Sau bao nỗ lực đưa các hoạt động lễ hội vào trật tự, năm 2016 này mùa hội vẫn không bình yên. Và bao nhiêu năm đi tìm câu trả lời “Vì sao lễ hội loạn?”, cuối cùng các nhà quản lý văn hóa vẫn loay hoay với cả nghìn đáp án. Văn hóa lễ hội như một dải đê với hàng trăm tổ mối, chỉ một cơn sóng là bục.


Kinh ngạc văn hóa bạ đâu cũng... cướp

Tiến sĩ Nguyễn Quốc Tuấn - Viện trưởng Viện Nghiên cứu Tôn giáo đã phải thốt lên rằng: “Thật đáng kinh ngạc với văn hóa “cướp” lộc”. Theo Tiến sĩ Nguyễn Quốc Tuấn, trước năm 1954, hội làng ở miền Bắc quy củ và trang nghiêm. Các trò diễn mang tính biểu trưng, kể cả một số hội có cảnh diễn “cướp” lấy khước các linh vật đã qua tế lễ. Còn cảnh cướp lộc bây giờ chỉ thấy sự vô tổ chức. Sự hỗn loạn của lễ hội bây giờ cho thấy một điều, nhiều người đi lễ chẳng có niềm tin tôn giáo nào cả. Họ đi lễ theo tâm lý đám đông, những ganh đua, đố kỵ… từ đó nảy sinh trò cướp giật. Ông Nguyễn Quốc Tuấn khẳng định, lỗi còn do sự thiếu giáo dục về cái thiêng - tôn giáo.

Nhà nghiên cứu văn hóa Bùi Trọng Hiền cho biết, không tránh khỏi cái cảm giác kinh hoàng khi quan sát toàn cảnh đời sống tâm linh, tín ngưỡng mỗi mùa lễ hội. Đây là bài toán quá khó cho các nhà quản lý. Lâu nay chúng ta thường kêu gọi hãy trả lại các lễ hội về cho người dân, tức những “chủ thể văn hóa”.

Thế nhưng cũng đến lúc cần xác định rõ, với hiện trạng “tín ngưỡng trí” như hiện nay, dù người dân địa phương hay chính quyền đứng ra tổ chức cũng đến vậy mà thôi. Chưa kể đến việc khái niệm “chủ thể văn hóa” ở đây nhiều khi còn không phân biệt nổi. Như hành vi thu tiền cúng sao giải hạn, bán phiếu công đức, bán sớ... cùng nhiều dịch vụ tâm linh khác ở các ngôi chùa lớn, liệu có phải do chính quyền địa phương quy định hay là chủ đích của những nhà sư trụ trì? Vấn đề này bàn đến nhạy cảm lắm bởi sự đòi hỏi một cuộc chấn hưng có tính toàn bộ ở hệ thống các cơ sở tín ngưỡng công cộng.

Trong nhiều mùa lễ hội, năm nào trước hội, trong hội, sau hội… Bộ VH-TT&DL, cơ quan quản lý Nhà nước đều đưa ra các văn bản, chỉ thị, rồi họp hành, thanh tra, kiểm tra… Số tiền xử phạt vi phạm nhiều khi lên tới cả chục tỷ đồng. Nhưng rốt cuộc các địa phương vẫn cứ “vô tư” tổ chức. Và lễ hội thì cứ “như cũ”. Có một thực tế, nhiều địa phương coi lễ hội như một nguồn thu cho ngân sách tỉnh nhà. Vì thế, hội càng lớn, càng đông thì… càng tốt. Loạn chút có sao đâu. Và thực tế phũ phàng nữa là, khi địa phương đã coi lễ hội là “nguồn thu” thì lúc ấy chuyện “thu nhỏ quy mô tổ chức” rõ ràng khó hơn hái sao trên trời…

 

Theo An ninh thủ đô

.