leftcenterrightdel
Ngày còn nhỏ, tôi thường cùng bố kết những cành hoa rực rỡ nhất.

Ký ức phẩm màu

Không nhớ nghề làm hoa giấy trong gia đình tôi có từ khi nào, chỉ biết những ngày còn thơ bé thường vào những ngày tháng cuối năm, mặt mũi, chân tay tôi lúc nào cũng lem luốc phẩm màu. Suốt từ tháng 10 cho đến chiều 30 Tết, cả nhà tôi chân tay ai cũng xanh, đỏ, vàng… Mà không chỉ gia đình tôi, mà hầu hết các gia đình trong khu tập thể Nhà máy in Nghệ Tĩnh ngày đó cũng thế. Phẩm màu bám lên áo công nhân vào nhà xưởng, bám lên tay chân bọn trẻ con khi lên lớp học.

Bố tôi cũng không biết được chính xác nghề làm hoa giấy của các gia đình công nhân Nhà máy in Nghệ Tĩnh có từ khi nào. Bởi khi bố tôi từ Hà Tĩnh ra Nghệ An làm công nhân Nhà máy in Nghệ Tĩnh (năm 1976), đã “học lỏm” được nghề làm hoa giấy này từ ông Đào Lộc- người làm hoa giấy đầu tiên ở Nghệ An. Chính nơi đây đã tác hợp cho bố mẹ tôi nên duyên chồng vợ. Vợ chồng công nhân trẻ ngày đó nghèo “rớt mồng tơi”, mỗi độ Tết về chỉ có chai rượu, hộp mứt. Trong “cái khó ló cái khôn”, sẵn có hoa tay của một người từng thi đỗ vào Trường Mỹ thuật Đông Dương, lại thêm có giấy tận dụng từ nhà máy in thải ra, bố tôi mày mò học làm hoa cắm Tết.

Lúc đầu chỉ làm vài ba cành hoa cho gia đình, hàng xóm chơi Tết. Sau thấy đẹp, lại được nhiều người động viên, bố tôi quyết định làm nhiều hơn để đưa ra chợ bán dịp Tết. Nhiều gia đình trong khu tập thể ngày đó cũng tận dụng thời gian nhàn rỗi những tháng cuối năm, học làm hoa giấy bán Tết. Cả khu tập thể Nhà máy in Nghệ Tĩnh trở thành “làng hoa Tết” từ lúc nào chẳng hay. Khách từ Thanh Hóa vào, từ Hà Tĩnh, Quảng Bình ra lấy hoa tỏa về các chợ Tết bán, xôn xao, rực rỡ cả một vùng.

“Nghệ nhân” không danh hiệu

“Làng hoa giấy” xứ Nghệ ngày đó nhiều người làm hoa giỏi, kết hoa đẹp, như: ông Đào Lộc, Lộc Hòa, Hoan Ngụ, Nhuận Tường… Nhưng làm nhiều nhất, đẹp nhất, cành hoa có hồn nhất là… bố tôi! Bố tôi là người làm sau, nhưng lại là người làm hoa nhanh, kết hoa đẹp nhất xứ Nghệ. Sau này, nhiều người quý trọng đã dành cho ông danh xưng “nghệ nhân” không danh hiệu.

Để làm được những cành hoa giấy lung linh sắc màu là cả một sự kỳ công, tỉ mỷ và khéo léo. Từ tháng 10, các nhà làm hoa đã chuẩn bị những thếp giấy trắng tinh cắt theo khuôn mẫu. Tranh thủ những buổi trưa nắng pha phẩm màu nhuộm giấy, phơi đầy sân. Cuối chiều đi làm về gom giấy xếp lại từng thếp theo các màu. Tối về tỉ mẩn kẹp hoa, cắt theo từng cánh lá, xếp lại theo từng loại hoa. Tre làm cuống hoa cũng được chọn từ những ống tre cật già, ngâm nước, luộc kỹ tránh mối mọt. Sau đó, chẻ tre thành những cuống hoa và nhuộm xanh lá cây. Đến tháng 11 Âm lịch, đám trẻ chúng tôi sau giờ học được bố mẹ phân công mở hoa. Từ những bông hoa này, qua bàn tay khéo léo của người lớn, kết thành những cành hoa rực rỡ, chờ ngày cận Tết đem ra chợ bán.

Làm hoa giấy trưng Tết ngày đó, có những nguyên tắc nhất định, như: giấy làm hoa không được để nằm dưới nền đất, cành hoa kết lên phải phải dựng ngay ngắn hoặc phần lớn được treo lên trần nhà từng lớp, tránh bụi bẩn. Bố tôi thường nói, hoa này người ta mua về trưng Tết, cắm trang trọng trên bàn thờ tổ tiên mỗi gia đình, nên mở hoa, kết cành phải tỉ mỉ, thận trọng và không được để bị bẩn. Nếu mình bấn cẩn, sẽ rất có lỗi với người đã mua hoa.

Chỉ còn trong hoài niệm

Nhà chúng tôi làm hoa giấy bán Tết gần 30 năm. Kể cả khi chia tách tỉnh Nghệ An và Hà Tĩnh (1991), chúng tôi về Hà Tĩnh sinh sống, cũng đem theo nghề hoa này về làm mỗi dịp Tết. Mãi đến năm 2008, 2009, hoa nhựa Thái Lan, hoa giấy Trung Quốc bắt đầu tràn về chiếm lĩnh các chợ quê, cùng với sự lên ngôi của hoa tươi, người dân bắt đầu ít mua, ít dùng hoa giấy. Tết năm 2009, nhà tôi quyết định… không làm hoa giấy nữa.

Những mùa Tết sau đó, là cảm giác hụt hẫng! Trong ký ức không chỉ của riêng tôi, là những sân phơi giấy màu rực rỡ xanh, đỏ, tím, vàng, là nhà nhà rộn ràng bên nhau những tháng cận Tết. Những đứa trẻ sau những giờ tan học ganh đua mở hoa. Những người lớn sau những giờ tan ca mải mê kết cành, để rồi từ ngày 15 tháng Chạp đã nô nức xuất hoa cho người dân đưa về các phiên chợ Tết. Riêng chúng tôi, háo hức theo bố mẹ ôm chổi hoa rực rỡ sắc màu ra chợ Vinh, chợ Hà Tĩnh bán. Quần áo, giày dép và đồ dùng học tập trông cậy vào những chổi hoa này.

Nhớ nhất là những đêm, cả nhà thức trắng làm hoa cho kịp phiên chợ cuối. Bố mẹ, con cái mở hoa, kết cành bên chậu than ấm cúng, đỏ hồng những nụ cười hạnh phúc. Những cành hoa trong phiên chợ cuối, thường thiếu màu vì làm vội, vì hết nguyên liệu màu, nhưng vẫn bán “đắt như tôm tươi”. Kể cả những cành hoa làm toàn bằng màu trắng vì không kịp nhuộm, vẫn được người dân dành nhau mua. Tết của gia đình tôi ngày đó, chỉ thực sự bắt đầu chuẩn bị từ chiều 30 Tết. Có những năm, tối nhọ mặt người, bố mẹ mới đạp xe chở chổi hoa trống trở về, trên ghi đông xe đạp treo lủng lẳng quần áo, dày dép mới cho 3 anh em diện Tết.

Tết này, bố tôi chuẩn bị giấy màu kết hoa sớm hơn thường lệ. Ông nói: Hoa tươi dành cho người còn sống, hoa giấy dành cho người đã khuất. Nói rồi, ông rưng rưng nhìn lên bàn thờ, nơi đó mẹ tôi đang nhìn bố tôi và anh em chúng tôi cười hiền từ. Nụ cười mẹ tôi đẹp như hoa trong những ngày Xuân đến!

Bùi Tiến