Hiện có khoảng 200 trang thông tin điện tử không phép, đăng ký “ẩn danh”
Theo Bộ Công an, cơ sở pháp lý ban hành Nghị định đó là ngày 12/6/2018, tại kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XIV đã thông qua Luật An ninh mạng (số 24/2018/QH14) và có hiệu lực kể từ ngày 1/12019. Sự ra đời của Luật An ninh mạng đã đánh dấu một bước tiến mới, tạo cơ sở pháp lý quan trọng cho việc bảo vệ, quản lý không gian mạng, phòng, chống, đấu tranh, xử lý các hoạt động vi phạm pháp luật về an ninh mạng.
Sau hơn 1 năm ban hành, có hiệu lực, Luật An ninh mạng đã đi vào cuộc sống, là đạo luật thiết thực, hiệu quả, tạo dựng được niềm tin trong nhân dân. Là văn bản luật đầu tiên về an ninh mạng được ban hành, Luật An ninh mạng đã có những quy định mang tính nền tảng về phương thức, cách thức bảo vệ, quản lý không gian mạng.
Tuy hệ thống pháp luật về an ninh mạng bước đầu được xây dựng, triển khai nhưng chưa hoàn thiện, thiếu mảnh ghép quan trọng là văn bản xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực an ninh mạng nên chưa đáp ứng được yêu cầu bảo vệ an ninh mạng trong tình hình hiện nay.
Cùng với đó, tình hình an ninh mạng diễn biến phức tạp, đặt ra yêu cầu chế tài xử phạt hành chính về an ninh mạng. Theo thống kê của Bộ Công an, mạng xã hội là nơi thường xuyên diễn ra tình trạng đăng tải thông tin xấu độc, sai sự thật. Chỉ tính riêng tình hình dịch COVID-19, cơ quan Công an đã xử lý vi phạm hành chính hàng trăm trường hợp tung tin sai sự thật, tin đồn thất thiệt gây hoang mang trong dư luận.
Tính đến nay, theo thống kê của Bộ Thông tin và Truyền thông, đã có 455 mạng xã hội trong nước được cấp phép hoạt động. Một số mạng xã hội bộc lộ nhiều hạn chế trong quản lý, bảo mật, kiểm duyệt, kiểm soát thông tin công cộng, để cho người dùng đăng tải thông tin có dấu hiệu vi phạm pháp luật. Hiện có khoảng 200 trang thông tin điện tử không phép, đăng ký “ẩn danh”, máy chủ đặt tại nước ngoài hoạt động như tờ báo tư nhân trá hình, mạo danh các cơ quan, tổ chức trong nước đăng tải thông tin không chính thống từ nhiều nguồn, tin giả, tin sai sự thật. Nhiều hội, nhóm trên mạng xã hội có lượng thành viên lớn, đăng các bài viết bịa đặt, bình luận tiêu cực về các vấn đề chính trị, xã hội, sự kiện “nóng” trong nước, vi phạm thuần phong mỹ tục hoặc tin tức “giật gân”.
An ninh thông tin, an ninh dữ liệu đã được quan tâm nhưng chưa có chế tài xử lý. Dữ liệu thông tin cá nhân bị sử dụng, đánh cắp, công khai, trao đổi, rao bán nhằm trục lợi, chào mời khách hàng sử dụng các loại hình dịch vụ. Đây là những hành vi cần có mức xử phạt để tăng hiệu lực của pháp luật, tăng sức răn đe, ngăn ngừa tội phạm.
|
|
Cơ quan Công an xử phạt một đối tượng 5 triệu đồng về hành vi đăng tải thông tin không đúng sự thật lên mạng xã hội. (Ảnh minh hoạ) |
Ngoài ra, tội phạm sử dụng không gian mạng lừa đảo, chiếm đoạt tài sản diễn ra phức tạp với nhiều thủ đoạn mới, tinh vi, xảy ra ở nhiều địa phương trong cả nước, rất nhiều cá nhân đã bị lừa đảo với số tiền rất lớn…
Cụ thể các hình thức xử phạt, biện pháp khắc phục hậu quả
Về bố cục, dự thảo Nghị định gồm 4 chương, 51 điều. Về hình thức xử phạt, biện pháp khắc phục hậu quả, dự thảo Nghị định quy định, đối với mỗi hành vi vi phạm hành chính trong lĩnh vực an ninh mạng, tổ chức, cá nhân phải chịu hình thức xử phạt chính là cảnh cáo và phạt tiền.
Tùy theo tính chất, mức độ vi phạm, tổ chức, cá nhân có hành vi vi phạm hành chính còn bị áp dụng một hoặc nhiều hình thức xử phạt bổ sung đó là: Tước quyền sử dụng giấy phép có thời hạn từ 1 tháng đến 24 tháng đối với giấy phép về bưu chính, viễn thông, thiết lập mạng viễn thông, trang thông tin điện tử tổng hợp, lắp đặt cáp viễn thông trên biển, sử dụng tần số vô tuyến điện, kinh doanh sản phẩm dịch vụ an ninh mạng, kinh doanh sản phẩm dịch vụ an toàn thông tin mạng, thiết lập mạng xã hội, cung cấp dịch vụ trò chơi điện tử G1, cung cấp dịch vụ chứng thực chữ ký số, chứng chỉ hành nghề, giấy phép hành nghề.
Tịch thu tang vật, phương tiện vi phạm hành chính.
Trục xuất khỏi lãnh thổ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam đối với người nước ngoài có hành vi vi phạm.
Đình chỉ hoạt động có thời hạn từ 1 tháng đến 24 tháng.
Tạm đình chỉ hoặc đình chỉ có thời hạn xử lý dữ liệu cá nhân từ 1 tháng đến 3 tháng.
Ngoài các hình thức xử phạt vi phạm hành chính, xử phạt bổ sung, tổ chức, cá nhân vi phạm hành chính còn có thể bị áp dụng một hoặc nhiều biện pháp khắc phục hậu quả như: Buộc gỡ, xóa bỏ chương trình, phần mềm.
Buộc thu hồi hoặc tiêu hủy sản phẩm, thiết bị, ngừng cung cấp dịch vụ gây hại về an ninh mạng hoặc không đảm bảo chất lượng hoặc không có giấy phép hoặc thực hiện không đúng với giấy phép.
Buộc xóa, hủy đến mức không thể khôi phục dữ liệu đã chiếm đoạt, mua bán, trao đổi trái phép.
Buộc xóa bỏ, cải chính thông tin có nội dung sai sự thật, gây nhầm lẫn, vi phạm pháp luật về an ninh mạng.
Buộc loại bỏ tính năng, thành phần gây hại về an ninh chương trình, sản phẩm, thiết bị, dịch vụ, phần mềm.
Buộc thu hồi số thuê bao, đầu số, kho số viễn thông; tài nguyên Internet, tên miền, địa chỉ Internet (IP), số hiệu mạng (ASN); mã số quản lý, số cung cấp dịch vụ.
Buộc hoàn trả địa chỉ IP, ASN, tên miền, tài khoản số.
Buộc chuyển đổi mục đích sử dụng sản phẩm, thiết bị, dịch vụ, phần mềm.
Buộc hủy bỏ kết quả thẩm định, đánh giá, kiểm tra, chứng nhận về an ninh mạng.
Buộc sửa đổi thông tin đối với sản phẩm, thiết bị, dịch vụ, phần mềm.
Buộc cải chính kết quả thẩm định, đánh giá, kiểm tra, chứng nhận về an ninh mạng.
Buộc thẩm định, đánh giá, kiểm tra, chứng nhận lại về an ninh mạng.
Buộc công bố lại thông tin thẩm định, đánh giá, kiểm tra, chứng nhận, thông tin về sản phẩm, thiết bị, dịch vụ, phần mềm.
Buộc nộp lại số lợi bất hợp pháp có được do thực hiện vi phạm hành chính hoặc buộc nộp lại số tiền bằng giá trị tang vật, phương tiện vi phạm hành chính đã bị tiêu thụ, tẩu tán, tiêu hủy trái quy định của pháp luật theo Điều 37 Luật Xử lý vi phạm hành chính.
Công khai xin lỗi trên các phương tiện thông tin đại chúng.
Buộc nộp lại giấy phép, chứng chỉ có liên quan; kiến nghị cơ quan có thẩm quyền thu hồi giấy phép, chứng chỉ, chứng nhận do vi phạm quy định của pháp luật.