
 Loun Monthongsan (Lào- Đại học Hà Nội) gói bánh chưng Tết với người dân làng Lệ Mật (Gia Lâm, Hà Nội) Tết Nguyên đán Kỷ Hợi 2019 

Không nên bỏ Tết cổ truyền

Trò chuyện với Phóng viên về thông tin đang gây nhiều tranh cãi, có một số ý kiến cho rằng nên bỏ Tết cổ truyền ở Việt Nam, vì có thể Tết đang kìm hãm sự phát triển kinh tế do tâm lý nghỉ ngơi, ăn chơi kéo dài của nhiều người dân..., hầu hết những người ngoại quốc khi được hỏi đều phản đối ý kiến bỏ Tết cổ truyền. Theo sinh viên Arseniy Zorin, nếu bỏ Tết sẽ không có gì tốt đẹp cả, vì đó là văn hóa, mà nét đẹp văn hóa thì quốc gia nào cũng rất cần giữ gìn. 

Nói thêm về đề xuất gộp Tết Nguyên đán và Tết Dương lịch, anh Arseniy Zorin nêu quan điểm: Không thể thay đổi như vậy. Có thể một số người cảm thấy ổn nhưng không phải ai cũng đồng tình. Điều này có thể gây chia rẽ. Tôi nghĩ tốt nhất các bạn nên giữ Tết cổ truyền.

leftcenterrightdel
 Người nước ngoài gói bánh chưng ngày Tết.

Beth Lopez - một bạn trẻ người Mỹ cho rằng: “Tôi nghĩ các bạn nên đón cả hai Tết. Đó là truyền thống tốt đẹp, giúp các bạn có thời gian tụ họp bên gia đình. Không nên bỏ Tết Nguyên đán”.

Đó là một đề xuất không khả thi. Bất kỳ quốc gia nào trên thế giới cũng cần gìn giữ truyền thống của họ để giữ được bản sắc và văn hóa, sinh viên người Trung Quốc Dai Yong Lin nói. “Gìn giữ truyền thống là một việc làm quan trọng trong bất kỳ nền văn hóa nào”.

Có thể nói, Tết là văn hóa, Tết là hy vọng, Tết là đoàn viên và cũng là dịp để mọi người cùng nhìn lại những điều đã qua, đề ra kế hoạch cho những dự định sắp đến, mong ước những điều tốt đẹp. Tết là mùa Xuân - mùa của yêu thương, hy vọng và niềm tin… Tết cổ truyền là nét đẹp ngàn đời nay của dân tộc Việt, ai đi xa cũng muốn trở về. Thiết nghĩ, trong xã hội hiện đại, hơn bao giờ hết, chúng ta cần chung tay để giữ gìn và phát huy những giá trị văn hóa tốt đẹp đó. 

An Khánh