Liên tiếp cảnh báo thủ đoạn lừa đảo mới
Mới đây, Công an huyện Hương Sơn (Hà Tĩnh) đã khởi tố hai kẻ xấu dùng thủ đoạn cung cấp dịch vụ đọc trộm tin nhắn bằng công nghệ để chiếm đoạt hơn 100 triệu đồng. Thủ đoạn của nhóm đối tượng này là khi khách hàng có nhu cầu liên hệ, các đối tượng sẽ thông báo giá từng gói dịch vụ và yêu cầu thanh toán một phần tiền trước. Khi nạn nhận chuyển tiền xong, chúng lập tức chặn liên lạc và biến mất.
|
|
Công an huyện Hương Sơn (Hà Tĩnh) đã khởi tố hai kẻ xấu dùng thủ đoạn cung cấp dịch vụ đọc trộm tin nhắn bằng công nghệ để chiếm đoạt hơn 100 triệu đồng. |
Đối với hình thức trên, thủ đoạn được các đối tượng sử dụng là liên hệ qua với khách hàng qua Zalo, sử dụng tài khoản ngân hàng (không chính chủ) để người khác tin tưởng, chuyển tiền đặt cọc rồi chiếm đoạt. Khi khách có nhu cầu sử dụng dịch vụ theo dõi, đọc trộm tin nhắn của người khác trên mạng xã hội, các đối tượng hướng dẫn khách hàng gửi tài khoản cần theo dõi, thông báo giá từng gói dịch vụ (phần mềm theo dõi) và cung cấp số tài khoản ngân hàng để chuyển tiền. Do tin tưởng các đối tượng, nhiều nạn nhân đã chuyển tiền tới số tài khoản trên. Sau khi nhận được tiền, đối tượng đã chặn mọi liên lạc.
Liên tiếp nhiều thủ đoạn lừa đảo liên tiếp được lực lực lượng chức năng cảnh báo, như mới đây, là cảnh báo thủ đoạn chiếm quyền điều khiển tài khoản Telegram để lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Theo lực lượng chức năng, hiện nay, các đối tượng thông qua hoạt động chiếm quyền điều khiển tài khoản Telegram để lừa đảo chiếm đoạt tài khoản thông qua một số phương thức, thủ đoạn sau: Chiếm quyền điều khiển, theo dõi các cuộc trò chuyện của nạn nhân, khi nạn nhân trao đổi với người thân, bạn bè, đối tác liên quan đến giao dịch tài khoản ngân hàng thì đối tượng can thiệp, thay đổi số tài khoản ngân hàng của mình thành số tài khoản nhận tiền để chiếm đoạt tài sản (vụ xảy ra tại Móng Cái, Quảng Ninh: nạn nhân bị chiếm đoạt số tiền 2 tỉ đồng). Sử dụng tài khoản Telegram đã chiếm đoạt sau đó nhắn tin đến bạn bè, người thân của chủ tài khoản hỏi vay tiền sau đó chiếm đoạt. Sử dụng tài khoản Telegram đã chiếm đoạt gửi tin nhắn chứa mã độc, ứng dụng độc hại đến bạn bè, người thân của chủ tài khoản, sau đó chiếm quyền điều khiển thiết bị, chiếm đoạt tiền trong tài khoản ngân hàng của nạn nhân.
|
|
Một số đối tượng đã lập các trang facebook “Liên đoàn Pickleball Việt Nam” để tìm cách lừa đảo chiếm đoạt tài sản người đăng ký tham gia học chơi Pickleball. |
Hay, trước xu hướng môn thể thao Pickleball đang thu hút được sự quan tâm của nhiều người dân. Lợi dụng việc này, một số đối tượng đã lập các trang facebook “Liên đoàn Pickleball Việt Nam” để tìm cách lừa đảo chiếm đoạt tài sản người đăng ký tham gia học chơi Pickleball. Thủ đoạn lừa đảo: Khi người dân đăng ký tham gia khoá học thông qua trang facebook “Liên đoàn Pickleball Việt Nam”, các đối tượng yêu cầu tải ứng dụng Telegram để được các “chuyên viên” hướng dẫn tham gia làm một số nhiệm vụ xác nhận đồ dùng thể thao và giảm học phí. Sau một số nhiệm vụ có giá trị thấp, các đối tượng yêu cầu người dân thực hiện các nhiệm vụ có giá trị cao. Lúc này, lấy nhiều lý do bị hại thực hiện sai cú pháp, các đối tượng yêu cầu bị hại thực hiện lại nhiều lần hoặc chuyển thêm tiền vào để được rút hết số tiền đã chuyển”. Đến khi số tiền lên đến hàng trăm triệu, hàng tỉ đồng, các đối tượng sẽ ngắt kết nối, xóa nhóm chat ở ứng dụng Telegram.
Bên cạnh đó, Công an TP Hà Nội vừa cảnh báo thủ đoạn giả mạo nhân viên cơ quan thuế yêu cầu người dân cài phần mềm giả mạo để chiếm đoạt tài sản. Tuy nhiên, vẫn còn nhiều người dân mất cảnh giác nên đã "sập bẫy" thủ đoạn này. Theo đó, các đối tượng giả mạo nhân viên cơ quan thuế, liên hệ với các nạn nhân qua điện thoại, Zalo, Facebook… để mời nạn nhân lên cơ quan thuế xác nhận thông tin, kê khai thuế điện tử. Sau đó, các đối tượng thuyết phục người dân tải ứng dụng giả mạo trên kho ứng dụng Google Play Store (CHPlay). Nếu đồng ý cài đặt các phần mềm giả mạo này, đối tượng lừa đảo có thể kiểm soát, bí mật theo dõi điện thoại nạn nhân; thực hiện việc chuyển tiền từ thông tin tài khoản ngân hàng và các ứng dụng thanh toán được lưu trên điện thoại.
Mới đây, vào ngày 14/11/2024, Công an xã Thủy Xuân Tiên, huyện Chương Mỹ tiếp nhận đơn trình báo của anh T (trú tại Chương Mỹ, Hà Nội) về việc anh có nhận được số điện thoại xưng là nhân viên Chi cục thuế huyện Chương Mỹ, hướng dẫn anh kê khai thuế điện tử. Đối tượng yêu cầu anh cài đặt phần mềm Dịch vụ công “giả mạo”. Sau khi cài đặt xong, anh nghi ngờ mình bị lừa đảo và kiểm tra tài khoản ngân hàng thì phát hiện tài khoản ngân hàng bị trừ hơn 200 triệu đồng nên đã đến cơ quan Công an trình báo.
|
|
Cơ quan Công an cảnh báo người dân về thủ đoạn giả mạo nhân viên ngành thuế, dụ dỗ cài đặt phần mềm giả mạo, chiếm đoạt tài sản. |
Người dân nâng cao cảnh giác
Trước tình hình lừa đảo diễn ra, Công an tỉnh Vĩnh Phúc khuyến cáo người dùng không nên tin tưởng những sản phẩm không rõ nguồn gốc hoặc mua bán những sản phẩm không hợp pháp trên mạng xã hội. Không sử dụng các dịch vụ hoặc ứng dụng có mục đích xâm phạm quyền riêng tư của người khác. Hành vi đọc trộm tin nhắn không chỉ là vi phạm pháp luật mà còn là vi phạm nghiêm trọng đạo đức xã hội. Việc xâm phạm quyền riêng tư có thể gây ra tổn thương tâm lý, làm mất lòng tin giữa các cá nhân. Người dùng không tải và cài đặt các ứng dụng từ các nguồn không chính thức hoặc từ các trang web không rõ ràng; cài đặt và sử dụng phần mềm diệt virus và bảo mật để quét và phát hiện các phần mềm độc hại có thể đang theo dõi thiết bị. Ngoài ra, phải thường xuyên thay đổi mật khẩu các tài khoản mạng xã hội, email, và sử dụng xác thực hai yếu tố để tăng cường bảo mật. Nếu phát hiện hoặc nghi ngờ về ứng dụng hoặc dịch vụ đọc trộm tin nhắn, bạn nên báo cáo ngay cho cơ quan chức năng để có biện pháp ngăn chặn kịp thời.
Để phòng tránh lừa đảo, khi đăng ký tham gia các lớp học Pickleball cũng như các môn thể thao khác được quảng cáo trên mạng xã hội facebook, đề nghị người dân nâng cao cảnh giác. Nếu có đăng ký nhu cầu học chơi Pickleball thì nên đến trực tiếp các trung tâm, cơ sở dạy để tìm hiểu kĩ về bộ môn mình tham gia. Khi gặp các trường hợp có dấu hiệu lừa đảo, người dân cần liên hệ ngay với cơ quan Công an để kịp thời giải quyết theo quy định.
Cùng với đó, Công an Vĩnh Phúc cũng đề nghị người dân cảnh giác trước thủ đoạn lừa đảo trên. Tuyệt đối không cài đặt các phần mềm, ứng dụng theo yêu cầu của các đối tượng lạ gọi đến. Nếu cài đặt phần mềm giả mạo, có nguy cơ sẽ bị chiếm quyền điều khiển toàn bộ điện thoại. Các tin nhắn, cuộc gọi đến máy điện thoại của nạn nhân sẽ được ứng dụng kiểm soát, ngầm chuyển về máy chủ do đối tượng quản lý, không hiển thị trên điện thoại của nạn nhân. Nguy hiểm hơn, các đối tượng chiếm quyền điều khiển điện thoại di động từ xa, sau đó truy cập vào tài khoản, chuyển hết tiền của bị hại. Khi gặp các trường hợp có dấu hiệu lừa đảo, người dân cần kịp thời trình báo cơ quan Công an để ngăn chặn và xử lý theo quy định của pháp luật.
Bộ Công an khuyến cáo người dân nhận biết và tránh trở thành nạn nhân của hành vi lừa đảo trên:
(1) Tăng cường nghiên cứu, tìm hiểu, trau dồi kiến thức pháp luật, thường xuyên cập nhật, theo dõi các thông báo của các cơ quan chức năng trên các phương tiện thông tin, phương tiện truyền thông đại chúng về phương thức, thủ đoạn của tội phạm lừa đảo chiếm đoạt tài sản.
(2) Tăng cường các biện pháp bảo mật để bảo vệ tài khoản mạng xã hội, tránh bị các đối tượng lợi dụng hoạt động phạm tội bằng cách: kích hoạt xác thực hai yếu tố (2FA); thường xuyên kiểm tra lịch sử đăng nhập; định kỳ thay đổi mật khẩu tài khoản; không chia sẻ mã OTP với bất kỳ ai; không nhấp vào các đường link lạ, không cài đặt các ứng dụng nguồn gốc không rõ ràng; không chia sẻ nhiều thông tin cá nhân trên mạng xã hội; không cho mượn, cho thuê các giấy tờ cá nhân có liên quan, như: căn cước công dân, giấy chứng minh nhân dân, sổ hộ khẩu, thẻ ngân hàng,…; không nhận chuyển khoản ngân hàng hoặc nhận tiền chuyển khoản của các ngân hàng cho người không quen biết.
(3) Trước khi chuyển tiền cho bất kỳ ai, gọi điện thoại thông thường đến số điện thoại của người yêu cầu chuyển tiền để xác thực lại thông tin, không liên lạc trao đổi qua tài khoản mạng xã hội.
(4) Trường hợp có nghi ngờ về hoạt động lừa đảo chiếm đoạt tài sản thì kịp thời thông báo cho cơ quan Công an nơi gần nhất đề được tiếp nhận, hướng dẫn, giải quyết, đồng thời chủ động lưu giữ các nội dung liên quan đến việc trao đổi giữa bản thân mình với đối tượng lừa đảo (tin nhắn, cuộc gọi, sao kê chuyển tiền...) để cung cấp thông tin, tài liệu cho cơ quan Công an phục vụ công tác kiểm tra, xác minh, điều tra xử lý nghiêm các đối tượng.
|