(BVPL) - Mặc dù công việc rất bận nhưng tôi đã giành thời gian đọc cuốn “Tạ Đình Đề - Những góc khuất cuộc đời” với một tâm trạng rất háo hức vì hai lý do:
 


Trước hết, toàn bộ nội dung cuốn sách thể hiện một tình cảm trân trọng, sự tâm huyết, trách nhiệm của tác giả đối với nhân vật Tạ Đình Đề. Có lẽ nó được xuất phát từ phẩm chất của một người lính Cụ Hồ, tình cảm của những người đã sống chết trong chiến tranh và xuất phát từ những trăn trở, ý thức trách nhiệm của một Kiểm sát viên với nghề kiểm sát. Bằng lối mô tả chân thực, từ ngữ giản dị, với nhiều tư liệu có thật, tác giả đã phác họa chân dung một con người đã được truyền tụng như một huyền thoại trong chiến đấu và sáng tạo, thông minh trong lao động sản xuất, xây dựng đất nước ở thời bình, nhưng lại phải chịu biết bao cay đắng hàm oan của cuộc đời. Đọc tác phẩm này tôi mới hiểu thêm nguồn gốc và cứ liệu của vở kịch “Tôi và chúng ta” của Lưu Quang Vũ. Cả vở kịch và tác phẩm “Tạ Đình Đề - Những góc khuất cuộc đời” đều có một điểm chung, đó là thể hiện hình ảnh của những con người dũng cảm dám vượt lên trên các rào cản của cơ chế, tìm kiếm những động lực cho sự đổi mới, họ là những nhân tố quan trọng góp phần thúc đẩy quá trình đổi mới về kinh tế, xã hội của đất nước ta.

Tác phẩm đã cho chúng ta thấy những phẩm chất, những yếu tố rất cần có của một người lãnh đạo trong bất kỳ thời đại nào và đặc biệt cần trong giai đoạn hiện nay, đó là: nhân cách, bản lĩnh, trách nhiệm của một người đứng đầu; tư duy dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm để tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc, đưa đơn vị phát triển, nâng cao đời sống của người lao động; biết thu phục, trọng dụng người tài vì công việc, và đặc biệt là sự bao dung, vị tha (mặc dù là 2 lần bị bắt giam oan hơn 4 năm trời nhưng khi ốm nặng sắp về với tiên tổ, Tạ Đình Đề không muốn đặt vấn đề yêu cầu đòi bồi thường). Tấm lòng của ông thật cao quý và đáng trân trọng, bởi vì tôi cũng là người chịu trách nhiệm giải quyết bồi thường cho những vụ án oan sai của các thế hệ đi trước, tôi hiểu rõ hơn ai hết những giá trị của vấn đề này.

Với chúng tôi, tác phẩm không chỉ là một câu chuyện về cuộc đời đắng cay của một con người tài hoa, mà nó còn chứa đựng những bài học quý cho những người làm nghề tư pháp (những Điều tra viên, Kiểm sát viên, Thẩm phán). Thật cảm phục những con người như Thẩm phán Phùng Lê Chân, Chủ tọa xét xử vụ án Tạ Đình Đề vào năm 1976 và Viện trưởng Trần Lê, Trần Quyết; Vụ trưởng Lê Mai; Kiểm sát viên Dương Thanh Biểu… những người giải quyết vụ án thứ hai vào những năm 1986 - 1989, là những người đã vượt qua bao nhiêu khó khăn, với bản lĩnh, trách nhiệm, vì sự thật và lẽ phải để tuyên bố vô tội và đình chỉ điều tra với Tạ Đình Đề về những tội danh hết sức nghiêm trọng không chỉ ở những thời điểm đó mà còn được coi là đặc biệt nghiêm trọng và nhạy cảm ở cả thời điểm này (tội tham ô, cố ý làm trái, nhận hối lộ; tuyên truyền chống chế độ xã hội chủ nghĩa). Là người làm nghề kiểm sát, tôi hiểu rõ những khó khăn, áp lực đối với những người chịu trách nhiệm giải quyết 02 vụ án của Tạ Đình Đề. Với những tội danh như vậy trong một bối cảnh của đất nước và nền tư pháp vừa đi qua hai cuộc chiến tranh, sự cứng nhắc và nặng nề trong tư duy chính trị, tư duy pháp lý đang còn hằn sâu trong mỗi con người, mà có Thẩm phán dám tuyên bố một bản án với nhiều người không phạm nhiều tội danh cực kỳ nghiêm trọng. Chúng ta thật thán phục bản lĩnh nghề nghiệp của Thẩm phán Phùng Lê Chân, tôi không hiểu bà làm cách nào để vượt qua các áp lực (chắc chắn là vô cùng lớn vì bà đã phải thốt lên “nhiều lúc…điên cái đầu”) để tuyên bố Tạ Đình Đề không phạm tội. Có lẽ bản lĩnh đó được rèn luyện bằng chính những gian khó đã vượt qua trong cuộc đời của bà, bằng cái tâm trong sáng của một con người thấu hiểu được giá trị của tự do, hạnh phúc, như lời bà đã trả lời nhà báo khi được hỏi: “Sau vụ Tạ Đình Đề, cô có… day dứt điều gì không?”. “Có chi mà day dứt! cuộc đời đã giúp tôi…tự do giúp tôi có một gia đình hạnh phúc. Tôi nỡ lòng nào xử oan cho ai!”.

Trong vụ án thứ hai, bản lĩnh, sự công tâm, khách quan, kiên trì, quyết đoán của lãnh đạo Viện kiểm sát nhân dân tối cao, lãnh đạo Vụ 2C và đặc biệt là năng lực nghiệp vụ, tinh thần trách nhiệm với công việc, sự trăn trở về số phận và am hiểu về con người của Kiểm sát viên Dương Thanh Biểu đã giúp cho Tạ Đình Đề vượt qua được lỗi oan nghiệt lần hai, một lỗi oan còn đau đớn hơn lần đầu. Bởi vì, tội danh ông bị khởi tố hoàn toàn đối lập với lý tưởng, con đường mà ông đã lựa chọn, cống hiến cả cuộc đời mình để mong đất nước, dân tộc giành được độc lập, thống nhất xây dựng một chế độ xã hội mới tiến bộ, văn minh, dân chủ, công bằng, vậy mà những gì ông được hưởng lại trái ngược với tâm huyết của ông. Trong những sự bất công đó, thật may còn có những con người vì công lý, trách nhiệm đã khắc phục được phần nào hậu quả tệ hại của sự oan khuất, khôi phục niềm tin của ông và quần chúng nhân dân vào pháp luật.

Qua việc tái hiện những góc khuất cuộc đời Tạ Đình Đề, tác giả muốn gửi gắm đến bạn đọc trong ngành Kiểm sát nhân dân, những tình cảm chân thành và chia sẻ những niềm vui và nỗi nhớ của cuộc đời làm nghề Kiểm sát. Đằng sau những góc khuất của Tạ Đình Đề, tác phẩm nhấn mạnh đến những kinh nghiệm về nghiệp vụ Kiểm sát, đạo đức và trách nhiệm của Kiểm sát viên khi thực thi nhiệm vụ của mình. Bằng giọng văn chân thực của người trong cuộc, tác giả không chỉ đề cập đến sự cam go, phức tạp của công tác đấu tranh phòng chống tội phạm của các Kiểm sát viên mà còn qua đó cũng nhằm tri ân những thế hệ cán bộ Kiểm sát qua các thời kỳ, đã phấn đấu không mệt mỏi, vượt qua những cạm bẫy khó khăn trên mặt trận thầm lặng để bảo vệ chân lý và lẽ phải. Đọc xong cuốn sách, chúng ta như thấy rõ hơn trách nhiệm của những người làm công tác điều tra, truy tố, xét xử nói chung và mỗi Kiểm sát viên ngành Kiểm sát nói riêng, đó là: sự mong muốn, kỳ vọng của quần chúng nhân dân và của những người bị rơi vào vòng lao lý đối với vai trò trách nhiệm của Viện kiểm sát với chức năng thực hành quyền công tố, kiểm sát việc tuân theo pháp luật trong hoạt động tư pháp. Chúng ta thấy trăn trở về trách nhiệm của cá nhân và của ngành Kiểm sát trong cả 02 vụ án đối với ông Tạ Đình Đề, liên hệ với thực tiễn hiện nay cho thấy câu chuyện của mấy chục năm về trước nhưng vẫn còn nguyên giá trị đối với thực tiễn hiện nay. Đặc biệt, khi chúng ta đang tiến hành cải cách tư pháp với những yêu cầu để khắc phục oan sai, chống bỏ lọt tội phạm, như: “Tăng cường trách nhiệm công tố trong hoạt động điều tra, gắn công tố với hoạt động điều tra; Nâng cao chất lượng tranh tụng tại phiên tòa, đảm bảo tranh tụng dân chủ giữa Kiểm sát viên, người bào chữa; Phán quyết của Hội đồng xét xử phải dựa trên cơ sở kết quả tranh tụng tại phiên tòa…”, thì tác phẩm là minh chứng xác thực cho những yêu cầu đó.

Ngoài ra, thông qua 2 vụ án của Tạ Đình Đề, mỗi Kiểm sát viên thấy rõ hơn trách nhiệm với công việc, với số phận của một con người, vì mỗi quyết định tố tụng không chỉ tác động đến cá nhân con người đó mà còn tác động đến cả gia đình, vợ, chồng, con cái của họ, thậm chí là cả xã hội. Tác phẩm đã cho chúng ta những bài học kinh nghiệm hay trong công tác nghiệp vụ của Kiểm sát viên như: kinh nghiệm Kiểm sát việc lập hồ sơ vụ án; nghiên cứu, đánh giá những lời khai của bị can và một nguyên tắc khi xem xét đánh giá là không được coi lời khai nhận tội là chứng cứ kết tội, phải lắng nghe, nghiên cứu kỹ lời trình bày không nhận tội của bị can, bị cáo. Những bài học kinh nghiệm này càng có ý nghĩa, khi chúng ta đang triển khai thực hiện các quy định của Hiến pháp mới về các nguyên tắc tranh tụng, nguyên tắc suy đoán vô tội…Quả thật, càng suy nghĩ tôi càng cảm nhận thấy nhiều những giá trị của tác phẩm.

Xin cảm ơn tác giả TS. Dương Thanh Biểu và Nhà xuất bản Hội nhà văn đã cho chúng tôi một tác phẩm hay không chỉ có giá trị thực tiễn phong phú của công tác tư pháp mà còn thấm đẫm tính nhân văn sâu sắc.
 

TS. Nguyễn Văn Quảng

.