Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đang dự thảo Nghị định quy định chi tiết một số điều của Luật Phòng, chống bạo lực gia đình để lấy ý kiến đóng góp của các cơ quan, tổ chức, cá nhân.
Theo cơ quan chủ trì soạn thảo, ngày 14/11/2022, tại Kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XV đã thông qua Luật Phòng, chống bạo lực gia đình số 13/2022/QH15 (Luật Phòng, chống bạo lực gia đình), có hiệu lực thi hành từ ngày 1/7/2023. Luật Phòng, chống bạo lực gia đình được thông qua với nhiều nội dung mới không chỉ khắc phục những hạn chế, bất cập của Luật Phòng, chống bạo lực gia đình năm 2007 mà còn thể chế hóa đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của nhà nước trong giai đoạn mới, bảo đảm phù hợp với hệ thống pháp luật hiện hành, thể hiện quyết tâm của Đảng và Nhà nước ta trong việc giải quyết vấn nạn bạo lực gia đình, hướng đến xây dựng gia đình Việt Nam no ấm, tiến bộ, hạnh phúc.
Ngày 12/12/2022, Thủ tướng Chính phủ đã ký Quyết định số 1529/QĐ-TTg ban hành Danh mục và phân công cơ quan chủ trì soạn thảo văn bản quy định chi tiết thi hành các luật, nghị quyết được Quốc hội khóa XV thông qua tại kỳ họp thứ 4 (Quyết định số 1529/QĐ-TTg), trong đó giao Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch chủ trì soạn thảo Nghị định quy định chi tiết một số điều của Luật Phòng, chống bạo lực gia đình.
Thực hiện Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật năm 2015, Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật năm 2020, Quyết định số 1529/QĐ-TTg và để bảo đảm Luật Phòng, chống bạo lực gia đình được triển khai thực hiện đồng bộ, có hiệu quả ngay khi có hiệu lực thi hành, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã chủ trì, phối hợp với các Bộ, ngành, các tổ chức, cá nhân có liên quan xây dựng dự thảo Nghị định quy định chi tiết một số điều của Luật Phòng, chống bạo lực gia đình (dự thảo Nghị định).
|
|
VKSND Quận 11, TP Hồ Chí Minh phối hợp tổ chức phiên tòa giả định về “Phòng, chống bạo lực gia đình”. (Ảnh minh hoạ) |
Về mục đích, việc xây dựng dự thảo Nghị định bám sát và quy định chi tiết các nội dung được giao trong Luật Phòng, chống bạo lực gia đình; thể chế hóa chủ trương, đường lối, chính sách đổi mới của Đảng về gia đình, phòng, chống bạo lực gia đình; phát huy các nguồn lực trong xã hội, tạo điều kiện để các tổ chức, cá nhân tham gia phòng, chống bạo lực gia đình.
Bảo đảm tính thống nhất, hiệu quả và đồng bộ trong hệ thống pháp luật, phù hợp với thực tiễn. Đồng thời, đáp ứng được yêu cầu quản lý nhà nước về phòng, chống bạo lực gia đình trong giai đoạn chuyển đổi số. Tạo hành lang pháp lý cho tổ chức, cá nhân tham gia các hoạt động phòng, chống bạo lực gia đình.
Việc xây dựng dự thảo Nghị định cũng nhằm đáp ứng được các yêu cầu về cải cách hành chính tạo điều kiện thuận lợi cho cơ quan, tổ chức, cá nhân tham gia phòng, chống bạo lực gia đình.
Đồng thời, kế thừa các quy định của các văn bản quy phạm pháp luật có liên quan đến phòng, chống bạo lực gia đình, đáp ứng nhu cầu phát triển và hội nhập. Đa dạng và phát triển văn hóa trong gia đình, phù hợp với các Điều ước quốc tế mà Việt Nam đã tham gia ký kết.
Quan điểm xây dựng dự thảo Nghị định bao gồm: Quy định chi tiết một số điều được Luật Phòng, chống bạo lực gia đình giao, bảo đảm tính đồng bộ, thống nhất, hiệu lực thi hành giữ Luật Phòng, chống bạo lực gia đình và Nghị định quy định chi tiết.
Bảo đảm tính minh bạch, khả thi, dễ tiếp cận, tạo thuận lợi cho việc thực thi có hiệu quả, phục vụ sự nghiệp phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội của đất nước.
Bảo đảm quyền con người trong quá trình thực thi Luật; khắc phục những vướng mắc, bất cập trong thực tiễn thi hành; nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước, xây dựng gia đình Việt Nam no ấm, tiến bộ, hạnh phúc.
Về bố cục, dự thảo Nghị định gồm 6 chương, 52 điều. Trong đó, liên quan đến nguyên tắc bảo mật thông tin, dự thảo Nghị định quy định: Mọi thông tin, thông báo, tố giác trong quá trình tiếp nhận, xác minh chỉ được phép cung cấp cho tổ chức, cá nhân có thẩm quyền nhằm bảo vệ đời sống riêng tư, bí mật cá nhân và bí mật gia đình, sự an toàn của người cung cấp thông tin và người bị bạo lực gia đình.
Quá trình cung cấp, trao đổi thông tin phục vụ bảo vệ người bị bạo lực gia đình giữa nơi tiếp nhận thông tin và cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền, phải được bảo quản, không công bố rộng rãi trên phương tiện thông tin đại chúng.
Thông tin, báo cáo định kỳ, đột xuất của cơ quan, tổ chức có thẩm quyền, chức năng bảo vệ người bị bạo lực gia đình trong trường hợp cần thiết phải nêu đầy đủ, chi tiết thông tin thì phải xác định mức độ bảo mật và phạm vi cung cấp thông tin, báo cáo.