Ngày 28/3, tại Đà Nẵng, Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam phối hợp Cơ quan phòng, chống ma túy và tội phạm của Liên hợp quốc (UNODC) tại Việt Nam tổ chức Hội thảo góp ý dự thảo “Luật Phòng, chống bạo lực gia đình (sửa đổi)” với sự tham dự của đại diện một số bộ ngành liên quan (Trung ương), đại diện các ban, ngành, đơn vị cấp tỉnh/ huyện của 7 tỉnh, thành phố khu vực miền Trung.

Luật Phòng, chống bạo lực gia đình được ban hành năm 2007, có hiệu lực ngày 1/7/2008. Từ năm 2009, Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam cũng đã xây dựng Chương trình hành động thực hiện Luật Phòng, chống bạo lực gia đình giai đoạn 2010-2020 nhằm góp phần nâng cao hiệu quả công tác phòng, chống bạo lực gia đình; bảo vệ, hỗ trợ nạn nhân bạo lực gia đình và từng bước giảm thiểu tình trạng bạo lực gia đình tại mỗi địa phương và trên toàn quốc.

Sau hơn 13 năm thi hành Luật Phòng, chống bạo lực gia đình, nhận thức của người dân, cộng đồng và chính quyền các cấp đã chuyển biến tích cực, tình trạng bạo lực gia đình đã có xu hướng giảm đáng kể theo từng năm cả về số vụ và mức độ bạo lực. Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, tình trạng bạo lực gia đình vẫn còn diễn biến phức tạp, khó lường, một số địa phương vẫn xảy ra các vụ bạo lực gia đình nghiêm trọng.

leftcenterrightdel
 Các đại biểu đóng góp ý kiến tại hội thảo. (ảnh: LT)

Kết quả điều tra quốc gia bạo lực với phụ nữ được Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, Tổng cục Thống kê, Quỹ dân số Liên hợp quốc tại Việt Nam công bố năm 2020 cho thấy, có 31,6% phụ nữ phải chịu ít nhất một hình thức bạo lực trong 12 tháng (kể từ lúc điều tra), cứ 3 phụ nữ có gần 1 người (32%) bị chồng bạo lực thể xác/hoặc bạo lực tình dục.

Đáng chú ý có 90,4% phụ nữ bị chồng bạo lực thể xác hoặc tình dục không tìm kiếm sự giúp đỡ. Chỉ có 4,8% tìm kiếm sự giúp đỡ của Công an. Kết quả điều tra này còn cho thấy, bạo lực gia đình với phụ nữ gây thiệt hại 1,8% GDP mỗi năm.

Không chỉ bạo lực gia đình với phụ nữ mà bạo lực gia đình với trẻ em, người già cũng diễn ra phổ biến. Kết quả điều tra về bạo lực gia đình năm 2019 do Viện Nghiên cứu Gia đình và Giới thực hiện cho thấy, có 69% trẻ em cho biết đã từng bị bố mẹ xử phạt bằng bất kỳ hình thức nào như đánh, đấm, tát,... Trẻ em cũng là nhóm xã hội có nguy cơ cao bị xâm hại tình dục trong gia đình, theo đó trong số trẻ bị xâm hại tình dục có tới 21,3% bị chính người thân trong gia đình xâm hại. Các hành vi bạo lực gia đình với người cao tuổi được ghi nhận khá phổ biến ở những hành vi như: “bỏ mặc không quan tâm về tình cảm” chiếm 10,2%, “không quan tâm, chăm sóc ăn uống, thuốc men” chiếm 8,5%, các hành vi khác như bị ép buộc lao động, bị coi thường, sỉ nhục,...

Tình hình bạo lực gia đình xảy ra ảnh hưởng lớn đến mục tiêu xây dựng gia đình no ấm, bình đẳng, tiến bộ hạnh phúc, cản trở sự nghiệp tiến bộ, phát triển của phụ nữ và bình đẳng giới mà Việt Nam đang cố gắng phấn đấu thực hiện. Tình trạng bạo lực gia đình xuất phát từ nhiều nguyên nhân như: Quy định của luật còn thiếu, chưa đầy đủ; điều kiện xử lý vụ việc bạo lực gia đình phức tạp, biện pháp bảo vệ nạn nhân chưa phát huy hiệu quả; quy định về quản lý Nhà nước đối với lĩnh vực bạo lực gia đình chưa cụ thể; công tác giáo dục, truyền thông chưa hiệu quả… Vì vậy, việc sửa đổi Luật nhằm nâng cao hơn nữa hiệu quả công tác phòng, chống bạo lực gia đình là thực sự rất cần thiết.

leftcenterrightdel
Việc tuyên truyền, giáo dục, nâng cao nhận thức, hiểu biết pháp luật về phòng chống bạo lực gia đình là rất cần thiết. (ảnh: LT)

Tham gia đóng góp ý kiến tại hội thảo, bà Phan Thị Hồng Thắng – Giám đốc Sở Tư pháp tỉnh Đắk Lắk cho biết, bạo lực gia đình là vấn nạn nhức nhối cho xã hội và để lại nhiều hậu quả nghiêm trọng cho con người, nhất là đối với phụ nữ và trẻ em.

“Việc ngăn chặn và tiến tới đẩy lùi nạn bạo lực gia đình đang là mối quan tâm của tất cả quốc gia, trong đó có Việt Nam. Để thực hiện được mục tiêu này, việc tuyên truyền, giáo dục, nâng cao nhận thức, hiểu biết pháp luật về phòng chống bạo lực gia đình có ý nghĩa vô cùng quan trọng và được xác định là nhiệm vụ đầu tiên, then chốt cần phải tập trung thực hiện.” - Giám đốc Sở Tư pháp tỉnh Đắk Lắk chia sẻ.

Cùng với đó, bà Phan Thị Hồng Thắng cũng nêu quan điểm cần tiếp tục hoàn thiện thể chế về phòng chống, bạo lực gia đình mà cụ thể là sửa đổi Luật Phòng, chống bạo lực gia đình năm 2007 như: Cần bổ sung quy định về nguyên tắc bảo đảm bí mật đời tư trong công tác tuyên truyền, truyền thông; xây dựng mô hình tổng hợp trợ giúp nạn nhân bạo lực gia đình; cần quy định các chính sách nhằm tăng cường việc khuyến khích các tổ chức xã hội, cá nhân tham gia phòng, chống bạo lực gia đình,...

Đóng góp ý kiến vào dự thảo Luật Phòng, chống bạo lực gia đình, bà Hoàng Thị Thu Hương – Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ Đà Nẵng đề nghị, cần nghiên cứu, bổ sung hình thức răn đe, xử phạt phù hợp: lao động công ích, phạt tiền từ thu nhập của người gây ra bạo lực,... Xây dựng, kết nối mạng lưới toàn quốc dịch vụ liên ngành hỗ trợ nạn nhân bạo lực giới; phát huy hiệu quả mô hình địa chỉ tin cậy tại các tỉnh/ thành và đội ngũ làm công tác bình đẳng giới và phòng chống bạo lực gia đình trong hệ thống hội.

Tại hội thảo, nhiều đại biểu cũng đã nêu ý kiến góp ý về vấn đề cần quy định rõ hình thức răn đe, xử lý người gây bạo lực gắn với các quy định trong BLHS, thay vì quy định Công an xã có trách nhiệm thực hiện các biện pháp ngăn chặn hành vi bạo lực gia đình; bổ sung nội dung về quy định trách nhiệm của Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam trong công tác phối hợp liên ngành về phòng, chống bạo lực gia đình…

Trên cơ sở các thông tin, ý kiến, Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam sẽ đề xuất các nội dung sửa đổi, bổ sung Luật Phòng, chống bạo lực gia đình, góp phần bảo đảm thu hẹp khoảng cách giới và tiến tới bình đẳng giới thực chất, làm cho cả nam và nữ đều được hưởng thụ một cách bình đẳng từ các thành quả phát triển của xã hội.

 

Lê Tâm