* 140 bài thi của 56 thí sinh được nâng điểm

Như báo Bảo vệ pháp luật đã thông tin, Cơ quan An ninh điều tra Bộ Công an đã kết thúc điều tra vụ án gian lận điểm thi trong kỳ thi THPT quốc gia năm 2018 tại Hòa Bình. Kết quả điều tra đã xác định được hành vi,phương thức thủ đoạn của một số đối tượng sử dụng trong việc làm sai lệch kết quả thi của các thí sinh.

leftcenterrightdel
Các đối tượng bị khởi tố trong vụ án gian lận điểm thi tại Hòa Bình (ảnh nhỏ). Trụ sở Sở GD&ĐT tỉnh Hòa Bình (ảnh lớn).  

Theo đó, ông Nguyễn Quang Vinh,Trưởng phòng Khảo thí và kiểm định chất lượng giáo dục thuộc Sở GD & ĐT tỉnh Hòa Bình  đã chỉ đạo Đỗ Mạnh Tuấn , Phó Hiệu trưởng Trường Phổ thông dân tộc nội trú Trung học cơ sở và Trung học phổ thông huyện Lạc Thủy, tỉnh Hòa Bình; Nguyễn Khắc Tuấn, chuyên viên Phòng Khảo thí Sở GD &ĐT tỉnh Hòa Bình sửa chữa nâng điểm bài thi cho thí sinh lấy kết quả xét tuyển vào các trường ĐH

Kết quả điều tra xác định có 140 bài thi của 56 thí sinh được sửa chữa và nâng điểm từ 0,2 đến 9,25 điểm (thang điểm 10) 

* Nhận tiền, nâng điểm từ kỳ thi trước

Qua điều tra, xác minh các đối tượng khai nhận đã nhận tiền, nâng điểm cho thí sinh trong kỳ thi THPT quốc gia từ năm 2017. Trong việc can thiệp nâng điểm bài thi trắc nghiệm, bị can Mạnh Tuấn thừa nhận được hưởng lợi bất chính 550 triệu đồng và đã tự nguyện nộp cho cơ quan điều tra. 

Ngoài ra, Cơ quan điều tra đã làm rõ năm 2017, Nguyễn Khắc Tuấn đã trực tiếp can thiệp, nâng điểm bài thi trắc nghiệm cho cháu của mình là thí sinh Đinh Ngọc Thảo; Nguyễn Quang Vinh cũng nâng điểm cháu của mình là thí sinh Đỗ Nguyễn Hoàng Anh (trong đó môn Toán nâng 4,6 điểm; môn Ngoại ngữ 5,2 điểm).

Đối với môn thi tự luận, Đỗ Mạnh Tuấn khai nhận còn được Vinh chỉ đạo làm “sinh phách” (mã hóa số báo danh của thí sinh từ phần mềm quản lý thi) chấm thi tự luận môn ngữ văn, mặc dù Tuấn không có nhiệm vụ. 

Thông qua việc làm “sinh phách”, Đỗ Mạnh Tuấn tập hợp và đưa lại cho Vinh danh sách các thí sinh cần nâng điểm thi môn ngữ văn để Vinh chỉ đạo, xử lý. Kết quả chấm thấm định bài thi tự luận môn ngữ văn của Bộ GD&ĐT xác định có 22 bài thi của 22 thí sinh được chấm chênh lệch điểm từ 1,25 đến 4,75. 

 Ngày 2/8/2018, Cơ quan An ninh điều tra Công an tỉnh Hòa Bình đã ra Quyết định số 02 khởi tố vụ án hình sự :“Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ” để điều tra về hành vi có dấu hiệu làm sai lệch kết quả thi của các thí sinh khi chấm thi kỳ thi THPT quốc gia năm 2018 tại tỉnh này. Cùng ngày, VKSND tỉnh Hòa Bình ra Quyết định số 21 chuyển vụ án hình sự đến Cơ quan An ninh điều tra Bộ Công an để điều tra.

Ngày 3/8/2018, Cơ quan An ninh điều tra Bộ Công an đã tiếp nhận vụ án. Sau khi củng cố tài liệu, sáng 3/8/2018, Cơ quan An ninh điều tra Bộ Công an quyết định khởi tố vụ án “Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ” theo Điều 356 Bộ luật hình sự. Chiều cùng ngày Cơ quan An ninh điều tra Bộ Công an Quyết định khởi tố bị can, Lệnh bắt bị can để tạm giam (4 tháng), Lệnh khám xét chỗ ở, nơi làm việc đối với 2 đối tượng.

1. Đỗ Mạnh Tuấn (SN 1979), Phó Hiệu trưởng Trường Phổ thông dân tộc nội trú Trung học cơ sở và Trung học phổ thông huyện Lạc Thủy; nơi cư trú ở Khu 7, thị trấn Chi Nê, huyện Lạc Thủy, tỉnh Hòa Bình.

2. Nguyễn Khắc Tuấn, SN 1981, là chuyên viên Phòng Khảo thí Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Hòa Bình về hành vi Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ quy định tại Điều 356 Bộ luật hình sự.

3. Điều tra mở rộng vụ án, ngày 14/9/2018, Cơ quan An ninh điều tra, Bộ Công an đã ra Quyết định khởi tố bị can, Lệnh bắt bị can để tạm giam (4 tháng), Lệnh khám xét chỗ ở, nơi làm việc đối với: Nguyễn Quang Vinh, SN 1966 Trưởng phòng Khảo thí và kiểm định chất lượng giáo dục thuộc Sở Giáo dục và đào tạo tỉnh Hòa Bình về tội “Lạm dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ”.

 

Minh Đức