Giảm tải chương trình do Covid-19
Nhận thấy tình hình diễn biến phức tạp của dịch Covid-19, một số chuyên gia giáo dục đưa ra đề xuất cắt, giảm số môn trong kỳ thi THPT Quốc gia 2020. Chia sẻ về vấn đề này, TS Mai Văn Trinh – Cục trưởng Cục Quản lý chất lượng, Bộ GD-ĐT cho biết, kỳ thi THPT Quốc gia được giữ ổn định trong giai đoạn 2017-2020. Kết quả của kỳ thi được sử dụng để xét công nhận tốt nghiệp THPT, đánh giá chất lượng giáo dục của các địa phương và làm cơ sở để tuyển sinh giáo dục đại học và giáo dục nghề nghiệp.
Thực tế, đại đa số các trường đại học đều sử dụng kết quả kỳ thi THPT Quốc gia để tuyển sinh ở các mức độ khác nhau. Vì vậy, kỳ thi THPT Quốc gia 2020 sẽ được tổ chức với phương thức ổn định như năm 2019.
Tuy nhiên, trong bối cảnh của dịch Covid-19, Bộ GD-ĐT sẽ có những điều chỉnh để phù hợp với tình hình mới.
Cụ thể, Bộ sẽ nghiên cứu giảm tải chương trình để vừa đảm bảo mục tiêu giáo dục, vừa phù hợp với điều kiện dạy học của các nhà trường trong điều kiện ảnh hưởng của dịch Covid-19; Xây dựng và sớm công bố đề thi tham khảo kỳ thi THPT Quốc gia 2020 phù hợp giảm tải chương trình do Covid-19, làm định hướng cho các nhà trường tổ chức dạy học, ôn tập. Do vậy, giáo viên và học sinh (HS) không nên quá lo lắng.
TS Mai Văn Trinh cho rằng, Bộ sẽ tiếp tục chủ động bám sát diễn biến của dịch Covid-19 để có các giải pháp phù hợp trong dạy học và thi theo tình hình thực tế diễn biến của dịch bệnh, sự đạo từ Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng chống dịch Covid-19.
Hoàn thành kỳ thi THPT Quốc gia trước năm học mới
Cũng liên quan đến việc dạy học trên truyền hình, PGS.TS Nguyễn Xuân Thành – Vụ trưởng Vụ Giáo dục Trung học, Bộ GD&ĐT cho biết, công văn của Bộ GD-ĐT nêu rõ: Các sở GD-ĐT chỉ đạo các nhà trường phân công giáo viên giao nhiệm vụ học tập theo nội dung bài học và hướng dẫn HS thực hiện các buổi học qua Internet, trên truyền hình; Phối hợp với gia đình HS có biện pháp quản lý hoạt động học của HS qua Internet, trên truyền hình; Nhận xét, đánh giá kết quả thực hiện nhiệm vụ học tập đã giao cho HS.
Khi học trên truyền hình, HS phải ghi chép, làm bài tập, thực hành, sau đó gửi bài tập đầy đủ cho thầy cô qua email, tin nhắn…
Bộ GD-ĐT yêu cầu các trường phối hợp với gia đình có biện pháp quản lý hoạt động học của HS và giáo viên phải có nhận xét, đánh giá kết quả thực hiện nhiệm vụ đã giao cho HS. Các nhà trường, giáo viên không tổ chức kiểm tra để lấy điểm trên trực tuyến.
|
|
PGS.TS Nguyễn Xuân Thành. |
Theo ông Thành, khi HS đi học trở lại, tổ chức rà soát, đánh giá kết quả học tập qua Internet, trên truyền hình. Phần kiến thức đã được học qua Internet và truyền hình sẽ được kế thừa, nhằm tối ưu thời gian, bảo đảm chương trình.
Bộ GD-ĐT đã tiếp tục lùi thời điểm kết thúc năm học và thời gian thi THPT Quốc gia 2020. Do đó, các nhà trường cần tính toán tinh giản nội dung dạy học, phần nào HS đã được học qua mạng, qua truyền hình thì sẽ tính toán thời gian để hoàn thành nốt phần kiến thức còn lại. “Trước khi bắt đầu năm học mới, phải hoàn thành tuyển sinh đầu cấp, thi THPT Quốc gia” - ông Thành nói.
Với các hình thức tương tác khác như qua Zalo, Facebook, email…, theo PGS Nguyễn Xuân Thành, đây chỉ là hình thức kết nối giữa giáo viên với HS. Chúng ta hướng đến một cách học bài bản, đảm bảo có sự tương tác giữa thầy trò. Những kênh này không thể đáp ứng tất cả các yêu cầu và không chính thức vì không kiểm soát được quá trình học tập.
Tổ chức dạy học qua Internet hoặc truyền hình để khi HS quay trở lại trường thì tổ chức ôn tập, kiểm tra và công nhận kết quả học tập qua hình thức này một cách bài bản.
“Giáo viên phải giao nhiệm vụ cho HS và HS sẽ phải làm báo cáo, thu hoạch, bài tập... Khi HS đi học trở lại, nhà trường tổ chức kiểm tra, đánh giá để công nhận kết quả, bảo đảm HS nắm được kiến thức; Bảo đảm hoàn thành tuyển sinh đầu cấp, thi THPT Quốc gia trước năm học mới” - PGS Nguyễn Xuân Thành nhấn mạnh.