Luật Phòng, chống bạo lực gia đình (PCBLGĐ) được Quốc hội khóa XII thông qua ngày 21/11/2007 có hiệu lực thi hành từ ngày 01/7/2008. Luật gồm 6 chương, 46 Điều. Sau 12 năm triển khai và thi hành, Luật PCBLGĐ đã thể chế hóa bảo vệ các quyền cơ bản của con người trong quá trình xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa; điều chỉnh các quan hệ gia đình và trách nhiệm của cơ quan, tổ chức trong PCBLGĐ; tạo cơ sở pháp lý trong việc ban hành chính sách về PCBLGĐ. Tuy nhiên, quá trình triển khai thi hành, Luật PCBLGĐ đã bộc lộ một số tồn tại, hạn chế cần phải khắc phục nhằm tạo cơ sở pháp lý đồng bộ cho công tác PCBLGĐ, phù hợp với hệ thống pháp luật Việt Nam cũng như Công ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên.

Những bất cập của Luật PCBLGĐ hiện hành

Rất khó để nhận diện hành vi bạo lực gia đình do chưa làm rõ về khái niệm như bạo lực gia đình; mâu thuẫn, tranh chấp trong gia đình; bạo lực trên cơ sở giới trong gia đình; hỗ trợ khẩn cấp; trục lợi trong PCBLGĐ, .... Công tác truyền thông hiện nay còn dàn trải, chưa có nhiều tin bài phổ biến kiến thức pháp luật về PCBLGĐ, đặc biệt giáo dục cho người có hành vi BLGĐ. Việc hòa giải cơ sở trong PCBLGĐ cũng chưa phát huy được hiệu quả, còn mang tính thủ tục hành chính, đội ngũ hòa giải viên còn hạn chế về kỹ năng hòa giải đối với những vụ việc bạo lực gia đình.

Các thủ tục hành chính và điều kiện để xử lý vụ việc BLGĐ còn phức tạp, nhất là quy định về viết đơn, tố cáo. Nhiều nạn nhân BLGĐ ngại tiếp xúc với chính quyền vì không biết phải trình bày thế nào, thậm chí bị người gây bạo lực đe dọa nếu viết đơn hoặc tố cáo. Các biện pháp cấm tiếp xúc cũng chưa thực sự tạo điều kiện thuận lợi cho nạn nhân BLGĐ. Khi áp dụng biện pháp cấm tiếp xúc thì nạn nhân thường là người phải ra khỏi nhà (chủ yếu là phụ nữ, trẻ em, người cao tuổi).

Các cơ sở hỗ trợ nạn nhân BLGĐ hiện nay hoạt động chưa hiệu quả; việc phạt tiền đối với người gây bạo lực gia đình cũng được các nhà nghiên cứu đánh giá không phù hợp khi nạn nhân bạo lực (người vợ/chồng hoặc bố mẹ) của người gây bạo lực là người nộp tiền phạt hoặc tiền nộp phạt được lấy từ quỹ chi tiêu chung của gia đình. Điều này khiến cho nạn nhân không muốn tố cáo hành vi BLGĐ. Nhiều quốc gia trên thế giới đã thay thế phạt tiền người gây BLGĐ là người vợ/chồng bằng hình thức giáo dục bắt buộc, thậm chí phạt tù nhằm răn đe người có hành vi BLGĐ.

leftcenterrightdel
 Trên thế giới, thông qua Luật mẫu của Liên hợp quốc, các quốc gia cụ thể hóa thành các quy định để hướng tới mục tiêu xóa bỏ BLGĐ. Ảnh minh họa
Luật hiện hành chưa đưa ra các quy định cụ thể trong nội dung quản lý Nhà nước về PCBLGĐ và quy định trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan, tổ chức trong thực thi nhiệm vụ PCBLGĐ. Trong khi đó, một số Luật hiện nay quy định rõ trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan, tổ chức, địa phương. Như Luật Phòng, chống tác hại của thuốc lá (2012) có quy định chi tiết nội dung này tại Điều 6; Luật Phòng, chống tác hại của rượu, bia (2019) quy định vấn đề này tại Điều 33. Ngoài ra còn những bất cập trong bổ kinh phí cho công tác PCBLGĐ. Xã hội hóa công tác PCBLGĐ; công tác thu thập, báo cáo thông tin về bạo lực gia đình, cơ chế phối hợp liên ngành,….

Chuẩn mực quốc tế trong phòng ngừa, bảo vệ và hỗ trợ nạn nhân bạo lực gia đình

Trên thế giới, thông qua Luật mẫu của Liên hợp quốc, các quốc gia cụ thể hóa thành các quy định để hướng tới mục tiêu xóa bỏ BLGĐ. Cụ thể, Australia xác định BLGĐ là bạo lực trên cơ sở giới, vì vậy, họ đã chú trọng các giải pháp thúc đẩy bình đẳng giới nhằm ngăn ngừa BLGĐ. Hàn Quốc tập trung đẩy mạnh các biện pháp giáo dục, nâng cao nhận thức về BLGĐ. Năm 2007, Hàn Quốc sửa đổi bổ sung Điều luật liên quan đến phòng, chống BLGĐ và bảo vệ người bị hại và vấn đề BLGĐ được đưa vào chương trình giáo dục bắt buộc. Nhiều nước châu Á khác cũng quy định tương tự như Hàn quốc.

Về cung cấp thông tin và tư vấn phải được thực hiện trên cơ sở tôn trọng phẩm giá và sự riêng tư, nạn nhân được tiếp cận dịch vụ y tế, pháp luật, tham vấn thích hợp và các dịch vụ hỗ trợ khác. Các thủ tục tố tụng liên quan đến BLGĐ, kể cả việc áp dụng quyết định bảo vệ đều phải được tiến hành kín tại Tòa án nhằm bảo vệ sự riêng tư và phẩm giá của nạn nhân.

Trên cơ sở Luật mẫu của Liên hợp quốc, Philippines quy định cán bộ y tế, nhân viên công tác xã hội, cán bộ tham vấn nếu có nghi ngờ về BLGĐ hoặc khi được nạn nhân của BLGĐ cho biết về vụ việc thì phải: (1) Ghi chép đầy đủ tổn thương, nghi vấn, điều quan sát được; (2) Cấp chứng nhận sức khỏe miễn phí liên quan đến lần khám hoặc gặp nạn nhân; (3) Bảo quản hồ sơ và đưa cho nạn nhân khi có yêu cầu; (4) Cung cấp đầy đủ các thông tin về quyền của họ.

Khuyến nghị của Liên hợp quốc cũng hướng đến việc các quốc gia cần quy định rõ trách nhiệm công an trong giải quyết các vấn đề như giúp đỡ, bảo vệ, thẩm vấn, gửi báo cáo, tư vấn về quyền cho nạn nhân, cung cấp nơi an toàn, thu xếp đưa thủ phạm ra khỏi nhà…. Luật của một số quốc gia/vùng lãnh thổ như: Philippines, Malaysia, Nhật Bản, Đài Loan, Timor Leste, Nam Phi đã tiếp nhận các quy định như khuyến nghị của Liên hợp quốc. Thậm chí, Hàn Quốc còn cho phép cảnh sát có thể vào nhà can ngăn BLGĐ mà không cần giấy phép hay đơn tố cáo. Các khuyến cáo để ngăn việc rút đơn tố cáo hành vi BLGĐ cũng được một số quốc gia quy định rõ nhằm ngăn chặn tình trạng nạn nhân rút đơn vì sức ép từ phía gia đình, cộng đồng.

Về bảo vệ nạn nhân, Liên hợp quốc khuyến cáo 2 cấp độ quyết định bảo vệ: (1) Quyết định khẩn cấp theo đề nghị của một bên; (2) Quyết định bảo vệ dài hạn hoặc thường xuyên. Đề nghị của một bên tức là không cần thông báo trước cho bị đơn mà chỉ hoàn toàn dựa trên đề nghị của nạn nhân.

Ở nhiều nước, quyết định bảo vệ nạn nhân BLGĐ có thể được ban hành ngay cả khi hành vi bạo lực chưa đến mức nghiêm trọng và không cần chứng cứ thương tích. Thời hạn quyết định bảo vệ tại Úc, Nam Phi, các bang của Hoa Kỳ áp dụng theo đúng khuyến nghị của Liên hợp quốc là 10 ngày. Còn ở Philippines thì thời hạn áp dụng biện pháp bảo vệ được quy định là 15 ngày, Kosovo là 20 ngày, Campuchia là 60 ngày. Còn thời gian bảo vệ dài hạn, một số nước và vùng lãnh thổ như Đài Loan, Malaysia, Kosovo quy định 12 tháng, Campuchia quy định 6 tháng. NewZealand, Nam Phi, Philippines thậm chí không quy định cụ thể thời gian bảo vệ dài hạn, quyết định có thể vô hạn cho đến khi một trong hai bên vợ chồng đề nghị ra Tòa án để bãi bỏ.

Các điều kiện được áp đặt trong quyết định bảo vệ thường bao gồm: Cấm thực hiện bất cứ hành vi bạo lực nào mới; Cấm tiếp xúc với nạn nhân; Yêu cầu người vi phạm ra khỏi nhà (Philippines, Campuchia, Malaysia, Nhật Bản, Đài Loan,..); Cấp dưỡng tạm thời (như một phần của quyết định bảo vệ: Mỹ, Úc, Philippines, Campuchia, Đài Loan, Nam Phi, Kosovo…); Quyết định giao trông nom trẻ; Tịch thu vũ khí; Yêu cầu cảnh sát hộ tống nạn nhân để lấy đồ đạc, vật dụng cá nhân.

Về chế tài đối với vi phạm quyết định bảo vệ, Malaysia quy định trong thời hạn 24h kể từ khi quyết định bảo vệ hoặc quyết định bảo vệ tạm thời được ban hành, luật sư Tòa án nơi ban hành quyết định bảo vệ tạm thời gửi một bản sao cho sỹ quan chỉ huy của cảnh sát cấp huyện nơi người cư trú. Kosovo thì quy định trong vòng 24 giờ, Tòa án phải chuyển quyết định cho nạn nhân, người vi phạm, Đồn cảnh sát địa phương và Trung tâm phụ trách công tác xã hội. Vi phạm quyết định bảo vệ là một tội phạm độc lập và riêng biệt phải chịu phạt tiền hoặc tù ở nhiều bang của Hoa Kỳ, New Zealand, Malaysia, Philippines, Úc, Nam Phi.

Về hoạt động trợ giúp dài hạn cho nạn nhân BLGĐ nhằm phục hồi và tái hòa nhập, Luật mẫu Liên hợp quốc khuyến nghị hòa giải có thể hiệu quả đối với các tranh chấp nhỏ nhưng không nên được áp dụng trong các trường hợp bạo lực diễn ra trầm trọng hoặc diễn ra triền miên. Luật PCBLGĐ của Campuchia quy định hòa giải không được áp dụng trong các trường hợp BLGĐ có dấu hiệu trọng tội hoặc tội nghiêm trọng. Luật của Timor Leste nghiêm cấm cảnh sát chuyển các vụ BLGĐ cho già làng để hòa giải.

Từ những bất cập của Luật PCBLGĐ hiện hành và kinh nghiệm trong xử lý một số vấn đề liên quan đến phòng, ngừa, bảo vệ, hỗ trợ nạn nhân bạo lực gia đình của quốc tế và một số quốc gia trên thế giới, hy vong, Luật PCBLGĐ được sửa đổi sắp tới sẽ khắc phục triệt để được những bất cập nêu trên và phát huy hiệu quả trong cuộc sống.


Ngọc Anh