Trước thực tế đó, nhằm nâng cao kỹ năng nhận diện và phòng chống lừa đảo trực tuyến cho mỗi cá nhân khi tham gia hoạt động trên không gian mạng, tỉnh Vĩnh Phúc đã đẩy mạnh và đa dạng hóa các loại hình tuyên truyền, các kỹ năng nhận diện và phòng chống lừa đảo trực tuyến đến đông đảo người dân trên địa bàn để nắm bắt, chủ động phòng, chống.

Nhận diện thủ đoạn

Thời gian qua, người dân Việt Nam thường xuyên phải đối mặt với vấn nạn lừa đảo trực tuyến. Các đối tượng lừa đảo tìm mọi cách để lợi dụng, khai thác đánh vào điểm yếu nhất là con người. Bằng thủ đoạn tinh vi, đối tượng lừa đảo áp dụng nhiều biện pháp tác động tâm lý để lấy lòng tin và dẫn dắt theo kịch bản.

leftcenterrightdel
 Phòng Cảnh sát hình sự, Công an tỉnh thông tin tình hình tội phạm và vi phạm pháp luật liên quan đến hoạt động lừa đảo chiếm đoạt tài sản trên không gian mạng.

Thượng tá Nguyễn Đỗ Huấn, Trưởng phòng Cảnh sát hình sự, Công an tỉnh Vĩnh Phúc cho biết, các hình thức lừa đảo chiếm đoạt tài sản xuất hiện trên nhiều lĩnh vực, nhất là lừa đảo chiếm đoạt tài sản trên không gian mạng gần đây diễn biến phức tạp và có chiều hướng gia tăng. Các đối tượng sử dụng nhiều phương thức, thủ đoạn tinh vi như kết bạn qua mạng, thông báo gửi quà, sau đó giả danh nhân viên sân bay, hải quan, thuế yêu cầu nộp tiền để nhận quà; lập tài khoản mạng xã hội hoặc chiếm quyền quản trị mạng xã hội của người khác rồi nhắn tin lừa người thân, bạn bè của chủ tài khoản chuyển tiền; lập trang web đăng tải các nội dung sai sự thật hoặc tạo tài khoản mạng xã hội rao bán các mặt hàng, sau đó lừa bị hại chuyển tiền vào tài khoản để chiếm đoạt;

Thủ đoạn cho vay tiền qua app (vay tiền online), lợi dụng tâm lý vay tiền online thuận lợi, nhanh chóng, không phải ra ngân hàng làm thủ tục, các đối tượng lập ra các trang trên mạng xã hội (zalo, facebook...) chạy quảng cáo để tiếp cận các bị hại rồi đối tượng gửi các đường link kết nối với CH Play để bị hại cài đặt ứng dụng vào điện thoại và làm theo ứng dụng của app, khi bị hại đăng nhập app để vay tiền thì app sẽ báo lỗi, đối tượng yêu cầu bị hại phải chuyển tiền đặt cọc để mở lại app thì mới giải ngân được (hứa hẹn sau khi giải ngân thì sẽ trả lại tiền cọc và tiền cho vay), hoặc đối tượng yêu cầu bị hại mua bảo hiểm khoản vay, đóng tiền phí giải ngân rồi chiếm đoạt tiền của bị hại.

Giả danh nhân viên cơ quan Nhà nước, Công an, Viện kiểm sát, Tòa án gọi điện thoại hoặc lập trang web giả mạo để khai thác thông tin cá nhân của bị hại, yêu cầu đóng tiền để nhận quà tặng, cung cấp mã OTP tài khoản ngân hàng, dọa liên quan đến vụ án và yêu cầu chuyển tiền để kiểm tra nhằm chiếm đoạt; thủ đoạn sử dụng các phần mềm, ứng dụng để giả giọng nói, khuôn mặt, giấy tờ của cơ quan Nhà nước nhằm mục đích chiếm đoạt tài sản; thủ đoạn lừa đảo thông qua hoạt động đầu tư kinh doanh trên các sàn thương mại điện tử, lợi dụng nhu cầu đầu tư của người dân, các đối tượng xây dựng website tạo thành các sàn giao dịch tài chính, sàn giao dịch thương mại điện tử, chứng khoán quốc tế giả như shopping.cc, coolcat... kêu gọi đầu tư theo mô hình đa cấp có hưởng hoa hồng giới thiệu, hưởng lợi trên số tiền đầu tư dựa trên chính sách khuyến mãi, chiết khấu..., người đầu tư đóng tiền vào hệ thống bằng tiền mặt hoặc chuyển khoản để đổi thành tiền “ảo” trong từng hệ thống, khi người tham gia đạt số lượng nhất định, chúng sẽ cho “sập sàn” hoặc cho máy chạy tự động giao dịch để chiếm đoạt số tiền nộp vào hệ thống của người chơi….và nhiều thủ đoạn khác lừa đảo tinh vi khác.

Đẩy mạnh công tác tuyên truyền để người dân nâng cao cảnh giác

Trước tình trạng trên, Công an tỉnh Vĩnh Phúc đã tham mưu cho UBND tỉnh và các sở ngành và các huyện thành phố triển khai quyết liệt, đồng bộ các giải pháp phòng ngừa, đấu tranh, ngăn chặn, xử lý nghiêm đối với hoạt động lừa đảo chiếm đoạt tài tài sản. Công an tỉnh Vĩnh Phúc đã chỉ đạo các đơn vị nghiệp vụ tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến kiến thức, pháp luật phòng, chống tội phạm lừa đảo chiếm đoạt tài sản trên không gian mạng tại các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp, trường học, khu du lịch, khu nghỉ dưỡng; chỉ đạo lực lượng Cảnh sát khu vực, Công an các xã, phường, thị trấn tuyên truyền về phòng, chống tội phạm lừa đảo chiếm đoạt tài sản trên không gian mạng cho người dân theo phương châm “Đi từng ngõ, gõ từng nhà, rà từng hộ”, đồng thời, triển khai ký cam kết đối với 100% người dân trên địa bàn về việc đã được tuyên truyền cảnh giác, phòng ngừa đối với tội phạm lừa đảo chiếm đoạt tài sản trên không gian mạng; chỉ đạo Công an cấp huyện chủ động phối hợp với đơn vị quản lý hệ thống loa truyền thanh tổ chức tuyên truyền ít nhất 2 lượt/ngày vào các khung giờ cao điểm 05h30 - 06h30 và 17h00 18h00; đẩy mạnh công tác tiếp nhận, giải quyết tin báo, tố giác về tội phạm và kiến nghị khởi tố, công tác điều tra, xử lý án về tội phạm lừa đảo chiếm đoạt tài sản trên không gian mạng. Qua đó, công tác phòng ngừa, đấu tranh, xử lý đối với tội phạm lừa đảo trên không gian mạng trên địa bàn tỉnh đạt được nhiều kết quả tích cực, góp phần kiềm chế sự gia tăng của tội phạm này trên địa bàn tỉnh, giữ vững ổn định an ninh trật tự, hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp và đời sống Nhân dân.

leftcenterrightdel
 Sở Công Thương tỉnh Vĩnh Phúc phối hợp Công an tỉnh Vĩnh Phúc tổ chức Hội nghị tuyên truyền công tác phòng, chống tội phạm lừa đảo, chiếm đoạt tài sản trên không gian mạng.

Để nâng cao hiệu quả công tác phòng ngừa, đấu tranh với tội phạm lừa đảo chiếm đoạt tài sản trên không gian mạng tại địa bàn tỉnh, kịp thời tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc. Thời gian tới sẽ chủ động nắm chắc tình hình hoạt động của các đối tượng, ổ nhóm liên quan đến hoạt động lừa đảo chiếm đoạt tài sản trên không gian mạng, từ đó áp dụng các biện pháp đấu tranh, xử lý nghiêm đối với loại tội phạm này. Tiếp tục làm tốt công tác tiếp nhận, giải quyết 100% tố giác, tin báo về tội phạm liên quan đến hoạt động lừa đảo chiếm đoạt tài sản trên không gian mạng theo đúng quy định của pháp luật.

Nâng cao chất lượng, đổi mới công tác tuyên truyền, trong đó tập trung vào các khu vực đông dân cư, trường học, khu công nghiệp, nơi có đông công nhân, người lao động sinh sống; đẩy mạnh tuyên truyền trên các nền tảng mạng xã hội; nội dung tuyên truyền tập trung về các phương thức, thủ đoạn và cách phòng ngừa, đấu tranh với tội phạm lừa đảo chiếm đoạt tài sản gắn với các vụ án, vụ việc để các tổ chức, cá nhân tăng cường cảnh giác trước những thủ đoạn của các đối tượng. Và áp dụng các biện pháp nghiệp vụ nhằm phát hiện, điều tra, làm rõ, phối hợp với Viện kiểm sát nhân dân, Toà án nhân dân truy tố, xét xử nghiêm các đối tượng sử dụng không gian mạng để lừa đảo chiếm đoạt tài sản để góp phần răn đe, phòng ngừa chung. Đầu tư kinh phí, mua sắm phương tiện, trang thiết bị hiện đại, hỗ trợ kinh phí tuyên truyền, rà soát, điều tra đối với các vụ án liên quan để các lực lượng triển khai các biện pháp nghiệp vụ nhằm nâng cao hiệu quả công tác phòng ngừa, đấu tranh với tội phạm lừa đảo chiếm đoạt tài sản trên không gian mạng trong tình hình mới.

Sở Thông tin và Truyền thông Vĩnh Phúc cho biết, nâng cao kỹ năng nhận diện và phòng chống lừa đảo trực tuyến cho mỗi cá nhân khi tham gia hoạt động trên không gian mạng, ngày 14/10/2024 Sở Thông tin và Truyền thông Vĩnh Phúc có Công văn số 1356/STTTTTTBCXB về việc tuyên truyền kỹ năng nhận diện và phòng chống lừa đảo trực tuyến trên không gian mạng. Theo đó, Sở Thông tin và Truyền thông đề nghị các sở, ban, ngành, đoàn thể tỉnh, UBND các huyện, thành phố tuyên truyền, quán triệt đến cán bộ, công chức, viên chức, người lao động, hội viên, đoàn viên, sinh viên, học sinh tham gia hoạt động trên môi trường mạng các kỹ năng nhận diện và phòng, chống lừa đảo trực tuyến  và các tài liệu, ấn phẩm, video, clip, poster, Infographic, tờ rơi, tờ gấp,…được đăng tải, chia sẻ trên cổng khonggianmang.vn. Chiến dịch được triển khai trên diện rộng từ ngày 10/10/2024 đến ngày 20/11/2024, tập trung phổ biến các kiến thức kỹ năng nhận diện và phòng chống lừa đảo trực tuyến, nâng cao nhận thức cũng như kiến thức cho người dân thông qua 5 nhóm kỹ năng chính, bao gồm: Kỹ năng nhận biết, kỹ năng phát hiện, kỹ năng xử lý, kỹ năng phòng tránh và kỹ năng bảo vệ.

Bởi ngoài những biện pháp kỹ thuật, việc nâng cao nhận thức, cùng với các kỹ năng từ cơ bản tới nâng cao cho người dân được xem là một trong những biện pháp hàng đầu giúp ngăn chặn tác động tiêu cực của lừa đảo trực tuyến. Khi người dân, những người yếu thế nắm vững được các kỹ năng nhận diện và phòng chống lừa đảo trực tuyến sẽ cảnh giác hơn, từ đó giảm thiểu vấn nạn lừa đảo trực tuyến đang xảy ra hàng ngày.

Minh Hà