Chiều qua trong cuộc gặp gỡ báo chí, ông Mai Văn Trinh, Cục trưởng Cục Quản lý chất lượng Bộ GD-ĐT đã có những thông tin chính thức về số thí sinh gian lận điểm trong kỳ thi THPT quốc gia ở Hòa Bình. Con số chính xác được ông Trinh cung cấp (như báo Bảo vệ pháp luật đã đưa tin) là 64 thí sinh (trong đó có 1 thí sinh từ kỳ thi THPT quốc gia 2017 và 63 thí sinh kỳ thi THPT quốc gia 2018).

Bài thi được nâng điểm cao nhất là 9,25, có thí sinh được "thăng hạng" kỷ lục với 3 môn trắc nghiệm tăng thêm 26,45 điểm.  

Điều mà phóng viên và dư luận hiện nay quan tâm đó là "số phận" 64 thí sinh được cộng điểm do gian lận thi ở Hòa Bình sẽ ra sao? Tại sao đến thời điểm này Hà Giang, Sơn La chưa công bố kết quả điều tra? 

leftcenterrightdel
Ông Mai Văn Trinh: Việc xử lý không có vùng cấm 

Về vấn đề này, ông Mai Văn Trinh cho biết, Bộ GD-ĐT đã có công văn yêu cầu Sở GD-ĐT Hòa Bình trên cơ sở kết quả chấm thẩm định (đây là kết quả chính thức, hủy bỏ kết quả công nhận tốt nghiệp THPT và xét tuyển ĐH, CĐ trước đó) sẽ chuyển dữ liệu lên hệ thống quản lý thi quốc gia. "Thông qua hệ thống này các trường hoàn toàn biết được thí sinh nào và có biện pháp xử lý. Sắp tới Bộ GD-ĐT sẽ có hướng dẫn cụ thể nhưng các trường sẽ căn cứ vào quy chế thi và quy chế tuyển sinh hiện hành để xử lý thí sinh được nâng điểm. Các trường Công an và Quân đội cũng không có ngoại lệ" - ông Mai Văn Trinh khẳng định. 

Đến nay, công tác điều tra, xác minh sai phạm trong kỳ thi THPT quốc gia 2018 tại Hà Giang và Sơn La vẫn đang được tiến hành khẩn trương, đúng quy định và chắc chắn sẽ hé lộ nhiều thông tin chấn động không kém sai phạm ở Hòa Bình. Ngày 16/2, Cơ quan ANĐT Công an tỉnh Sơn La đã khởi tố Trung tá Đỗ Khắc Hưng, nguyên cán bộ phòng bảo vệ An ninh nội bộ (PA83 cũ) - Công an tỉnh Sơn La - người đã tiếp tay và nằm trong đường dây gian lận thi THPT quốc gia tại địa phương này.

Theo Quy chế thi THPT quốc gia và xét công nhận tốt nghiệp THPT năm 2018, các thí sinh này sẽ bị hủy kết quả bài thi do để người khác sửa chữa, thêm bớt vào bài làm sau khi đã nộp bài. Như vậy, "số phận" 64 thí sinh được nâng điểm chính thức đã được định đoạt rất có thể là sẽ buộc thôi học.

leftcenterrightdel
Phổ điểm môn Toán "siêu khủng" của Hà Giang, Hòa Bình, Sơn La... 

Trả lời báo chí liên quan đến việc thí sinh đã trúng tuyển, nhập học các trường CAND nhưng phát hiện có gian lận trong kỳ thi THPT 2018, Thiếu tướng Bùi Minh Giám - Cục trưởng Cục Đào tạo Bộ Công an khẳng định: Nếu trùng kết quả chấm thẩm định của Bộ GD&ĐT, trường công an sẽ thực hiện nghiêm túc theo quy định của Bộ GD-ĐT và Bộ Công an. Cụ thể, bài thi của thí sinh gian lận sẽ bị hủy. Các thí sinh này không đủ điều kiện học trường CAND (có nghĩa buộc thôi học - PV).

Trong một diễn biến khác, hôm nay trả lời phóng viên, đại diện một số trường cũng khẳng định nếu phát hiện gian lận, nhà trường sẽ xử lý theo quy chế của Bộ GD-ĐT. Tuy nhiên theo nguồn tin PV nắm được, một số "thủ khoa" mặc dù điểm rất cao nhưng "thấy động" đã không đăng ký nhập học vào NV1 (các trường CAND) như đăng ký ban đầu.

leftcenterrightdel
 Công văn Bộ GD -ĐT gửi Bộ Công an, Bộ Quốc phòng và các trường ĐH, CĐ.

Không chỉ riêng Hà Giang, Hòa Bình, Sơn La, nghi án về gian lận điểm thi còn bị dư luận "khoanh vùng" ở nhiều địa phương miền núi khác, đặc biệt với các thí sinh thi tự do.

Số thí sinh này được sắp xếp ở một số điểm thi do Giám đốc Sở GD-ĐT địa phương đó quyết định. Nếu không làm chặt chẽ, hoặc có sự "bắt tay, thông đồng" nào đó, chắc chắn không tránh khỏi những tiêu cực, gian lận và cơ quan điều tra cũng không thể "chỉ tận tay day tận trán" dù biết có bất thường!?. Nghi án thí sinh chiến sĩ nghĩa vụ điểm cao chót vót ở một địa phương trong kỳ thi 2018 là một ví dụ điển hình.

 Điều 49: Xử lý thí sinh vi phạm quy chế thi trong Quy chế thi THPT quốc gia và xét công nhận tốt nghiệp trung học phổ thông Ban hành kèm theo Thông tư số 04/2017/TT-BGDĐT ngày 25/1/2017 của Bộ trưởng Bộ GD-ĐT, quy định về việc Huỷ bỏ kết quả thi đối với những thí sinh như sau:

- Có hai bài thi trở lên bị điểm 0 (không) do phạm lỗi quy định tại điểm d khoản 4 Điều này;

- Viết, vẽ vào tờ giấy thi những nội dung không liên quan đến bài thi;

- Để người khác thi thay hoặc làm bài thay cho người khác dưới mọi hình thức; sửa chữa, thêm bớt vào bài làm sau khi đã nộp bài;

- Dùng bài của người khác để nộp.

Căn cứ báo cáo bằng văn bản của Chủ tịch Hội đồng thi, Giám đốc sở GDĐT ra quyết định hủy bỏ kết quả thi.  

Sai phạm trong thi THPT quốc gia 2018 là một "vụ án thế kỷ" đi vào lịch sử khoa cử nước nhà, khiến dư luận bất bình, mất niềm tin.

Không phẫn uất sao được khi gần 1 triệu thí sinh cùng người nhà các em nỗ lực học tập, ôn luyện nhưng rốt cuộc lại để mấy trăm trường hợp "qua mặt", tước đoạt đi những ước mơ một cách cay đắng, thiếu công bằng. Nhiều trường, nhiều địa phương học giỏi có tiếng như Nam Định, Thanh Hóa, Nghệ An, Bắc Ninh, Hà Nội... năm 2018 cũng phải chấp nhận xuống "chiếu dưới" để các tỉnh Sơn La, Hòa Bình, Hà Giang thăng hạng với vô số thủ khoa.

Rồi đây những tiêu cực ở Hà Giang, Sơn La được công bố sẽ hé lộ "danh sách đen" đang "ngồi nhầm chỗ" một số trường danh giá. Nếu bị cho thôi học, suy cho cùng các em sẽ là người phải chịu thiệt thòi nhất khi vừa chập chững bước vào đời vì cách làm gian dối của người lớn!?.

Ông Mai Văn Trinh: Lời cảnh báo cho những ai có ý định vi phạm

Năm 2019, Bộ GD-ĐT đã có những điều chỉnh theo hướng siết chặt kỷ luật kỷ cương, bịt các kẽ hở có thể bị lợi dụng. "Tôi cho rằng người bị thiệt thòi nhất trong vụ gian lận thi cử chính là những thí sinh được can thiệp nâng điểm. Cuối cùng những sai phạm này cũng được làm rõ, các thí sinh không chị buộc thôi học mà phải chịu những tổn thất tinh thần nặng nề. Việc công bố xử lý gian lận ở Hòa Bình trước mùa thi cũng là một thông điệp mạnh mẽ gửi đến các bậc phụ huynh, các thí sinh sắp tới phải cân nhắc, dừng lại nếu xuất hiện ý định vi phạm".

* Ảnh đại diện: Có tính minh họa
Đại Việt