Mức hỗ trợ 40.000 đồng/ngày/nạn nhân BLGĐ vẫn là quy định trên giấy?
BLGĐ không phải là câu chuyện ở riêng địa phương nào, mà là một vấn nạn gây nhức nhối xã hội nhiều năm qua. Báo cáo điều tra quốc gia về bạo lực đối với phụ nữ ở Việt Nam năm 2019 trên gần 6.000 phụ nữ trong độ tuổi 15 - 64, sinh sống tại 63 tỉnh, thành phố của Việt Nam cho thấy, gần 63% phụ nữ Việt Nam bị một hoặc hơn một hình thức bạo lực.
Sau 12 năm triển khai và thi hành Luật Phòng, chống bạo lực gia đình (PCBLGĐ), bên cạnh những thành tựu đạt được, Luật cũng đã bộc lộ hạn chế, bất cập cần phải điều chỉnh, bổ sung, hoàn thiện. Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã nêu rõ những hạn chế của Luật. Nổi bật trong số này là các quy định về thủ tục hành chính và điều kiện để xử lý vụ việc BLGĐ còn khá phức tạp, nhất là quy định nạn nhân phải viết đơn, tố cáo đối tượng bạo lực, nạn nhân lại phải ra khỏi nhà sau vụ việc; chưa quy định cụ thể nội dung quản lý Nhà nước và trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan, tổ chức PCBLGĐ; chưa quy định rõ các trường hợp nạn nhân cần trợ giúp khẩn cấp và khuyến khích xã hội hóa công tác PCBLGĐ, dẫn đến khó khăn về kinh phí hoạt động phòng chống BLGĐ.
Kinh phí hoạt động PCBLGĐ hiện nay tại các tỉnh, thành, thường được đầu tư lồng ghép chung trong công tác gia đình. Đặc biệt, mức chi chi hỗ trợ nạn nhân BLGĐ tạm lánh tại địa chỉ tin cậy tại cộng đồng theo quy định hiện hành là tối đa 40.000đồng/người/ngày ở nông thôn; và 50.000đồng/người/ngày ở thành thị và không quá 3 ngày/lần tạm lánh. Mặc dù mức quy định này không còn phù hợp với thời giá hiện nay nhưng điểm đáng chú ý, các địa phương cũng không có kinh phí để hỗ trợ theo quy định.
“Kinh phí chi cho công tác PCBLGĐ ở cơ sở rất khó khăn. Mặt khác, việc chi hỗ trợ theo quy định phải có trong kế hoạch chi kinh phí năm. Chúng ta rất khó lập kế hoạch mỗi năm có bao nhiêu nạn nhân cần được hỗ trợ để xây dựng kế hoạch. Vì vậy, cần có giải pháp nào đó để huy động kinh phí từ xã hội hóa hoặc nhà nước cấp dành riêng một khoản kinh phí để thực hiện nhiệm vụ nêu trên thì mới có tính khả thi. Nếu chúng ta quy định như trên và nêu nguồn từ ngân sách nhà nước thì rất khó triển khai” - Bà Trần Tuyết Ánh, Vụ trưởng Vụ Gia đình – Bộ Văn Hóa, Thể thao và Du lịch chia sẻ.
Làm gì để khuyến khích tổ chức, cá nhân tham gia PCBLGĐ?
Bên cạnh yếu tố tài chính, nhân lực luôn là yếu tố quyết định đến việc triển khai, thực thi chính sách, pháp luật. Một trong những hạn chế, bất cập của Luật PCBLGĐ hiện hành là khó khăn về nhân lực từ nhà nước nhưng lại chưa có chính sách cụ thể để khuyến khích tổ chức, cá nhân ngoài nhà nước tham gia công tác này.
Khắc phục bất cập nêu trên, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã trình Chính phủ hồ sơ đề nghị sửa đổi Luật PCBLGĐ. Trong đó, Bộ đã đề xuất giải pháp nhằm bổ sung nguồn lực cho công tác PCBLGĐ thông qua chính sách khuyến khích xã hội hóa. Theo đó, bên cạnh việc huy động tổ chức, cá nhân đóng góp kinh phí, nhân lực cho công tác PCBLGĐ, Nhà nước cũng sẽ chủ động các giải pháp nhằm biểu dương, tuyên dương kịp thời tổ chức, cá nhân có nhiều đóng góp cho công tác PCBLGĐ. Đặc biệt, dự thảo cũng đề cập đến những tổn thất mà tổ chức, cá nhân có thể phải gánh chịu khi trực tiếp can ngăn BLGĐ. Vì thế, trong trường hợp người gây tổn thất không có khả năng đến bù thiệt hại thì Nhà nước có trách nhiệm hoàn trả, hỗ trợ thiệt hại cho người trực tiếp tham gia PCBLGĐ. Có thể nói đây là chính sách nhân văn của Nhà nước để ghi nhận sự đóng góp của tổ chức, cá nhân có đóng góp cho công tác PCBLGĐ và cũng được kỳ vọng là giải pháp bổ sung nguồn lực xã hội cho công tác này.
Có hay không nên thành lập quỹ hỗ trợ nạn nhân BLGĐ?
Hiện nay, một số Luật đã quy định việc thành lập Quỹ như: Luật Phòng, chống tác hại của thuốc lá (2012); Luật Du lịch (2017) và Luật Phòng, chống tác hại của rượu, bia (2019). Dự thảo đề cương Luật PCBLGĐ sửa đổi và Tờ trình Chính phủ cho thấy, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch cũng đề xuất thành lập Quỹ hỗ trợ nạn nhân BLGĐ. Điểm khác biệt giữa đề xuất trong dự thảo Luật sửa đổi với các Luật hiện hành ở nguồn kinh phí hoạt động. Theo đó, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã đề xuất Quỹ thành lập theo hình thức “Quỹ xã hội hóa PCBLGĐ”. Điều này có nghĩa, kinh phí hoạt động của Quỹ sẽ huy động từ nguồn xã hội hóa, Nhà nước thực hiện quản lý nguồn kinh phí để đảm bảo việc sử dụng đúng mục đích, đúng đối tượng.
Theo quy định của Nghị định số 93/2019/NĐ-CP ngày 25 tháng 11 năm 2019 của Chính phủ quy định về tổ chức, hoạt động của quỹ xã hội, quỹ từ thiện thì đề xuất của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch có thể được hiểu sẽ hoạt động theo quy định của Nghị định này. Việc đề xuất thành lập quỹ cũng được thực hiện từ nhiệm vụ Thủ tướng Chính phủ giao cho Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch tại Quyết định số 215/QĐ-TTg phê duyệt Chương trình hành động Quốc gia về PCBLGĐ đến năm 2020. Vì vậy, việc luật hóa quy định việc thành lập quỹ là cơ sở pháp lý quan trọng để vận hành và quản lý nguồn kinh phí theo quy định pháp luật hiện hành.
Nói về sự cần thiết của việc cần phải có nguồn kinh phí để hỗ trợ nạn nhân BLGĐ, Bà Nguyễn Vân Anh - Giám đốc Trung tâm nghiên cứu ứng dụng khoa học về giới – gia đình – phụ nữ và trẻ em vị thành niên cho biết: “Khi bị BLGĐ thì việc quan trọng nhất là phải thoát nhanh ra khỏi nhà hoặc khỏi người có hành vi bạo lực. Vì vậy, nạn nhân thường không mang theo tài sản, thậm chí có người còn ra khỏi nhà trong tình trạng không mảnh vải che thân. Trong hoàn cảnh này, họ rất cần sự bảo vệ, hỗ trợ từ cộng đồng và chính quyền. Vì vậy, Nhà nước cần có biện pháp nào đó để có nguồn kinh phí dự phòng sẵn sàng chi trong những tình huống như vậy”.
Từ những căn cứ pháp lý và thực tiễn, việc đề xuất luật hóa quy định về Quỹ hỗ trợ nạn nhân BLGĐ là cần thiết.
Hiện nay, Bộ Văn hóa, Thể thao và Lịch đang trình Chính phủ đưa vào chương trình xây dựng Luật, pháp lệnh của Quốc hội năm 2021; dự kiến trình Quốc hội cho ý kiến vào kỳ họp thứ nhất năm 2022 và thông qua vào kỳ họp thứ hai năm 2022.