Hệ lụy do gian lận thi cử

Từ dữ liệu kết quả điểm thi bất thường, Bộ Công an và Bộ GD&ĐT đã tìm ra nhiều sai phạm trong Kỳ thi THPT quốc gia năm 2018 tại Hòa Bình.

Theo kết luận điều tra của Bộ Công an về vụ việc tiêu cực thi cử tại Hòa Bình, có 64 thí sinh (63 thí sinh của năm 2018, 1 thí sinh của năm 2017) đã được can thiệp thay đổi điểm thi. Trong đó, 56 thí sinh với 140 bài thi trắc nghiệm đã bị thay đổi điểm. Môn được nâng điểm cao nhất là 9,25 điểm. Đặc biệt, có thí sinh được tăng điểm 3 môn cao nhất là 26,45 điểm. “Đây là sự can thiệp nghiêm trọng làm sai lệch kết quả thi” - ông Mai Văn Trinh, Cục trưởng Cục Quản lý chất lượng, Bộ GD&ĐT nói.

Ông Mai Văn Trinh cũng cho hay, Bộ GD&ĐT cũng yêu cầu Sở GD&ĐT Hòa Bình cập nhập lại điểm của 64 thí sinh lên hệ thống phần mềm quản lý thi để rà soát kết quả xét công nhận tốt nghiệp THPT năm 2018, 2017; Đồng thời, cung cấp thông tin về điểm thi trong danh sách thống kê cho Cục Nhà trường (Bộ Quốc phòng), Cục Đào tạo (Bộ Công an) và các ĐH, Học viện, trường ĐH, trường CĐ, TC có nhóm ngành đào tạo giáo viên để cập nhật, rà soát kết quả xét tuyển sinh ĐH, CĐ đối với các thí sinh có liên quan.

Trả lời PV về việc cập nhật danh sách các thí sinh có liên quan đến vụ việc theo yêu cầu của Bộ GD&ĐT, Giám đốc Sở GD&ĐT tỉnh Hòa Bình Bùi Trọng Đắc cho hay, bên Sở hiện chưa tiến hành cập nhật danh sách điểm của 64 thí sinh này lên hệ thống phần mềm quản lý.

Cũng theo ông Đắc, Sở GD&ĐT đang chờ hướng dẫn của Bộ GD&ĐT cập nhật điểm thi như thế nào. Và sau khi cập nhật xong thì mới có thông báo cho các trường đại học, học viện có thí sinh mình dự thi. “Quan điểm của chúng tôi là thực hiện nhanh. Vì theo quy định của Bộ GD&ĐT, trước ngày 25/3/2019 phải thông báo danh sách này” - ông Đắc thông tin.

Trước câu những thí sinh có liên quan “gian lận” không đủ điểm đỗ vào các trường ĐH sẽ xử lý như thế nào? Ông Mai Văn Trinh cho hay, đây là hệ quả kéo theo của việc gian lận thi cử. Tuyển sinh là quyền của các trường ĐH. Cục Quản lý chất lượng và Vụ Giáo dục ĐH sẽ có trao đổi và thống nhất chung, nhưng đều trên tinh thần bám theo hai quy chế: thi THPT quốc gia và tuyển sinh ĐH, CĐ. Trong khi đó, nhiều lãnh đạo trường đại học khẳng định sau khi điểm thi thật ở Hòa Bình được cập nhật, nếu phát hiện sinh viên của trường mình nằm trong danh sách được nâng điểm thi, các trường sẽ kiên quyết xử lý nghiêm.

leftcenterrightdel
Những người trực tiếp gian lận thi cử hay những phụ huynh “đóng tiền nâng điểm” đều phải xử lý nghiêm minh. 

Trả lại công bằng cho những thí sinh khác

Đó là câu chuyện về vấn đề cập nhật danh sách thí sinh được nâng điểm lên hệ thống phần mềm quản lý của ngành giáo dục… Tuy nhiên, việc này có được công khai để phục vụ cho việc giám sát của cộng đồng xã hội hay không, đến nay ngành giáo dục vẫn giữ quan điểm không công bố danh tính vì sợ tổn thương thí sinh, rằng các em còn có cả một tương lai phía trước, rằng sai phạm này là của người lớn nên không xử lý thí sinh.

Phó Chủ tịch Hội Luật gia tỉnh Hòa Bình, Đinh Mạnh Hùng cho rằng: Nhiều người lo lắng thí sinh còn cả tương lai phía trước nên cố gắng giữ gìn danh tính cho các em. Nhưng các bậc phụ huynh chủ động “gửi gắm” để can thiệp điểm cho con em mình không thể giấu kín, phải đưa ra tòa.

Với loại vi phạm này, phải xác định nâng nửa điểm, hay nâng đến 8-9 điểm thì tính chất cũng là vi phạm pháp luật, gian lận trong thi cử. Không thể viện những trường hợp đơn giản nhất ví dụ như có thí sinh chỉ được nâng nửa điểm để xí xóa hay giảm nhẹ tội.

Tất nhiên, thực tế thì mức điểm nâng như đã được công bố rất lớn, có trường hợp nâng hơn 9 điểm/môn, nâng hơn 26 điểm cho tổ hợp 3 môn. Vụ nâng điểm chưa từng có xảy ra tại kỳ thi THPT quốc gia 2018 không thể gói trong phạm vi gian lận thi cử, mà đây là hành vi vi phạm pháp luật nghiêm trọng. Những người trực tiếp gian lận thi cử được xác định là những người “cầm cân nảy mực” hay những phụ huynh “đóng tiền nâng điểm” đều phải xử lý nghiêm minh.

Thí sinh, dù thế nào đi nữa, cũng là “đối tượng liên quan” đến vi phạm này. Việc loại thí sinh khỏi trường đại học là vừa để bảo đảm tính nghiêm minh của pháp luật vừa bảo đảm công bằng với thí sinh khác. Tuy nhiên, vì là “đối tượng liên quan” nên cũng cần phải xem xét để những thí sinh liên quan đến gian lận này phải bị cấm thi 1-2 năm để bảo đảm tính răn đe, cảnh báo nghiêm khắc – ông Đinh Mạnh Hùng chia sẻ.

Cũng theo ông Đinh Mạnh Hùng: Xem xét trên cơ sở pháp lý, bài thi bị những người khác can thiệp sau khi thí sinh đã nộp bài thì sẽ khó có thể xử lý kỷ luật với thí sinh như quy chế là hủy kết quả thi hay cấm thi 1-2 năm. Tuy nhiên, khi cơ quan Công an vào cuộc, có thể xác minh được những trường hợp thí sinh vô can hay không vô can.

Ví dụ, những bài nộp giấy trắng nhưng đạt điểm cao hay bài được nâng lên đến 26,5 điểm thì nói thí sinh không biết mình được nâng điểm là vô lý. Vì vậy, nếu xác minh được thí sinh có liên quan thì cần chế tài để có tính giáo dục với những người trẻ khi bước vào kỳ thi tới, cũng để các em thí sinh có ý thức chịu trách nhiệm về việc mình làm. Những trường hợp không xác minh được, theo tôi vẫn nên công bố danh sách, không có gì phải kiêng kỵ.

Trong vụ xử lý gian lận thi cử này, ngoài việc xác minh hành vi, trả lại điểm gốc cho thí sinh, yêu cầu Sở GD&ĐT và các trường đại học, học viện rà soát, xét công nhận tốt nghiệp và xét tuyển lại theo kết quả gốc.

Một việc rất quan trọng khác, theo tôi cần làm tới cùng là truy trách nhiệm của những người nhờ vả nâng điểm. Có người thực hiện hành vi gian lận thì phải có những người nhờ vả thực hiện hành vi gian lận. Nếu dùng tiền để mua điểm cũng không thể chỉ bắt người nhận tiền chịu mà người đưa tiền cũng phải chịu trách nhiệm hình sự. Đây là “điểm mờ” cần tiếp tục làm rõ - ông Hùng nêu quan điểm.

Xuân Hưng